15:18 24/09/2007

Bồi thường tiền tỷ vì bán hàng sai quy cách

Phạm Mai

Một bài học đắt giá mà các doanh nghiệp Việt Nam cần rút kinh nghiệm trong làm ăn với đối tác nước ngoài

Dù Sleep City đã thông báo về số hàng giao không đúng yêu cầu nhưng E.C vẫn không trả lời mà tiếp tục giao tiếp 20 containers hàng cho họ.
Dù Sleep City đã thông báo về số hàng giao không đúng yêu cầu nhưng E.C vẫn không trả lời mà tiếp tục giao tiếp 20 containers hàng cho họ.
Giữa tháng 9/2007, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã mở lại phiên tòa xét xử vụ án kinh tế “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” và tuyên buộc Công ty TNHH E.C (trụ sở ở phường Long Bình Tân, Biên Hòa) phải trả cho Công ty Uinta Beds Pty Limited (có trụ sở ở Úc) số tiền hơn 8 tỷ đồng vì không cung cấp hàng hóa theo đúng hợp đồng.

Vụ kiện là một bài học đắt giá mà các doanh nghiệp Việt Nam cần rút kinh nghiệm trong quá trình hợp tác, kinh doanh với các đối tác nước ngoài vào thời kỳ hội nhập.

Công ty Uinta Beds Pty Limited (kinh doanh thương mại dưới tên Sleep City) cho biết, thông qua Công ty Everyday Country (trụ sở ở Hồng Kông), Sleep City và Công ty TNHH E.C thực hiện giao dịch thương mại xuất nhập khẩu mặt hàng đồ gỗ nội thất từ vài năm trước. Bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 7/2006, Công ty Sleep City không còn thông qua công ty trung gian ở Hồng Kông mà trực tiếp gửi đơn đặt hàng cho E.C.

Giao hàng không đúng yêu cầu

Trong các lần giao dịch trực tiếp này, Sleep City đã đặt 29 đơn hàng đồ gỗ nội thất trị giá gần 300 ngàn USD. Các đơn đặt hàng của Sleep City đều ghi cụ thể các yêu cầu về quy cách, chủng loại, chất lượng, khối lượng, số lượng... cho từng mặt hàng. Ngay khi nhận đơn đặt hàng từ Sleep City, Công ty E.C đã phát hành hóa đơn báo giá cho Sleep City xác định đã hiểu rõ yêu cầu của đối tác và tiến hành sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng.

Công ty Sleep City cũng đồng ý hóa đơn báo giá bằng cách ký xác nhận vào hóa đơn và gửi trả lại Công ty E.C. Tiếp đó, Công ty E.C gửi cho Sleep City các hóa đơn thương mại để Công ty này thanh toán toàn bộ tiền đặt hàng, phí vận chuyển.

Từ tháng 7 đến tháng 8/2006, E.C đã xuất khẩu 28 containers đồ gỗ nội thất cho Sleep City. Khi 8 containers đầu tiên đến cảng hải quan Úc, Công ty Sleep City đến nhận và kiểm tra hàng hóa thì phát hiện toàn bộ số hàng không đúng với yêu cầu mà họ đặt hàng. Dù Sleep City đã thông báo về số hàng giao không đúng yêu cầu nhưng E.C vẫn không trả lời mà tiếp tục giao tiếp 20 containers hàng cho họ.

Cũng như 8 containers đầu, toàn bộ số hàng giao đợt sau cũng không đúng với yêu cầu về chất lượng, số lượng, quy cách mà bên mua đã đặt hàng. Do đó, Sleep City không đồng ý nhận hàng và nhiều lần liên lạc với E.C để tìm cách giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải nhưng luôn bị làm ngơ.

Vì thế, ngày 21/11/2006, Sleep City khởi kiện ra tòa đề nghị E.C hoàn trả cho mình tiền mua hàng cùng các khoản chi phí mà họ đã chịu gồm: thuế hải quan, cước phí vận chuyển, tiền thuê nhân công, phí lưu kho bãi đến ngày phiên tòa xét xử với tổng số tiền hơn 500.000 USD (quy đổi tiền Việt Nam đồng hơn 8 tỷ đồng).

Tại phiên tòa, phía Công ty E.C công nhận hợp đồng mua bán giữa hai bên. Nhưng lại cho rằng trong 29 đơn đặt hàng của Sleep City, chỉ có 25 đơn hàng Sleep City đặt trực tiếp với E.C, 4 đơn đặt hàng còn lại là thông qua Công ty trung gian ở Hồng Kông. Thậm chí, phía E.C còn cho rằng họ đã nhận tổng cộng 84 đơn đặt hàng của Sleep City nhưng đều thông qua Công ty Everyday Country Hồng Kông.

Đặc biệt, phía E.C cho rằng số hàng mà họ nhận sản xuất từ đề nghị của đối tác không phải là những mã hàng trong các hóa đơn thương mại, đơn đặt hàng... mà Sleep City nêu ra trong vụ kiện. Sau khi đã nhận tiền đặt hàng của Sleep City, E.C đã tiến hành sản xuất và xuất toàn bộ 28 containers sản phẩm theo đơn đặt hàng cho đối tác bên Úc bằng đường biển.

Như vậy, có nghĩa là phía E.C đã giao hàng đúng với đơn đặt hàng của đối tác. Ngoài ra, phía E.C còn cho rằng việc giao dịch giữa hai bên theo hình thức thanh toán FOB nên khi hàng hóa đã giao qua lan can tàu thì phía Sleep City phải chịu trách nhiệm kiểm tra về chủng loại, số lượng, chất lượng hàng hóa và bảo hiểm.

Không có hoá đơn, đơn hàng để làm bằng chứng

Thế nhưng, qua xác minh của cơ quan chức năng từ Công ty Every Country Hồng Kông thì phía Hồng Kông phủ nhận việc làm trung gian đặt các đơn hàng này cho Sleep City. Quan trọng nhất, E.C cho rằng mình xuất đúng đơn đặt hàng của Sleep City nhưng tại phiên tòa lại không xuất trình được các đơn đặt hàng này vì... đã lỡ hủy bỏ (!?).

Trong khi đó, phía Sleep City lại xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng tỏ họ đã đặt hàng cũng như được E.C giao toàn bộ hàng hóa không đúng đơn đặt hàng. Việc giám định hàng hóa do một công ty giám định nổi tiếng và uy tín hàng đầu trên thế giới là SGS thực hiện.

Hình thức thanh toán FOB có ý nghĩa: giá bán hàng gồm giá hàng hoá của bên bán, kể cả chi phí vận chuyển hàng đến cảng, chi phí bốc hàng qua lan can tàu tại cảng cho bên mua hàng. Sau đó mọi rủi ro về vận chuyển hàng hoá chuyển sang người mua. Người mua hàng có trách nhiệm thuê tàu, bảo hiểm hàng hoá và chi trả các chi phí đó. Do đó, E.C lập luận buộc Sleep City chịu trách nhiệm về chủng loại, số lượng, chất lượng... hàng hóa là không đúng.

Trên cơ sở xem xét tài liệu, chứng cứ từ hồ sơ cũng như kết quả tranh luận tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã tuyên buộc Công ty E.C phải trả cho Sleep City số tiền hơn 8 tỷ đồng bao gồm: tiền đặt hàng, phí lưu kho bãi, vận chuyển, nhân công... Ngoài ra, Công ty E.C còn phải chịu trách nhiệm sang Úc mang toàn bộ 28 container hàng về và tất cả chi phí vận chuyển phải do Công ty E.C chi trả.

Vụ thua kiện của E.C là một bài học đắt giá mà các doanh nghiệp Việt Nam cần rút kinh nghiệm trong quá trình hợp tác, kinh doanh với các đối tác nước ngoài thời kỳ hội nhập. Trong đó, việc hiểu biết luật pháp, giao thương quốc tế cũng như chữ tín trong kinh doanh là vô cùng quan trọng.