09:03 08/11/2011

“Bom nợ” châu Âu đã mang gương mặt Italy?

Diệp Anh

Chốt phiên đêm qua, chứng khoán châu Âu ngập đỏ, giá vàng chốt cao nhất 6 tuần, giới đầu cơ dầu thấp thỏm không yên

Một người ăn xin trên đường phố Rome, thủ đô của Italy.
Một người ăn xin trên đường phố Rome, thủ đô của Italy.
Chốt phiên giao dịch đêm qua (7/11), chứng khoán châu Âu ngập đỏ, giá vàng chốt cao nhất 6 tuần, giới đầu cơ dầu thấp thỏm không yên… Tất cả đều bắt nguồn từ cùng một lý do, Italy có thể đã là quả “bom nợ” mới ở lục địa già.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/11, các sàn chứng khoán châu Âu đỏ lửa. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm nhẹ 0,3% xuống vùng 5.510,82 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 0,64% xuống mức 3.103,6 điểm. Chỉ số DAX của Đức hạ 0,63% xuống 5.928,68 điểm.

Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng giảm điểm trong phần lớn thời gian giao dịch và chỉ đảo chiều vào cuối ngày sau tín hiệu mới từ Hy Lạp cho thấy khả năng nền kinh tế này sẽ được giải cứu thông qua việc nhận được khoản tiền hỗ trợ mới.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này loại hợp đồng tháng 12 trên sàn COMEX tại New York tăng vọt 35 USD/ounce, tương ứng 2%, lên 1.791,10 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 21/9. Phạm vi giao dịch của giá vàng trong phiên là từ 1.754 – 1.794 USD/ounce.

Mặc dù chốt phiên ở mức 95,52 USD/thùng, cao nhất trong khoảng 3 tháng qua, nhưng thị trường dầu đêm qua cũng vẫn chịu tác động từ những diễn biến xung quanh cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Giới phân tích nhận định, nhà đầu tư thấp thỏm không yên.

Tuy nhiên, có vẻ như diễn biến của các thị trường hàng hóa đêm qua không xuất phát từ vấn đề Hy Lạp, mà từ Italy. Tuần trước, tại cuộc họp G-20, Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đã chấp thuận để Quỹ Tiền tệ Quốc tế giám sát các biện pháp tài chính của nước này.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng, trường hợp của Italy “khác hoàn toàn” so với Hy Lạp, và bởi vậy nước này có thể vỡ nợ sớm. “Bản thân ông Berlusconi biết là sự nghi ngờ không nằm ở các biện pháp mà ở chỗ việc thực hiện các biện pháp ấy như thế nào”, ông Sarkozy nói.

Một số chuyên gia tài chính đánh giá quyết định của ông Berlusconi cho thấy, Italy đang dần thay thế Hy Lạp để trở thành trung tâm cơn bão khủng hoảng nợ châu Âu.

Nếu các thị trường ngừng cho Italy vay tiền, hậu quả sẽ còn lớn gấp nhiều lần so với “trái bom Hy Lạp”, bởi Italy có GDP lớn thứ ba châu Âu. Và nếu nước này vỡ nợ, khủng hoảng sẽ bung bét khắp châu Âu và đẩy toàn bộ hệ thống đồng Euro vào tình trạng phá sản.

Hôm qua, áp lực đòi ông Berlusconi phải từ chức tăng lên từng giờ, đặc biệt là sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ của nước này vọt lên mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000. Chốt ngày giao dịch, chi phí đi vay của Italy đứng ở 7%.

Đầu ngày, hãng tin Reuters dẫn lời hai phóng viên thân cận với Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi cho biết, ông Berlusconi có thể từ chức ngay trong ngày 7/11 để nhanh chóng vực dậy các thị trường trái phiếu và chứng khoán.

Chủ bút tờ Foglio và từng là một bộ trưởng rất thân cận với Thủ tướng Berlusconi, ông Giuliano Ferrara nói trên trang web của báo này rằng "việc ông Berlusconi sắp từ chức là rõ ràng và vấn đề chỉ còn tính bằng giờ hoặc như một số người nói là tính bằng phút."

Franco Bechis, Phó giám đốc tờ Libero thân ông Berlusconi - cũng nói trên trang Twitter rằng Thủ tướng Berlusconi sẽ từ chức vào đêm 7/11 hoặc sáng 8/11. Sau thông tin này, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Italy đã tăng giá mạnh.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, người đứng đầu nhóm các nghị sĩ thuộc Đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu cầm quyền của Thủ tướng Silvio Berlusconi, nghị sĩ Fabrizio Cicchitto cho biết Thủ tướng đã bác những đồn đoán rằng ông sắp từ chức.

Trong một tuyên bố, ông Cicchitto nói: "Tôi vừa nói chuyện với Thủ tướng và ông Berlusconi nói rằng những tin đồn về việc ông từ chức là vô căn cứ". Hãng tin ANSA của Italy dẫn lời ông Berlusconi cũng tuyên bố rằng, những đồn đoán đó là vô căn cứ.

Những tin tức mới và dồn dập về sự đi hay ở của ông Berlusconi đã tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư. Thông tin từ Italy cũng xóa nhòa những bất ổn tại Hy Lạp một tuần trước đó mà thực tế là tình hình Hy Lạp đang ổn định trở lại.

Hôm qua, Đài truyền hình quốc gia Hy Lạp NET đưa tin hai chính đảng lớn của nước này đã nhất trí về việc đưa một thủ tướng lâm thời lên nắm quyền lãnh đạo nước này, nhằm đưa Hy Lạp thoát khỏi tình trạng bế tắc và tránh nguy cơ vỡ nợ.

Danh tính của tân thủ tướng sẽ được công bố vào ngày 8/11 cùng các thành viên khác của nội các sau khi kết thúc thương lượng giữa đương kim Thủ tướng George Papandreou và lãnh đạo phe đối lập chính Antonis Samaras.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos cho hay thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc ở Hy Lạp chứng tỏ nước này cam kết thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các nhà cho vay vốn nước ngoài.
 
Phát biểu với các phóng viên, ông Venizelos nói: "Chúng tôi có chính phủ đoàn kết dân tộc mới có trách nhiệm. Đây là bằng chứng cho cam kết cũng như khả năng thực hiện chương trình này và tái thiết đất nước chúng tôi".