07:14 06/11/2012

Bớt “bật tường”, tổng tài sản nhiều ngân hàng giảm mạnh

Minh Đức

Đã bớt đi những “động tác giả” trong việc mở rộng quy mô tổng tài sản

Vốn đã bớt “bật tường” qua lại. Hay như cách nói của một chuyên gia là 
đã bớt đi những “động tác giả” trong việc mở rộng quy mô tổng tài sản.
Vốn đã bớt “bật tường” qua lại. Hay như cách nói của một chuyên gia là đã bớt đi những “động tác giả” trong việc mở rộng quy mô tổng tài sản.
Trong bóng đá, bật tường tạo nên đường bóng nhanh. Trong ngân hàng, “bật tường” vốn từng là cách tạo nên tốc độ cao cho tổng tài sản. Nay bị hạn chế, một sự sụt giảm là đương nhiên.

Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật thống kê một số chỉ tiêu cơ bản về tình hình hoạt động hệ thống. Thay đổi đáng chú ý nhất trong tháng 9/2012 là quy mô tổng tài sản các nhà băng đã giảm đáng kể, đặc biệt ở khối ngân hàng thương mại cổ phần.

Lát cắt liên ngân hàng

Tính đến 30/9/2012, quy mô tổng tài sản có của hệ thống các tổ chức tín dụng là 4,866 triệu tỷ đồng, giảm 1,89% so với cuối năm 2011. Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước vẫn tăng trưởng với 5,05%; riêng khối ngân hàng thương mại cổ phần giảm tới 7,06%.

Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện Thông tư 35, dữ liệu thống kê bắt đầu được cập nhật từ tháng 4/2012. Mức giảm 7,06% nói trên là mạnh nhất kể từ thời điểm có dữ liệu.

Vì sao có sự sụt giảm mạnh như vậy?

Bớt “bật tường”, tổng tài sản nhiều ngân hàng giảm mạnh - Ảnh 1Một nhà băng dùng vốn mồi 1.000 tỷ đồng, “chia” cho nhân viên đi gửi các ngân hàng khác lấy sổ tiết kiệm. Đó là vốn thật. Nhưng vốn “ảo” bắt đầu nảy sinh khi những sổ tiết kiệm đó được chiết khấu, lấy tiền tiếp tục đi gửi để tạo vòng quay mới.

Tham vấn phân tích của một chuyên gia, tổng tài sản ngân hàng được xem xét theo ba cấu phần: trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế), thị trường 2 (giữa các ngân hàng - liên ngân hàng) và ở hoạt động đầu tư. Theo ông, trọng số rơi vào những thay đổi trên thị trường 2.

Nhiều năm qua, liên ngân hàng là một kênh giao dịch vốn chủ yếu của các ngân hàng thương mại, cả trực tiếp lẫn gián tiếp qua ủy thác đầu tư, tạo nên những vòng quay thúc đẩy quy mô tổng tài sản. Nay, cấu phần này đã hạn chế.

Trước đây, liên ngân hàng là một kênh cởi mở; đồng vốn trao đi - đổi lại, ngân hàng vừa gửi vừa cho vay; họ có thể sử dụng thủ thuật “bật tường” vốn qua lại lẫn nhau để vừa tăng tài sản có vừa tăng tài sản nợ. Nhưng nay, với Thông tư 21, có hiệu lực từ tháng 9 vừa qua, tiền gửi liên ngân hàng bị chuyển thành tiền vay kèm những điều kiện về “tư cách” được giao dịch, quy mô tạo tài sản theo đó bị hạn chế.

Theo phân tích của chuyên gia nói trên, không phải đợi đến khi Thông tư 21 có hiệu lực, kênh liên ngân hàng mới bị thu hẹp. Mà từ cuối 2011 đầu 2012, một hình thức giao dịch khác cũng đã phải tự hãm lại. Đó là qua ủy thác, mà vòng quay ở đây là đáng kể đổi với quy mô tổng tài sản.

Ông dẫn ví dụ: một nhà băng dùng vốn mồi 1.000 tỷ đồng, “chia” cho nhân viên đi gửi các ngân hàng khác lấy sổ tiết kiệm. Đó là vốn thật. Nhưng vốn “ảo” bắt đầu nảy sinh khi những sổ tiết kiệm đó được chiết khấu, lấy tiền tiếp tục đi gửi để tạo vòng quay mới. Cứ thế, ngân hàng “bật tường” vốn với nhau, vòng quay càng nhiều thì tổng tài sản càng tăng, và dĩ nhiên tài sản “ảo” càng lớn.

Cuối 2011 đầu 2012, những món nợ đồng lần từ kiểu giao dịch đó xuất hiện, rủi ro phát sinh. Tự thân nó xẹp xuống, và đương nhiên đến nay không còn góp phần bơm thổi cho tổng tài sản các nhà băng như trước nữa.

“Hiện nay, thị trường liên ngân hàng bị thu hẹp, chỉ là “sân chơi” của một số thành viên. Vốn khả dụng dư thừa nhưng nhiều anh không dám giao dịch, vì sợ rủi ro, sợ mất vốn”, chuyên gia này nói.

“Sợ mất vốn” cũng là cụm từ mà tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nói tới khi VnEconomy tham vấn. Theo ông, nó giải thích vì sao thị trường liên ngân hàng giờ chỉ dành cho một nhóm nhất định và không còn là kênh thúc đẩy tổng tài sản để có thể gia tăng được như trước.

Về với giá trị thực

Vốn đã bớt “bật tường” qua lại. Hay như cách nói của chuyên gia trên là đã bớt đi những “động tác giả” trong việc mở rộng quy mô tổng tài sản.

“Như vậy cũng là hạn chế đi tài sản “ảo”. Bong bóng xẹp bớt để về gần hơn với giá trị thực”, ông nhìn nhận.

Ngoài nguyên nhân trên, theo chuyên gia này, tổng tài sản nhiều ngân hàng sụt giảm còn do khó khăn trên thị trường 1. Tín dụng tăng trưởng thấp là điểm nổi bật của năm nay.

Bớt “bật tường”, tổng tài sản nhiều ngân hàng giảm mạnh - Ảnh 2Có lẽ đã qua thời chạy đua tăng tổng tài sản để thể hiện một cái gì đó về cạnh tranh, so đo về quy mô. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng tài sản. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại

Ông lưu ý thêm, tăng trưởng tín dụng thấp như vậy còn do yếu tố “ảo” cuối năm 2011. Bởi đón cơ chế phân nhóm giao chỉ tiêu, các nhà băng có động cơ tạo con số dư nợ tuyệt đối lớn vào thời điểm 31/12/2011 để có thể nắm “room” tín dụng nhiều hơn trong năm 2012. Điều này cũng đã từng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đề cập tới, mà nếu loại trừ thì thực tế tăng trưởng tín dụng đến nay có thể đã cao hơn…

Cùng quan điểm, vị tổng giám đốc được VnEconomy tham vấn cũng cho rằng tổng tài sản của các ngân hàng đang trở về giá trị thực.

“Nhưng tổng tài sản không quá quan trọng. Giảm như vậy cũng không hẳn là đáng lo ngại. Có lẽ đã qua thời chạy đua tăng tổng tài sản để thể hiện một cái gì đó về cạnh tranh, so đo về quy mô. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng tài sản”, ông nhấn mạnh.

Và người trong cuộc này đưa ra loạt câu hỏi gợi ý: chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản là tài sản sinh lời, vậy thì khả năng sinh lời đến đâu, có hiệu quả không? Họ có các khoản phải thu là gì, khả năng thu ra sao? Tài sản đầu tư, các giấy tờ có giá, chứng khoán nắm giữ liệu độ rủi ro hay lợi nhuận sẽ như thế nào?...

“Đó là những câu hỏi đáng quan tâm hơn là tổng tài sản tăng hay giảm”, ông nói.