10:42 27/04/2007

Bớt "nóng" tình trạng thiếu điện

Đức Long

Dự kiến ngày 28/4, đường dây mua điện của Trung Quốc qua hướng Hà Giang về đến Thái Nguyên sẽ được đóng điện

Phải tăng cường thực hiện ý thức tiết kiệm điện - Ảnh: VNN
Phải tăng cường thực hiện ý thức tiết kiệm điện - Ảnh: VNN
Trong "chu kỳ thiếu điện" từ năm 2004, bắt đầu từ đầu tháng 4 hàng năm, ngành điện lại đối mặt với tình hình mất cân đối nặng nề giữa cung - cầu về điện năng: phụ tải thì tăng cao, trong khi các nguồn phát thì đã hết lực.

Trước tình hình này, Chính phủ đã cho phép được áp dụng "cơ chế đặc biệt" nhằm rút ngắn thời gian thi công một số công trình cung cấp điện, trong đó có đường dây mua điện của Trung Quốc qua hướng Hà Giang về đến Thái Nguyên.

Theo dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vào ngày 28/4, đường dây này sẽ được đóng điện, tức là chưa đầy 1,5 năm sau thời điểm khởi công, và chỉ bằng khoảng một nửa so với thời gian xây dựng một nguồn phát có công suất tương đương.

Hơn thế, tổng vốn đầu tư cho công trình vào khoảng 800 tỷ đồng, tương đối rẻ so với suất đầu tư cho nhà máy điện, cộng thêm với giá mua hợp lý ở thời điểm hiện nay: 1.050 đồng/KWh (tuy cao hơn giá bán điện bình quân là 840 đồng/KWh, nhưng lại thấp hơn nhiều so với việc phải mua điện của các nguồn phát ngoài EVN trong nước, hoặc so với chi phí khoảng 2.500 đồng/KWh của các nhà máy chạy dầu diesel của EVN).

Xác định rõ điện năng nhập khẩu từ Trung Quốc là một trong các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu thiếu điện trong giai đoạn từ năm 2007- 2009, EVN đã sớm ký kết Hợp đồng mua bán điện ở cấp điện áp 220 KV với Công ty lưới điện miền Nam Trung Quốc (có hiệu lực từ ngày 1/1/2007- 31/12/2010) với tổng trị giá khoảng 216 triệu KWh.

Tiếp đó, từ đầu năm 2005, EVN quyết định gấp rút triển khai xây dựng các đường dây cấp điện áp 220 KV để tải điện nhập khẩu về các địa phương thuộc khu vực miền Bắc: đầu tiên là đường dây mua điện qua hướng Lào Cai có công suất 300 MW (đã được đóng điện vào cuối năm 2006), và đường dây từ Hà Giang về đến Thái Nguyên.

Bắt đầu từ cửa khẩu Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang), đường dây 220 KV mua điện từ Trung Quốc thứ 2 này có chiều dài hơn 205 km, bao gồm 2 dự án: đường 220 KV Thanh Thủy - Hà Giang- thủy điện Tuyên Quang (dài 127,4 Km với 287 vị trí cột) và đường 220 KV Tuyên Quang- Thái Nguyên (dài 76,73 Km, 205 vị trí cột).

Trước mắt, với công suất khoảng 150 - 200 MW, đường dây này có khả năng cung cấp sản lượng điện trung bình 600 triệu KWh/năm cho 6 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.

Nhằm mục tiêu đưa các đường mua điện của Trung Quốc vào sâu hơn nữa, đặc biệt là về gần hơn khu vực Thủ đô Hà Nội (nơi có nhu cầu phụ tải cao, với sự hiện diện của nhiều KCN lớn), EVN đã quyết định nâng cấp đường 110 KV Thái Nguyên - Sóc Sơn lên cấp điện áp 220 KV, có chiều dài 44 Km, gồm 139 vị trí cột.

Đồng thời, EVN cũng đã đàm phán với đối tác phía Trung Quốc đồng ý sớm nâng công suất truyền tải từ 200 MW lên 300 MW, nhằm tăng sản lượng điện cung cấp lên trên 1 tỷ KWh/năm.

Vượt thời gian, vượt những khó khăn của địa hình và thời tiết, gần 2.000 thợ xây lắp đã đưa đường dây về kịp tiến độ. Trên tuyến đường hơn 200 Km, có những đoạn cực kỳ phức tạp từ khâu khảo sát đến đổ móng, dựng cột: đoạn đầu tuyến không những phải đi qua vùng có địa hình núi cao, nhiều sông suối và khe sâu, mà còn đối mặt với nguy hiểm bởi bom mìn còn sót lại; đoạn tuyến thuộc huyện Na Hang phải đi vòng để tránh khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang; đoạn tuyến qua huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) có nhiều vị trí nằm trên núi đá vách dựng đứng, cao trung bình trên 250 mét.

Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt của vùng sơn cước cũng luôn thử thách ý chí và quyết tâm của con người: nắng nóng cũng quá, mà mưa rét cũng nhiều; chênh lệch nhiệt độ trong ngày trung bình từ 8-9OC, thậm chí có thời điểm chênh 10- 12OC...

Và, để có được thành công này, cũng giống như nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khác trong cả nước, khó khăn lớn nhất mà chủ đầu tư và các đơn vị thi công phải vượt qua vẫn là khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Bằng cách tăng cường phối hợp với các địa phương để tuyên truyền, thuyết phục người dân di dời khỏi hành lang an toàn, nhiều điểm ách tắc tưởng chừng còn kéo dài cuối cùng đã được thông suốt, để đường dây vươn mình vượt qua núi đồi, sông suối về đích kịp thời.

Đánh giá cao nỗ lực của 2.000 người thợ xây dựng đường dây này, nhưng một chuyên gia ngành năng lượng vẫn khẳng định "cuộc chiến chung chống thiếu điện cần có sự đóng góp của toàn dân". Khoảng 200 MW mua từ Trung Quốc, dù là rất quan trọng, nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ trong lượng công suất dự kiến thiếu hụt trong giờ cao điểm của hệ thống điện Việt Nam (từ 700 - 1000 MW).

Chính vì vậy, biện pháp quan trọng nhất để giảm thiểu thiếu điện, theo chuyên gia này, vẫn phải là tăng cường thực hiện ý thức tiết kiệm điện ở mọi gia đình, mọi cơ sở hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp sản xuất.