10:27 19/09/2007

Bức xúc của lao động trong doanh nghiệp FDI

Dũng Hiếu

Chỉ có 16,6% số lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI có tâm trạng thoải mái khi làm việc

Với sự bất cập trong mối quan hệ lao động cho nên trong doanh nghiệp FDI liên tục xảy ra các vụ việc tranh chấp lao động và đình công xảy ra với tỷ lệ cao nhất.
Với sự bất cập trong mối quan hệ lao động cho nên trong doanh nghiệp FDI liên tục xảy ra các vụ việc tranh chấp lao động và đình công xảy ra với tỷ lệ cao nhất.
Chỉ có khoảng 74% lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có việc làm ổn định, 22% không có việc làm ổn định và 4% thiếu việc làm.

Chỉ có 16,6% số lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI có tâm trạng thoải mái khi làm việc. 26,3% số lao động cho biết có quan hệ tốt với người sử dụng lao động.

44,4% số lao động cho rằng doanh nghiệp trả lương thấp, không đủ sống. 15,4% số lao động bức xúc vì phải làm tăng ca, tăng giờ thường xuyên.

Đây là kết quả khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại một số địa phương có nhiều doanh nghiệp FDI như Tp.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hải Dương, nhằm tìm hiểu thực trạng việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp FDI.

Cường độ làm việc cao, lương vẫn thấp

Khảo sát cũng cho thấy người lao động làm việc ở khu vực FDI phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài, song thu nhập bình quân của người lao động không cao hơn so với mặt bằng thu nhập của lao động trong các loại hình doanh nghiệp khác. Phần lớn lao động có mức thu nhập thấp từ 800.000-1.000.000 đ/tháng.

Trong đó, nhóm lao động phổ thông có thu nhập thấp nhất và nhóm lao động kỹ thuật và nhân viên quản lý doanh nghiệp có thu nhập cao nhất. Mức thu nhập của lao động có thể chênh lệch đến 5-10 lần. Sự chênh lệnh này ở các doanh nghiệp FDI phía Nam lớn hơn so với các doanh nghiệp khu vực phía Bắc.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Viện Công nhân và Công đoàn, Nghị định 03/NĐ-CP về mức lương tối thiểu (710.000 đông và 790.000 đồng) chỉ có ý nghĩa là “lưới chắn” để doanh nghiệp không được trả thấp hơn và là căn cứ để tính mức lương trong hệ thống thang bảng lương, phụ cấp... chứ không phải là mức thu nhập thực của người lao động.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều lấy mức đó làm mức để trả lương cơ bản (không có hệ số). Chính vì thế chỉ có 1/3 số lao động được hỏi có mức thu nhập tạm đủ sống. Để có thêm thu nhập, 42,5% số lao động phải làm thêm giờ ngoài thời gian làm khá vất vả trong doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành dệt may, số lao động làm thêm lên tới 54,7%.

Hiện còn khoảng 6,5% lao động trong doanh nghiệp FDI phải làm việc bình quân trên 10 tiếng/ngày, 18% làm từ 8-10 tiếng, trong khi đó chỉ có 52% lao động làm việc 8 tiếng/ngày. Nhưng lại có khoảng 65% lao động làm việc 6 ngày/tuần, 25% làm 7 ngày/tuần.

Riêng tại Hà Nội, điển hình như vụ đình công mới đây của hơn 300 công nhân Công ty Yangmin Enterprise, một công ty chuyên sản xuất phụ tùng xe máy của Đài Loan - Trung Quốc có trụ sở tại Đông Anh. Theo phản ánh của người lao động, họ bắt buộc phải làm thêm 2 giờ /ngày, làm cả thứ 7, chủ nhật.

Bỏ quên thoả ước tập thể

Theo quy định, sau 3 năm, doanh nghiệp phải tăng lương cho người lao động, tuy nhiên theo kết quả điều tra 3 năm qua thì trên 20% số lao động không được doanh nghiệp tăng lương hoặc mức tăng mỗi lần rất thấp, nhất là những doanh nghiệp trả lương theo hình thức khoán sản phẩm.

Bên cạnh đó, vi phạm hình thức hợp đồng lao động cũng là tình trạng khá phổ biến trong các doanh nghiệp FDI. 3,2% số lao động làm việc từ 11-15 năm vẫn chỉ được ký hợp đồng miệng, 1,6% ký hợp đồng lao động thời hạn dưới 1 năm. Những lao động làm việc tại doanh nghiệp từ 6-10 năm chỉ có 71,5% được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều ở những lao động làm việc trong doanh nghiệp từ 1-3 năm.

Qua những khảo sát trên, có thể thấy, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp FDI chưa thực sự hài hòa về quyền lẫn lợi ích. Trong khi đó, tiếng nói của công đoàn trong các doanh nghiệp FDI lại chưa đủ mạnh.

Qua điều tra tỷ lệ lao động gia nhập công đoàn trong các doanh nghiệp FDI đã thành lập công đoàn cơ sở chỉ đạt 59,3%, một tỷ lệ thấp so với tỷ lệ chung của các loại hình doanh nghiệp khác.

Đặc biệt khi được hỏi về việc có muốn tham gia tổ chức công đoàn hay không, chỉ có 28,3% lao động trong doanh nghiệp FDI khẳng định “có”, 5,9% nói “không” và 53% lao động không trả lời. Có lẽ chính vì vậy mà ở nhiều doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể lại dường như đang bị “bỏ quên”.

Chỉ có 50% số doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể. Và đặc biệt, dù có thỏa ước lao động tập thể nhưng theo đánh giá của đoàn khảo sát thì đây chỉ là hình thức chống chế, nội dung thỏa ước chỉ là sự sao chép cứng nhắc các quy định của luật, rất ít điều khoản cao hơn về quyền lợi cho Cngười lao động.

Thậm chí, có tới 10,3% người lao động không biết doanh nghiệp mình đang làm việc có thỏa ước hay chưa.

Liên tục xảy ra đình công

Với sự bất cập trong mối quan hệ lao động cho nên trong doanh nghiệp FDI liên tục xảy ra các vụ việc tranh chấp lao động và đình công xảy ra với tỷ lệ cao nhất. Điển hình nhất vụ mới đây (ngày 29/8), hơn 1.000 công nhân Công ty Beautec Vina (100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất hàng may mặc tại Khu công nghiệp Sóng Thần II, Dĩ An, Bình Dương) đã đình công đòi tăng lương.

Cùng ngày, hơn 200 công nhân chuyên về may xuất khẩu thuộc Công ty TNHH Samitex (100% vốn nước ngoài tại Cần Giuộc, Long An) đã đình công yêu cầu công ty giải quyết vấn đề làm thêm giờ, bố trí người quản lý sản xuất, chế độ ăn uống...

Còn theo thống kê của UBND tỉnh Đồng Nai, chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2007, Đồng Nai đã xảy ra 66 vụ đình công. Phần lớn các cuộc đình công yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện đúng Luật Lao động và giải quyết lợi ích cao hơn. Nhiều cuộc đình công đã kéo dài 3-5 ngày.

Thống kê của Viện Công nhân và công đoàn, từ năm 1995 đến năm 2006 thì doanh nghiệp FDI đã xảy ra 878/1333 cuộc đình công, chiếm khoảng 66%, năm 2006 70,7%.

Như vậy, việc cải thiện chế độ tiền lương, tiền công và giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động ở khu vực FDI cũng cần có các giải pháp.

Theo Viện Công nhân và công đoàn, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, không thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không đảm bảo điều kiện làm việc, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng xây dựng và ký kết thỏa ước lao động trong các doanh nghiệp.

Muốn vậy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng những bộ thỏa ước lao động tập thể cấp ngành, khu vực hoặc trong một khu công nghiệp, tạo khung pháp lý cho doanh nghiệp.

Viện Công nhân và công đoàn cũng đưa ra kiến nghị tiếp tục sửa đổi bổ sung về pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động và đình công. Nhiều công đoàn cơ sở cho rằng thủ tục đình công còn rất rườm rà, để đảm bảo một cuộc đình công hợp pháp là khó xảy ra; hoặc phân biệt thế nào là ngừng việc tạm thời, vì định nghĩa đình công cũng chính là ngừng việc tạm thời.

Tất cả các chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động đều phải đưa vào luật hoặc văn bản dưới luật, công đoàn muốn thương lượng hiệu quả cần phải có văn bản của Nhà nước.