10:43 24/10/2007

Bức xúc đời sống công nhân

Dũng Hiếu

Đời sống vật chất và tinh thần của công nhân tại Hà Nội đang có rất nhiều khó khăn chưa được giải quyết

Một khu nhà trọ của công nhân.
Một khu nhà trọ của công nhân.
Điều kiện làm việc, điều kiện sống của công nhân chưa bảo đảm, những hạn chế về an toàn lao động, an toàn giao thông, an toàn - vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội... đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến cuộc sống của người lao động. Việc làm thêm giờ đối với lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn diễn ra khá phổ biến.

Đời sống vật chất và tinh thần của công nhân còn nhiều khó khăn. Thu nhập của công nhân lao động các doanh nghiệp dệt may, da giày không tương xứng với cường độ lao động thực tế, không đủ để tái sản xuất sức lao động. Đây là kết quả điều tra xã hội học về cuộc sống của những người lao động tại Hà Nội do Liên đoàn Lao động Hà Nội thực hiện tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại các khu công nghiệp và khu chế xuất của Hà Nội, công nhân phải thuê nhà trọ do nhân dân xây dựng không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như: diện tích chật hẹp, thiếu ánh sáng, nước sạch (phòng từ 12–15m2 cho 3–6 người, bao gồm cả nơi tắm rửa, vệ sinh, nấu nướng, ăn ở). Đời sống văn hoá, tinh thần cho công nhân không được chăm lo, dịch vụ y tế không có...

Bên cạnh đời sống của công nhân gặp rất nhiều khó khăn thì nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động còn vi phạm Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn. Công nhân lao động ở các doanh nghiệp tư nhân không được trả lương theo qui định của Nhà nước vì hầu hết các doanh nghiệp tư nhân không xây dựng thang, bảng lương, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, không xây dựng thoả ước lao động tập thể, vi phạm trong việc ký kết hợp đồng lao động.

Cuối năm 2006, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 24 đơn vị về thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động. Qua kiểm tra cho thấy 14/24 doanh nghiệp không đăng ký thoả ước lao động tập thể với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương; 12/24 đơn vị chưa xây dựng thang, bảng lương (cá biệt có Lâm trường Sóc Sơn vẫn áp dụng mức lương tối thiểu 180 nghìn đồng/tháng); 18/24 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội từ 6 - 18 tháng với tổng số tiền trên 6,8 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều sai phạm trong giao kết hợp đồng lao động như: giao kết không đúng loại hợp đồng theo qui định, sai phạm về nội dung hợp đồng, thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động...

Thực tế, ở một số địa phương trong nước, cũng đã có các doanh nghiệp hiểu được lợi ích khi chăm lo tới đời sống của công nhân, một số khu ký túc xá dành cho công nhân cũng đã được xây dựng. Tuy nhiên số lượng này còn quá ít ỏi. Thực tế tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Hà Nội chưa có một chủ doanh nghiệp nào xây dựng nhà ở cho công nhân của mình.

Về vấn đề này, theo đại diện của Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội cho biết, Nhà nước bỏ tiền đầu tư thì không có. Kêu gọi các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đứng ra xây dựng thì cần phải có cơ chế ưu đãi. Các nhà đầu tư thì họ cũng không mặn mà vì khó thu lợi nhuận. Cho tới nay, mặc dù Hà Nội đã rất nỗ lực cho Dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, tuy nhiên chưa một doanh nghiệp nào trong khu công nghiệp Thăng Long tham gia dự án này.

Trước tình trạng hàng vạn công nhân đang phải tự lo nhà trong điều kiện sinh hoạt khó khăn, thành phố Hà Nội đã ban hành Quy định tạm thời về quản lý sử dụng nhà ở tập thể cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thuê trên địa bàn thành phố. Quy định này không áp dụng đối với nhà ở được đầu tư xây dựng theo quy định của Luật nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân thuê để ở (Quyết định số 96/2007/QĐ-UBND).

Theo quy định, điều kiện để được thuê nhà phải là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, hiện đang ở độc thân có nhu cầu thuê căn hộ ở tập thể, có khả năng về tài chính để trả tiền thuê nhà và có trong danh sách do thủ trưởng cơ quan, đơn vị đề nghị. Diện tích sàn phòng ở bình quân cho mỗi công nhân thuê trong căn hộ ở tập thể không nhỏ hơn diện tích nhà ở tối thiểu đã được quy định theo pháp luật hiện hành.

Đơn giá căn hộ tập thể cho công nhân thuê (không bao gồm tiền điện, nước, các chi phí dịch vụ khác...) không vượt quá giá thuê tối đa quy định trong khung giá cho thuê nhà ở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định 90/2006 /NĐ-CP ngày 6/9/2006 của Chính phủ. Tiền thuê căn hộ được thu hằng tháng do các tổ chức có công nhân được thuê nhà ở thu của công nhân thuộc đơn vị mình và nộp cho các tổ chức được giao quản lý, vận hành nhà ở tập thể cho công nhân thuê.

Được biết, “Đề án xây dựng thí điểm nhà ở xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2006 - 2008”, sẽ xây dựng 1.200 căn hộ tại hai quận: Long Biên, Cầu Giấy và huyện Đông Anh, với tổng mức kinh phí dự kiến khoảng 257 tỷ đồng. Trong đó, tổng thể dự án xây dựng nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) được duyệt gồm 25 tòa nhà 5-6 tầng, có đủ hạ tầng xã hội như khu nhà trẻ, trạm y tế, sân chơi thể thao, căng tin.

Trước mắt sẽ giải quyết chỗ ở cho khoảng 1.000 công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Đây sẽ là tín hiệu đáng mừng để Hà Nội giải quyết ổn định chỗ ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.