06:00 21/11/2012

Buộc công ty chứng khoán phải lập hệ thống quản trị rủi ro

Hoàng Xuân

Công ty chứng khoán phải thiết lập một hệ thống thông tin quản trị rủi ro phục vụ thực hiện quy trình quản trị rủi ro

Một đánh giá gần đây của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, nhiều 
công ty chứng khoán đã tập trung chú ý vào công tác quản trị công ty, 
cũng như tăng cường công tác quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ - Ảnh minh họa.
Một đánh giá gần đây của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, nhiều công ty chứng khoán đã tập trung chú ý vào công tác quản trị công ty, cũng như tăng cường công tác quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ - Ảnh minh họa.
Với Dự thảo Quy chế hướng dẫn việc thiết lập hệ thống và thực hiện quản trị rủi ro trong công ty chứng khoán vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi đi lấy ý kiến các thành viên thị trường, lần đầu tiên các công ty chứng khoán buộc phải thiết lập hệ thống quản trị rủi ro theo quy định, thay vì xây dựng một cách tự nguyện như hiện nay.

Về nguyên tắc, quy trình quản trị rủi ro của một công ty chứng khoán bao gồm: các nội dung xác định rủi ro, đo lường rủi ro, giám sát rủi ro, báo cáo rủi ro và xử lý rủi ro. Công ty chứng khoán phải thiết lập một hệ thống thông tin quản trị rủi ro phục vụ thực hiện quy trình quản trị rủi ro.

Ngoài 4 loại rủi ro trọng yếu: rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động, công ty chứng khoán còn phải đối mặt với các rủi ro liên quan khác như: rủi ro chiến lược kinh doanh, rủi ro danh tiếng...

Theo quy định tại dự thảo, các công ty chứng khoán phải hình thành Hệ thống quản trị rủi ro theo 4 cấp: hội đồng quản trị, ban kiểm soát và hệ thống kiểm soát nội bộ, tiểu ban quản trị rủi ro và bộ phận quản trị rủi ro. Trong đó, hội đồng quản trị chịu trách nhiệm cao nhất đối với việc quản trị rủi ro. Ban kiểm soát và hệ thống kiểm soát nội bộ phải đánh giá độc lập về tính tuân thủ, hiệu quả và đầy đủ của hệ thống quản trị rủi ro.

Công ty chứng khoán phải đảm bảo các bộ phân tác nghiệp và bộ phân quản trị rủi ro được tổ chức tách biệt và độc lập với nhau; một cá nhân không đồng thời phụ trách bộ phận tác nghiệp và phụ trách bộ phận quản trị rủi ro.

Tiểu ban quản trị rủi ro sẽ có trách nhiệm hỗ trợ hội đồng quản trị trong việc xem xét và phê duyệt chính sách, chiến lược quản trị rủi ro. Tiểu ban này cũng sẽ đệ trình và đánh giá sự phù hợp của chính sách quản trị rủi ro. Trưởng tiểu ban quản trị rủi ro phải là thành viên hội đồng quản trị.

Bộ phận quản trị rủi ro hoạt động độc lập với các bộ phận chuyên môn khác. Bộ phận này sẽ đề xuất hạn mức rủi ro cho từng phòng ban; giám sát việc thực hiện thực tế các chính sách quản trị rủi ro; lập báo cáo định kỳ hàng tháng về quản trị rủi ro để trình Tổng giám đốc và tiểu ban quản trị rủi ro.

Ngoài ra, công ty chứng khoán phải xây dựng chính sách quản trị rủi ro, quy trình quản lý hạn mức rủi ro. Hàng năm, các công ty chứng khoán phải báo cáo Ủy ban chứng khoán Nhà nước trước 31/1 và 30/7 hàng năm về tình hình hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro; trước ngày 31/1 hàng năm công ty chứng khoán cũng phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính sách quản trị rủi ro đã được hội đồng quản trị hay hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu phê duyệt.

Đồng thời, đối với báo cáo việc cung ứng sản phẩm mới của công ty chứng khoán phải có các nội dung như: các rủi ro trọng yếu liên quan đến các sản phẩm mới, tác động của việc cung ứng sản phẩm mới đối với mức độ chịu đựng rủi ro của công ty chứng khoán, quy trình quản trị rủi ro và chính sách quản lý đối với sản phẩm mới, kết quả thử nghiệm.

Đại diện của các công ty chứng khoán đều nhất trí với dự thảo quy chế quản trị rủi ro và cho rằng dự thảo là hết sức cần thiết.

Theo ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thực tế, quản lý rủi ro tại công ty chứng khoán được quy định ở nhiều cấp độ khác nhau. Ví dụ như rủi ro hoạt động. Điều này không liên quan đến quy trình nào cả mà liên quan đến chiến lược kinh doanh của công ty dựa trên cái gì mà có mang lại rủi ro cho công ty hay không. Chẳng hạn, với BVSC trước đây duy trì tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu cao thì sẽ có nhiều rủi ro. Còn hiện tại, để giảm bớt rủi ro thì sẽ phải giảm đầu tư xuống. Điều đó có nghĩa quản lý rủi ro phải dựa theo nhiều cấp khác nhau từ cấp chiến lược đến từng nghiệp vụ trong việc vận hành.

Một đánh giá gần đây của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, nhiều công ty chứng khoán đã tập trung chú ý vào công tác quản trị công ty, cũng như tăng cường công tác quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ. Đặc biệt, các công ty chứng khoán lớn đều tự xây dựng cho mình một hệ thống quản lý rủi ro tốt.

Trong bối cảnh khó khăn của thị trường như hiện nay, các công ty chứng khoán đã và đang bền bỉ bám trụ thị trường để cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư; đồng thời các công ty chứng khoán cũng tái cơ cấu lại, giảm thiểu chi phí, củng cố lại nhân sự, bộ máy trong đó có cả những nhân sự cấp cao.

“Tuy nhiên, tại một số công ty chứng khoán có sai phạm như vừa qua thì quản trị công ty là rất kém. Quản trị kém nên dẫn tới tình trạng người điều hành thao túng hoạt động công ty. Tại các công ty này, sau khi kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nướcNN thấy rằng đều có  quy trình  kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro nhưng việc thực thi thì kém”, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đánh giá.

Thông tư 165/2012/TT-BTC sửa đổi và bổ sung một số điều của Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán được ban hành nhằm hướng dẫn các tổ chức kinh doanh chứng khoán xác định các giá trị rủi ro trong toàn bộ hoạt động để từ đó họ thấy nguy cơ rủi ro và có biện pháp nhằm chủ động xử lý các rủi ro trước khi chúng trở thành những thiệt hại thực tế, đảm bảo mức vốn khả dụng theo quy định.

Để tăng cường minh bạch và nâng cao chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính như công ty chứng khoán, các quy định về quản trị rủi ro tại công ty chứng khoán dự kiến sẽ được ban hành sớm trong năm nay. Trên cơ sở hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quản lý rủi ro tại công ty chứng khoán, các công ty chứng khoán sẽ tự xây dựng cho mình một quy trình quản lý rủi ro thích hợp và cam kết tuân thủ thực hiện từ lãnh đạo cấp cao đến nhân viên. Quy mô công ty thế nào thì xây dựng quy trình quản lý rủi ro phù hợp.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)