15:17 09/09/2011

Cà phê cuối tuần: Người 11 năm đầu tư chứng khoán

Đức Hương

“Có lẽ, trên thị trường chỉ còn rất ít người như tôi tham gia liền mạch ngay từ ngày đầu. Cũng là quy luật đào thải thôi”

Đầu tư chứng khoán vẫn luôn hấp dẫn và đã trở thành nghiệp mà nhà đầu tư này theo đuổi suốt 11 năm qua.
Đầu tư chứng khoán vẫn luôn hấp dẫn và đã trở thành nghiệp mà nhà đầu tư này theo đuổi suốt 11 năm qua.
“Có lẽ, trên thị trường chỉ còn rất ít người như tôi tham gia liền mạch ngay từ ngày đầu. Cũng là quy luật đào thải thôi”.

Anh Trần Tiến Dũng mở đầu câu chuyện như vậy. Nói như thế có lẽ không hẳn vì sự tự tin, mà để khẳng định: dù khắc nghiệt, chìm nổi và kiếm lời ngày một khó, nhưng đầu tư chứng khoán vẫn luôn hấp dẫn và đã trở thành nghiệp mà nhà đầu tư này theo đuổi suốt 11 năm qua.

“Cà phê cuối tuần” kỳ này, VnEconomy giới thiệu câu chuyện của anh Dũng, một nhà đầu tư cá nhân luôn tự hào rằng: “Với tôi, đầu tư chứng khoán là một nghề nghiêm túc. Tôi bỏ hết các công việc khác để theo nó, và tự hào. Vì đồng tiền mình kiếm được ở đây là sạch sẽ, tự mình làm ra, không cầu cạnh và không phải lụy ai”.

Nghề được tự làm

Chào anh Dũng, đồng nghiệp giới thiệu là quen anh từ thời còn xếp hàng bốc phiếu lệnh, đến nay thị trường đã trải qua 11 năm rồi, đã có nhiều lớp nhà đầu tư đến và đi, nhưng anh vẫn bám sàn ráo riết bao năm như vậy…

Có lẽ, trên thị trường rất ít người như tôi tham gia liền mạch ngay từ ngày đầu. Cũng là quy luật đào thải thôi. Anh không theo được thì lại có lớp người khác vào.

Thị trường bây giờ càng ngày càng khó, khó không định nghĩa được kiểu gì vì nó chưa hẳn là thị trường đúng nghĩa và cũng không ra sòng bạc.

Còn tôi thì không từ bỏ, kể cả những ngày Hà Nội nước ngập đến cầu thang sàn giao dịch vẫn lội đến để ngồi. Thời đó chưa có trực tuyến, còn phải chen bốc số lệnh.

Tôi học kinh tế ra, nhưng không đi làm cho ai cả. Tôi thích tự làm, tự chủ động các công việc khác. Cái quan trọng nhất là mình không lụy ai. Nếu thực sự theo được thị trường thì thu nhập sẽ rất cao.

Thời kỳ bùng nổ của thị trường năm 2007, tôi cũng từng quen một nhà đầu tư là kỹ sư tin học, phụ trách mảng công nghệ cho một doanh nghiệp lớn. Nhưng rồi anh ấy tham gia đầu tư chứng khoán, bỏ hẳn việc và chuyên môn của mình, sáng dậy đưa con đi học, chiều đón về và làm việc nhà thay vợ. Anh ấy nói vui “tôi là nhà đầu tư nội trợ”. Trong khi đó, theo tôi thấy thì phần lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nay tham gia thị trường như là một công việc bán thời gian. Còn nhớ thời cao điểm đó, có cơ quan nhà nước cấp bộ còn phải có văn bản nhắc nhở cán bộ nhân viên không được “chơi” chứng khoán trong giờ làm việc. Cá nhân tôi thì thấy rằng đây cần được xem là một nghề thực sự nghiêm túc, phải đầu tư công sức một cách xứng đáng, bởi thực tế thị trường đã trở nên rất khắc nghiệt với những kiểu đầu tư hời hợt. Còn với anh thì sao?

Tôi xác định đó là một nghề, một nghề nghiêm túc. Phải cắt bỏ hết tất cả các công việc khác, vì theo nó thì không còn thời gian để làm được cái gì. Theo thị trường đến năm 2006 thì tôi bỏ hẳn cả công ty riêng để chuyên tâm cho nó.

Anh có thể kể về quá trình tiếp cận thị trường chứng khoán của mình như thế nào không?

Trước khi thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời, thông tin ít lắm, chủ yếu qua một số báo đài về thị trường bên ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Tôi tìm hiểu và chú ý những nhà đầu tư thành công ở thị trường này.

Ngày Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mở sàn, thấy tin trên tivi là tôi đến mở tài khoản ngay. Lúc đó chỉ có mỗi 2 triệu đồng, sau xoay các mối để nộp dần thêm. Có lẽ ông Nguyễn Quang Vinh (nguyên Tổng giám đốc BVSC - PV) không bao giờ quên tên số tài khoản Trần Tiến Dũng của tôi (cười…).

Vì sao vậy?

Có lẽ vì cho đến năm 2007, tại sàn BVSC, tôi là một trong 2 - 3 nhà đầu tư cá nhân có tỷ suất lợi nhuận cao nhất.

Thời đó, song hành với bám sàn, tôi có kinh doanh bên ngoài, có công ty riêng về lĩnh vực cây xanh làm ăn cũng được.

Những ngày đầu giao dịch tại BVSC rất vui. Chúng tôi có một nhóm nhà đầu tư chơi với nhau rất thân. Lệnh thì khó, cổ phiếu thì ít. Ai gắp được lệnh vào sớm thì dồn tiền vào chung, mua xong rồi viết phiếu chia, phải xin sàn cho chung kiểu vậy. Chơi với nhau chủ yếu là tin nhau. Lúc đó cả sàn BVSC cũng chỉ có vài chục nhà đầu tư ngoài Bắc.

“Khi có nhiều tiền người ta lại sợ”

Một số người quen biết có kháo rằng giờ anh đã là nhà đầu tư lớn. Vốn của anh hiện có lẽ đã rất lớn rồi, mà quan trọng là phần lãi như thế nào. Anh có thể cho biết không?

Đây cũng là câu hỏi mà Reuters, Bloomberg và KBS từng hỏi tôi. Có lẽ họ phải có những con số cụ thể mới có thể xử lý thông tin khi phỏng vấn thì phải. Nhưng tôi không thể nói cụ thể. Chỉ có thể nói là khi chuyển từ BVSC về Công ty Chứng khoán Habubank thì tôi là một trong số ít nhà đầu tư cá nhân có phòng VIP riêng để ngồi giao dịch hồi đó.

Mà bạn biết đấy, vốn trên thị trường này cũng vô cùng lắm. Giả dụ bạn có 5 tỷ đồng, họ có thể “bơm” thêm cho bạn 5 tỷ đồng nữa, thậm chí sau này cạnh tranh môi giới quyết liệt thì còn có tỷ lệ cao hơn nữa.

Thời gian đầu anh đã đầu tư như thế nào?

Tôi có cái may mắn là ở cái đỉnh 571 điểm của năm 2001 thì lại ra được hết hàng và thắng lớn.

Sau một năm tham gia mà đã có thành quả lớn, lúc đó anh có nghĩ thị trường này dễ và đơn giản không? Hay lúc đó anh có chủ quan không?

Không. Khi có nhiều tiền người ta lại sợ.

Năm 2001, thị trường bùng lên nhanh, đồng tiền rất có giá trị. Bạn tưởng tượng xem cứ qua mỗi ngày có thêm 5% - 7%, cứ bội lên như vậy, tài sản của mình nó bùng lên. Sợ vì nó lên nhanh quá, giữ nó như thế nào, biết hài lòng với nó thế nào quả là khó. Thời đó không có phân tích kỹ thuật, chủ yếu là phân tích cơ bản mà cũng rất lơ mơ do hạn chế thông tin. Thế nên mới sợ.

Tôi sợ chứ không chủ quan, không xem là dễ. Mà ngẫm lại, lúc đó cảm giác của mình nó say mê, thị trường chứng khoán nó quá hấp dẫn và cuốn hút. Nay cũng vậy. Nó hấp dẫn vì nó luôn làm cho người ta thấy mới, không có quy luật cố định nào cả, kích thích người ta tìm tòi, tìm hiểu. Nó luôn tiềm ẩn sự bất ngờ. Như lần này, nó lên, với tôi là khá bất ngờ dù vẫn có thể xem là phản ứng của thị trường sau những thông điệp của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Và đây có thể là khởi đầu của một con sóng ngắn khá mạnh (tại thời điểm trao đổi, ngày 1/9 - PV), nhưng vẫn khá bất ngờ.

Tôi thích đầu tư ở sàn HNX hơn. Tôi vẫn khuyên bạn bè và người thân nếu tham gia thì nên vào sàn HNX, vì chỉ số của nó tốt hơn, thật hơn vì khớp lệnh liên tục, mặc dù độ rủi ro ở sàn này lớn hơn nhiều so với sàn HOSE. HNX-Index không bị làm giá, không hỗn loạn có hệ thống như VN-Index. Việc sử dụng một số mã trọng điểm để điều khiển VN-Index suốt thời gian qua là thô thiển, có lẽ từ kinh nghiệm ở nước ngoài mang về.

Đừng quá nặng nề với thất bại

Đúng thật, như anh nói, thị trường chứng khoán luôn tiềm ẩn những bất ngờ. Từ đó mà nó tạo nên hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư. Qua 11 năm rồi nhưng nó vẫn có những cái mới kích thích sự tìm hiểu, chinh phục và theo đuổi…

Tôi xin nói thêm là nó còn hấp dẫn ở chỗ, khi tham gia kênh này mình được làm việc một cách thật nhất. Nó bắt mình phải nỗ lực rất lớn, làm việc cả ngày, tìm tòi, phân tích để quyết định cho đúng, đến mức không làm được gì nữa. Cho nên đến năm 2006, tôi buộc phải bỏ công ty riêng để tập trung theo đuổi, chuyên tâm cho nó.

Càng về sau này thì càng khó, vì có rất nhiều doanh nghiệp mà khả năng tìm hiểu, nắm chắc hoạt động của các doanh nghiệp của mình là có hạn.

Vậy anh lựa chọn đầu tư như thế nào?

Danh mục không lúc nào quá 10 mã, mỗi lần giao dịch không quá 5 mã. Nhiều quá thì không kiểm soát được. Phải phân tách cơ cấu đầu tư dài hạn, đầu tư theo T+ và dự phòng. Hàng ngày phải kiểm tra. Nếu có sai lầm thì phải dứt khoát cắt. Cắt ở thị trường chứng khoán là rất khó, 10%, 15% hay hơn thì đều phải dứt khoát cắt. Thị trường thì có những giai đoạn khác nhau, chu kỳ khác nhau để tính toán, theo các cổ phiếu tốt thì đã đành, nhưng nếu phát hiện mã nào có đội lái thì theo chân cũng có thể kiếm được (cười…).

Đầu tư chứng khoán đòi hỏi nhiều tố chất, kiến thức đã đành nhưng phải mạnh mẽ và quyết đoán, đam mê, phải thực sự nhanh nhẹn, đừng bao giờ quá nặng nề về thất bại.

Những năm gần đây thị trường rất khắc nghiệt, lấy đi của nhiều người những gì họ đã có từ thị trường, thậm chí là hơn thế. Với anh hẳn là cũng có những thất bại sau 11 năm theo đuổi. Anh đối diện với những thất bại đó như thế nào?

Phải tìm hiểu nguyên nhân của thất bại. Có phải do chủ quan, quá tự tin hay tham lam quá mức. Tham lam ở đây thường xẩy ra ở những người đã từng được, được rất lớn rồi nhưng muốn được hơn nữa. Nhưng khi mất rồi thì vẫn cứ hy vọng nó sẽ phục hồi trở lại và chờ đợi.

Với tôi, đã từng dính bẫy vài lần như thế. Tôi đề ra nguyên tắc lên được bao nhiêu, 20%, 30% hay cao hơn chưa hẳn quan trọng, mà phải tính và tin ở thời điểm của thị trường và hiểu được mã mà mình đầu tư.

Thị trường mình có biên độ như hiện nay là một rào chắn an toàn, nhưng ngược lại cái xấu của nó là cái kiểu thanh toán T+, vẫn phải 5 ngày, tôi nói là 5 ngày vì ngày tôi giao dịch cũng phải tính cho tôi chứ!

Rồi phải xem nguyên nhân thất bại đó có phải do mình tham lam, đầu tư quá nhiều nhưng lại thiếu quyết đoán khi cắt hay không. Và tệ nữa là không hiểu doanh nghiệp mình đầu tư, mà nghe người này người kia nói…

Có vậy thôi!

Còn thất bại trên thị trường chứng khoán thì rất đau đớn. Trước đây, 2007 đổ lại năm 2000, mất lấy lại thì khá dễ; còn từ 2007 đến nay mất lấy lại là rất khó. Phải xác định ở mỗi thời điểm lợi nhuận là số 1 hay bảo toàn là số 1.

Về cơ bản, cơ sở để mình quyết định vẫn là hai yếu tố: thứ nhất là kinh tế vĩ mô, thứ hai là triển vọng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Niềm tin bị mài mòn, không rời bỏ

Lúc nãy anh có nói là thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hẳn là thị trường mà cũng không hẳn là sòng bạc. Anh có thể nói rõ hơn?

Đúng vậy, thị trường chứng khoán là kim chỉ nam, hàn thử biểu của nền kinh tế, nó phản ánh đúng bộ mặt thật của nền kinh tế. Người ta nói, muốn biết tình hình kinh tế của quốc gia này như thế nào thì nên nhìn vào thị trường chứng khoán, tôi cho đây là một định nghĩa đúng.

Nhưng tôi nói ở ta nó chưa hẳn là thị trường một cách trọn vẹn vì trước hết sự quản lý, điều hành chưa thực sự tốt. Là người bước từ bước thứ nhất cho đến bước thứ 11 của thị trường, tôi nhận thấy Ủy ban Chứng khoán chưa đủ độc lập, chưa đủ kinh nghiệm và năng lực để quản lý thị trường.

Nhân đây, tôi rất đồng ý với tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi ông ấy nói nếu muốn sinh lợi thì anh nên đưa tiền và sản xuất kinh doanh, vào các kênh đầu tư chứ không hẳn là gửi ngân hàng để lấy lãi, đại ý như thế. Có lẽ sẽ có người không ưa câu nói đó của ông Bình, nhưng là một nhà đầu tư, tôi có thể khẳng định nói như vậy là chính xác.

Tôi nghĩ, thị trường chứng khoán của chúng ta chưa ra thị trường, không hẳn là sòng bạc, và tôi chưa biết phải dùng cái từ gì để gọi nó cho đúng. Vì các bên tham gia thị trường vẫn còn thiếu nghiêm túc, nó còn bị bỏ bê, đến mức có lúc chúng tôi không rõ nhà quản lý có tồn tại hay không? Nếu nhà đầu tư không làm ầm ĩ lên chuyện các đội lái làm giá, không chỉ đích danh các lãnh đạo doanh nghiệp buôn bán chính cổ phiếu của doanh nghiệp mình, không làm căng chuyện phải tách bạch lưu ký ra… thì Ủy ban Chứng khoán có vào cuộc không?

Mà nữa, không có thị trường chứng khoán nào như vậy, khi công ty chứng khoán vừa đá bóng vừa thổi còi. Thế giới có như vậy không? Rồi chức năng bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường đã và đang thực hiện như thế nào từ vụ Bông Bạch Tuyết (BBT) cho đến Dược Viễn Đông (DVD)?

Theo như những gì anh vừa nói thì niềm tin của anh và có thể ở nhiều nhà đầu tư khác đang bị mài mòn?

Thị trường thời gian qua khó khăn ảm đạm kéo dài. Nó phản ánh đúng niềm tin của nhà đầu tư. Họ không biết bấu víu vào ai.

Thị trường của chúng ta còn non trẻ, có nhiều tiềm năng. Phát triển nó thì trước hết phải lành mạnh. Nó phải là một kênh song hành với hệ thống ngân hàng, nâng đỡ nhau. Về nguồn tiền, doanh nghiệp có hai sự lựa chọn: một là đi vay vốn ngân hàng, hai là huy động qua thị trường chứng khoán với nhiều công cụ khác nhau.

Theo tôi, nguồn vốn đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán nó quan trọng ngang với nguồn đầu tư trực tiếp. Nó làm thay đổi các doanh nghiệp rất nhanh và giúp rút ngắn một khoảng thời gian rất lớn. REE không thể to lớn như hiện nay nếu không có dòng vốn đó, Kinh Đô không thể nhanh chóng trở thành tập đoàn lớn mạnh như bây giờ nếu không có vốn gián tiếp. Nên nhớ, trước đây nhiều doanh nghiệp phát hành với giá 7, 8 “chấm”, thậm chí cao hơn; hay ACB thậm chí phát hành giá tới 230 ngàn. Lớn chưa?

Khi lên sàn, ACB mới chỉ hơn 1.000 tỷ đồng. Kể cả Sacombank hay Eximbank ban đầu cũng nhỏ. Nhưng giờ thì sao, là trên cả chục ngàn tỷ đồng, đó là chưa tính theo thị giá. Không có vốn gián tiếp qua thị trường chứng khoán thì làm sao lớn nhanh và mạnh như vậy!

Thị trường còn nhiều bất cập như vậy, có khi nào anh tính chuyện rời bỏ không?

Không bao giờ tôi rời bỏ! Chỉ có những thời điểm khó khăn thì rút vốn ra và chỉ để lại một phần nhỏ.

Điều sợ nhất đối với một nhà đầu tư mà tôi nhận thấy là mất cảm giác với thị trường. Cái nguy hại nhất ngay với cả nhà đầu tư chuyên nghiệp là không theo kịp thị trường. Nếu như mình rời bỏ nó khoảng 1 - 2 tháng thôi, khi trở lại, để lấy lại cảm nhận về nó thì rất là khó, mất rất nhiều thời gian.

Khó khăn thời gian qua, tôi co lại, chỉ để khoảng vài trăm triệu đầu tư để giữ cảm giác, đầu tư ít thôi, vì thị trường khó sinh lợi thì sao lại đổ nhiều tiền vào mà cần phải tìm đến những kênh khác nữa. Dù thị trường có thế nào đi nữa thì mình vẫn phải sống, con mình vẫn phải đi học, không thể không được. Nhưng đổi lại tôi thu hoạch khá ở thị trường kim loại quý.

Với chứng khoán, thời gian qua tôi để lại rất ít tiền, vì như vậy để kiềm chế mình, vì cứ nhìn vào thấy mình nhiều tiền và giá chứng khoán như vậy thì rất thèm. Phải kiềm chế và tỉnh táo. Có khi biết chắc là giá cổ phiếu ngày mai vẫn giảm, nhưng vẫn mua vào vì không thể cưỡng được. Vì vậy chỉ để lại ít, có mất thì mất ít thôi. Mà cả khi chỉ để vốn ít vẫn “nghiện”, không rời mắt khỏi bảng điện được.

Tôi tự răn mình, phải nắm được thị trường lúc nào thì tăng trưởng, lúc nào thì cần phải bảo toàn. Tăng trưởng thì tốt rồi, nhưng khi khó khăn thì phải bảo toàn bằng được, nếu mất thì cũng chỉ ít thôi.

Qua 11 năm thăng trầm, nghiệm lại anh thấy được và mất gì với thị trường chứng khoán?

Có lẽ tôi thấy chưa mất gì. Được thì rất lớn. Thứ nhất là được về kiến thức, kinh nghiệm và cái nhìn tổng thể về nền kinh tế, hiểu biết về các doanh nghiệp. Thứ hai nữa là tiền. Tôi tự hào về thành quả đó. Tôi tự hào vì đồng tiền tôi kiếm được qua thị trường chứng khoán hoàn toàn sạch sẽ, tự thân và không phải lụy ai cả.

Mất ở đây không phải là kết quả chung, ý tôi là trong quá trình đầu tư vẫn có những quyết định và lựa chọn sai lầm chứ, hay những vấn đề liên quan trong đời sống?

Mất thì có trong những đợt nó đi xuống mà mình không thoái kịp. Nghiệm lại, từ sau năm 2007 trở lại đây, nếu bị mất thì lấy lại rất khó. Từ thời điểm đó tôi thấy có rất nhiều nhà đầu tư mất tới 80% - 90% vốn. Đến nay có lẽ là rất nhiều người đã bỏ cuộc và đã có lớp nhà đầu tư mới.

Cho nên thời gian qua tôi tập trung bảo toàn. Nhưng nếu thị trường tốt thì lập tức dồn tiền vào, vì đây là nghề của mình. Nhưng thị trường lên không hẳn là tốt đâu nhé. Hiện nay thị trường lên là do ức chế của các kênh đầu tư khác mà nó phải thông vào thị trường này. Vĩ mô chưa thể tốt được, kết quả hoạt động kinh doanh của đại bộ phận các doanh nghiệp niêm yết rất ít, thậm chí nhiều trường hợp âm.

Tôi vẫn nói lại rằng, từ 2007 trở về trước, mất thì lấy lại khá dễ, nhưng bây giờ mất lấy lại là rất khó, mà vay và dùng đòn bẩy thì còn dễ chết nữa.

Khi tôi bắt đầu tham gia, mẹ tôi can. Bà có lẽ là kế toán trưởng cả cuộc đời nhưng khi đó lại không tin vào thị trường chứng khoán. Bà có gọi hỏi ý kiến bạn bè bên Bộ Tài chính, họ cũng khuyên là không nên. Nhưng tôi đấu tranh, thuyết phục. Tôi nói đây là cơ hội, là dành cho thế hệ bọn con. Rồi thì các cụ cũng xuôi. Và chứng khoán cũng đã thay đổi đời tôi, cho tôi rất nhiều như vậy...