17:44 23/12/2011

Cà phê cuối tuần: “Tư lệnh” VTC và bến đỗ nhiều ưu tư!

Mạnh Chung

“Rời VTC tôi rất luyến tiếc, rồi không biết sau này các em có còn tâm huyết như thời của mình nữa không?”

Chỉ còn ít ngày nữa, ông Thái Minh Tần sẽ nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước - Ảnh: M.Chung
Chỉ còn ít ngày nữa, ông Thái Minh Tần sẽ nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước - Ảnh: M.Chung
“Rời VTC tôi rất luyến tiếc, rồi không biết sau này các em có còn tâm huyết như thời của mình nữa không?”.

Giữa những câu trả lời ngắn là những quãng ngừng nghỉ và khoảng lặng trầm tư ẩn rõ trên nét mặt của người gây dựng “cơ đồ” VTC, TS. Thái Minh Tần, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC), khi kể về mình, về VTC và về thị trường truyền hình, giữa thời điểm mà chỉ còn ít ngày nữa, ông sẽ nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước.

Trong câu chuyện với VnEconomy sáng 22/12, ông Tần tâm sự:

- Có lẽ, kỷ niệm sâu đậm nhất đến giờ với tôi là quá trình đấu tranh để đi đến số hóa trong lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam.

Ngày đó, gần 20 năm trước, khi công nghệ số hóa trong truyền hình đã có thể triển khai trên thực tế, muốn phát sóng nhưng bị phản đối kịch liệt nên không thể làm được. Sau có người mách lên giải trình với ông Hữu Thọ, khi đó là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Thư ký Tổng bí thư.

Khi gặp, tôi bảo với ông Hữu Thọ là bức xúc lắm, vì đã có công nghệ số hóa nhưng gặp nhiều rào cản, ông bảo không sao cả và ủng hộ. Thế rồi tôi phải đem máy về tận nhà các bác lãnh đạo khi ấy để thực nghiệm, giải thích, rồi lắp đặt, chứng minh cho các bác ấy biết công nghệ số hóa là như thế nào, làm thì được hiệu quả gì.

Tôi đưa ra dẫn chứng là công nghệ analog chỉ xem được một kênh nhưng khi chuyển sang số hóa phát được 8 kênh, vì thế lợi được băng tần. Các bác lãnh đạo khen hay, rồi bảo tôi cứ mạnh dạn làm đi. Nhờ đó, truyền hình số hóa của VTC chính thức được phát triển từ năm 1993.

Chính bác Hữu Thọ đã nhanh nhạy và mở đường cho mình.

Thế còn lúc này đây, cảm giác của ông thế nào, khi từ ngày 1/1/2012, ông sẽ không còn trực tiếp điều hành VTC nữa?

Nói thật, tôi rất luyến tiếc và còn nhiều ưu, trăn trở, vì thực sự còn chưa tin tưởng lắm khi giao cho lớp kế cận điều hành VTC. Các em bây giờ khác chúng tôi nhiều. Ngày ấy, chúng tôi làm bằng sự hăng say, nhiệt huyết.

Tôi nhớ thời kỳ đầu phát triển truyền hình Internet, có nhiều đơn vị phản đối nhưng tôi tranh đấu rất quyết liệt và cuối cùng thì chúng tôi cũng được làm. Bây giờ, liệu khi chuyện khó khăn như vậy xảy ra, không biết các em có làm được không.

Đến ngay cả những năm vừa qua tôi đầu tư đào tạo lớp kế cận mới nhưng thực sự cũng chưa ưng được ai. Tôi rất sợ điều ấy.

Đó có phải là điều ông ưu tư nhất?

Nhiều lúc, có những cái mình muốn làm, nhưng các em bảo “không làm được anh ạ”. Thế thì chịu! Lớp trẻ bây giờ không quyết đoán như xưa. Nhiều lúc nghĩ đến chuyện đấy tôi cũng buồn!

Nhưng biết làm sao, xã hội phân công rồi, đến tuổi nghỉ hưu thì mình phải chấp hành thôi.

Áp lực với người đi đầu

Lĩnh vực truyền hình một hai năm qua có rất nhiều thay đổi, cạnh tranh ngày càng gay gắt trước sự xuất hiện của nhiều kênh truyền hình mới, có tiềm lực kinh tế mạnh. Ông nhìn nhận VTC như thế nào trong dòng chảy đó?

Có thể coi những năm qua là một bước tiến bề dày trong lĩnh vực truyền hình. Vì công nghệ số phát triển nên truyền hình đã khác rất nhiều.

Công nghệ số ra đời, kênh analog trước kia chỉ phát được một băng tần, nhưng nay số hóa nén nên phát được nhiều kênh, băng tần tiết kiệm được dôi ra, phát được nhiều và nhiều kênh truyền hình được ra đời.

Điển hình, mới đây là sự ra mắt của các kênh như AVG, ANTV hay kênh truyền hình của Thông tấn xã Việt Nam…

Chính do công nghệ phát triển nên truyền hình được khởi sắc, người dân có thể xem truyền hình cáp, truyền hình số, truyền hình vệ tinh số... và cũng được lựa chọn rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ.

Trong sự phát triển của ngành truyền hình như vậy, tôi tự tin nói rằng, VTC là đơn vị đi đầu trong số hóa của truyền hình. Không có số hóa thì không thể làm được. Số hóa là cuộc cách mạng.

Nhưng trong hai ba năm vừa qua, cũng có ý kiến nhìn nhận vị trí và thương hiệu của VTC dường như đang lắng xuống…?

Tôi cũng cảm nhận như vậy.

Một hai năm lại đây, chúng tôi có đi xuống tí chút vì thiếu kinh phí. VTC làm nhiều kênh là xã hội hóa theo đơn đặt hàng nhưng rất thiếu kinh phí. Trong khi đó, VTC có tới gần 1.000 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… phải tự làm nuôi nhau.

Chính vì thế, chuyện mua bản quyền truyền hình nhiều khi cũng khó.

Nhưng liệu có thể cho rằng, VTC đi xuống là còn bởi áp lực cạnh tranh từ nhiều nhà đầu tư mới?

Tôi nghĩ những tác động từ áp lực cạnh tranh là tốt, là để cho mình học tập thôi. Mình cũng phải tự soi mình, xem mình yếu cái gì thì phải cố gắng. Tôi không quá lo lắng áp lực cạnh tranh vì nó như tấm gương phản chiếu lại cho VTC.

Còn việc có nhiều nhà đầu tư truyền hình được thành lập thì mức độ cạnh tranh càng quyết liệt hơn, tôi cho đó là ưu điểm.

Nhưng cũng có những mặt trái như việc tranh mua bản quyền đấy chứ?

Đúng thế. Cũng chính vì phát triển mạnh, ông nào cũng muốn làm hơn ông nào, nên bản quyền mới có sự cạnh tranh gay gắt như vậy.

Tôi lấy ví dụ, chẳng hạn như AVG mua bản quyền bóng đá tới 20 năm. Không có ai trên thế giới lại mua bản quyền tới 20 năm cả.

Ngoài ra, ngay như sự cạnh tranh, mời kéo nhân viên, biên tập viên giữa các đài nhiều khi cũng diễn ra gay gắt.

Những kế hoạch còn dang dở

Hơn một năm trước VTC có đặt ra mục tiêu là năm 2010 sẽ trở thành tập đoàn truyền thông đa phương tiện. Sau đó kế hoạch này lại lùi đến quý 3/2011 để chính thức trình đề án thành lập tập đoàn lên Chính phủ. Nhưng trên thực tế, kết quả đã không như mong muốn, vì sao vậy ông?

Chủ trương lên tập đoàn của VTC đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, tôi cũng không biết ý kiến của Bộ như thế nào (Bộ Thông tin và Truyền thông - PV). Để tuần sau tôi sẽ đề đạt lại vấn đề này tới Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

Tôi được biết, việc VTC khó khăn lên tập đoàn là do chưa có sự thống nhất quan điểm khi cho rằng, việc lựa chọn truyền hình là lĩnh vực kinh doanh chính và VTC sẽ là cơ quan chủ quản của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, thay vì Bộ Thông tin và Truyền thông chủ quản. Nhưng việc VTC lấy truyền hình là ngành nghề chủ lực để kinh doanh là chưa đúng với quy định pháp luật hiện hành về quản lý báo chí?

Cái đó cũng chỉ một phần mà lý do chính là thủ tục chậm trễ.

Bộ đã xem xét nhiều lần rồi, bây giờ gửi cho các cơ quan bộ ngành liên quan, sau đó Bộ nhận xét rồi trình lên Chính phủ. Nhưng… giờ vẫn chưa có thông tin gì.

Ông là người đưa ra chủ trương đưa VTC lên tập đoàn, dù rằng, sắp tới ông sẽ không còn điều hành. Nhưng trước đó, ông đặt ra mục tiêu gì với chủ trương đó?

Thì nó cũng na ná như những tập đoàn truyền thông trên thế giới, sẽ là sự hội tụ giữa công nghệ và nội dung.

Mục tiêu của chúng tôi khi lên tập đoàn là hoạt động theo 5 khối gồm, công nghệ và nội dung số, kinh doanh dịch vụ viễn thông, kinh doanh dịch vụ truyền hình số, truyền thông báo chí và khối sự nghiệp và đào tạo. Đồng thời, VTC sẽ thành lập 3 tổng công ty trực thuộc tập đoàn, trong mỗi tổng công ty lại có hàng chục công ty con.

Theo suy đoán chủ quan của ông, khả năng sớm nhất VTC chính thức lên tập đoàn có thể là khi nào?

Theo tôi, nếu VTC được lên tập đoàn thì sớm nhất là quý 1/2012.

Xin hỏi thêm, VTC cũng có kế hoạch đầu tư vào viễn thông di động nhưng đã dang dở, vậy mục tiêu này sẽ được VTC tiếp tục như thế nào?

Rất khó cho VTC khi không có mạng viễn thông, vì làm truyền hình đa phương tiện mà không có mạng độc lập thì làm thế nào được. Cái này cũng là điều mà tôi day dứt.

Lẽ ra, nếu VTC mua được EVN Telecom thì sẽ có vai trò rất lớn để chúng tôi làm truyền hình đa phương tiện và cũng là một nền tảng để VTC lên tập đoàn.

Hiện giờ chúng tôi có giấy phép 4G và sẽ đầu tư phát triển lĩnh vực viễn thông từ 4G thôi.

Từng ấy năm hoạt động trong lĩnh vực truyền hình và chèo lái VTC, đâu là triết lý kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình của ông?

Tôi nghĩ tâm huyết và hăng say với nghề là bài học kinh doanh đối với bất cứ lĩnh vực nào. Và phải có tâm với chính cái nghề của mình nữa.

Riêng trong lĩnh vực truyền hình, muốn phát triển nhanh cần phải tìm tòi và kinh doanh những dịch vụ mà chưa có doanh nghiệp nào làm, đồng thời những dịch vụ đó phải đáp ứng nhu cầu sử dụng của đông đảo người dân, giá thành hợp lý và chất lượng cao.

Có được thành công như ngày hôm nay cũng là nhờ việc VTC đã lựa chọn đúng công nghệ và phát triển kịp thời tại thị trường Việt Nam. Chính bởi thế, điều tôi luôn trăn trở là làm sao phải áp dụng công nghệ mới nhanh chóng, để không thua kém gì các nước có nền công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Theo đánh giá chủ quan của ông, hai ba năm tới, thị trường truyền hình của Việt Nam sẽ phát triển như thế nào?

Như tôi đã nói, do công nghệ phát triển nên đài truyền hình được khởi sắc rất nhiều, có nhiều nhà sản xuất truyền hình cạnh tranh nhau, nên ngày càng có nhiều lựa chọn cho người xem. Đó cũng là lý do mà trong vài năm tới truyền hình khó có thay đổi đột biến, dù chất lượng các chương trình sẽ được nâng lên.

Tôi cho rằng, để chiếm được thị phần người tiêu dùng, các kênh truyền hình cần phải có chương trình hay và phải đầu tư nghiêm chỉnh. Muốn làm được thì người lãnh đạo phải có quyết tâm cao.

Liệu ông còn tham gia trong lĩnh vực truyền hình nữa không, chẳng hạn như ở hiệp hội?

Có lẽ, tôi về nghỉ ngơi thôi... Bao năm tháng lăn lộn, bây giờ sức khỏe không nhiều nên về nghỉ để thảnh thơi.