15:09 02/04/2007

Cà phê: Nâng chất để bán giá cao

Đức Long

Hơn 1 triệu hộ gia đình trên cả nước lại bắt đầu niềm hy vọng tươi sáng về một chu kỳ mới của ngành cà phê

Sản phẩm cà phê nhân Việt Nam đã xuất sang 71 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sản phẩm cà phê nhân Việt Nam đã xuất sang 71 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sau nhiều năm liên tục xuống vì tác động của cuộc khủng hoảng thừa trên phạm vi toàn cầu (từ năm 1999 - 2004), giá cà phê niên vụ 2005/2006 đã được cải thiện đáng kể.

Ngành cà phê Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, với sản lượng xuất khẩu (theo chứng chỉ xuất xứ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cấp) chỉ là 775.457 tấn, nhưng lại đạt kim ngạch tới hơn 826,994 triệu USD.

Tính chung cả năm 2006, Việt Nam xuất khẩu được 808.375 tấn cà phê nhân, tổng giá trị gần 956,903 triệu USD.

Tuy nhiên, số lượng thống kê theo chứng chỉ xuất xứ lại thường thấp hơn so với thống kê của Tổng cục Hải quan (do nhiều lô hàng xuất không lấy chứng chỉ và việc thống kê theo yêu cầu của Tổ chức cà phê quốc tế mất nhiều thời gian). Nếu căn cứ vào cách tính thứ hai, thì năm 2006, cả nước đã xuất khẩu được 912.553 tấn, với kim ngạch hơn 1,121 tỷ USD.

Giữ vững và mở rộng thị trường

Theo thống kê của VCCI, đồng thời với việc giữ được giá bình quân ở mức tương đối cao (1.183,7 USD/tấn trong cả năm 2006), sản phẩm cà phê của Việt Nam ngày càng được mở rộng hơn về thị trường.

Đến nay, sản phẩm cà phê nhân đã xuất sang 71 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, đặc biệt nhất là việc một số nước sản xuất cà phê tương đối lớn ở Mỹ Latinh như Ecuador, Mexico, Pêru, Nicaragua..., cũng đã mua sản phẩm của Việt Nam.

Thống kê cũng cho thấy, trong top 10 nước nhập khẩu lớn nhất, CHLB Đức đứng hàng đầu với 114.483 tấn, tiếp đến là Tây Ban Nha: 88.527 tấn, Hoa Kỳ: 87.932 tấn, Italia, Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Bỉ và Pháp. Thị trường truyền thống Nga và Đông Âu cũng có dấu hiệu hồi phục, trong đó Nga nhập 14.175 tấn, Romania: 7.576 tấn và Bulgaria: 5.343 tấn, Slovenia: 3.417 tấn, Estonia: 3.199 tấn, Czech: 3.064 tấn...

Bạn hàng trong khối ASEAN dần trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, khi Philippines nhập 16.547 tấn, Malaysia nhập 12.367 tấn, Singapore: 5.690 tấn, Indonesia: 806 tấn.

Trong niên vụ 2005/2006, ngoài cà phê nhân sống, Việt Nam cũng đã xuất khẩu được 869,7 tấn cà phê hòa tan, với trị giá hơn 2,77 triệu USD (bình quân đạt 3.190 USD/tấn). Số cà phê này được xuất sang 25 thị trường, trong đó Nhật Bản là 232 tấn, Hoa Kỳ: 192 tấn, Đài Loan: 141,5 tấn, Đức: 104,6 tấn.

Theo xu hướng mới, cà phê chè (Arabica) tuy chưa nhiều nhưng cũng đã góp phần đáng kể vào việc nâng giá trị và chủng loại sản phẩm của ngành hàng cà phê Việt Nam, nhờ giá xuất khẩu chênh đáng kể so với cà phê vối (Robusta).

Báo cáo từ các địa phương cho thấy, niên vụ vừa qua, riêng Công ty Cà phê và Cây ăn quả Sơn La đã xuất khẩu được 307,2 tấn, thu về 692.448 USD (giá bình quân là 2.250 USD/tấn); Công ty Cổ phần Nông sản Tân Lâm xuất được 526 tấn, thu 1.079.161 USD (giá bình quân đạt 2.050 USD/tấn)...

Hàng nghìn héc ta cà phê chè được trồng mới hoặc thay thế cà phê vối ở các tỉnh Tây Nguyên (chủ yếu là Lâm Đồng, Đắc Nông và Đắc Lắc) đã cho thu hoạch, mang lại sức sống mới cho “thủ phủ” cà phê của Việt Nam.

Nhờ giá xuất khẩu tăng, thu nhập ở những vùng chuyên canh cà phê cũng được cải thiện đáng kể, khiến cho nông dân phấn khởi và tiếp tục chăm sóc tốt hơn vườn cà phê của mình. Giá cà phê chè cao gần gấp đôi so với mức giá trung bình khiến cho Chương trình trồng mới 100.000 héc ta cà phê Arabica ít nhất là không bị quên lãng và bắt đầu được xem xét tăng tốc trở lại.

Hơn 1 triệu hộ gia đình trên cả nước lại bắt đầu niềm hy vọng tươi sáng về một chu kỳ mới của ngành cà phê.

Tăng quản lý Nhà nước về chất lượng

Phát biểu tại hội thảo “Thị trường và chất lượng cà phê 2007”, ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho rằng: “Tuy Việt Nam sản xuất chủ yếu là cà phê vối có giá trị thương phẩm thấp hơn cà phê chè, nhưng có thể nói rằng chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất ra cà phê vối chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng nếu có sự quan tâm đến khâu chế biến, và nhất là khâu quản lý chất lượng của Nhà nước nhiều hơn nữa”.

Theo Nghị quyết 420 của Hội đồng Cà phê Quốc tế (ICO), được thông qua vào tháng 5/2004, các thành viên xuất khẩu phải biểu thị trong khung 17 của tất cả các chứng chỉ xuất xứ (C/O) từ ngày 1/6/2004 các thông tin về chất lượng cà phê xuất khẩu với số lỗi và hàm lượng ẩm (nghĩa là phải tự nguyện ghi lên C/O những thông tin chính về chất lượng cà phê xuất khẩu của mình).

Đến nay, đã có 25 nước thực hiện, tuy nhiên, Việt Nam- với tư cách là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và là một trong những thành viên sáng lập ICO lại vẫn chưa tuân thủ được. Nguyên nhân là vì bản tiêu chuẩn Nhà nước TCVN 4193 : 2005 vẫn chưa được cả người bán lẫn người mua áp dụng.

Từ tháng 4/2001, ICO đã kiểm tra liên tục chất lượng cà phê xấu kém bị thải loại (dưới loại 3, 4) ở các cảng châu Âu, cho thấy khối lượng bị thải loại ngày càng giảm theo các tiêu chuẩn mục tiêu của ICO, nhưng sản phẩm của Việt Nam vẫn chiếm đáng kể trong số hàng xấu kém đó.

Ví dụ, tại cảng Antwerp của Bỉ, trong niên vụ 2005/2006, tổng số hàng bị thải loại là 796.583 bao hàng thì có tới 613.667 bao là của Việt Nam. Tính chung, tại 10 cảng của châu Âu, tổng số cà phê bị thải loại là 1.485.750 triệu bao thì Việt Nam chiếm tới 72%.

Lý do là vì Việt Nam bán cà phê ở dạng “xô”, phân loại theo tiêu chuẩn cũ TCVN 4193-93 (không xếp hạng theo số lỗi trong cà phê, mà chỉ đánh giá rất đơn giản với 3 chỉ tiêu: % độ ẩm, % hạt đen vỡ, % tạp chất, và như vậy vô hình chung đã xuất khẩu lẫn cả một lượng cà phê xấu lẽ ra phải được thải loại).

Một chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng: “Là thành viên của ICO, chúng ta phải tuân thủ những quy định như Nghị quyết 420 về chất lượng cà phê. Nếu cà phê còn được bán “xô” thì VCCI là cơ quan cấp C/O không thể điền vào mẫu đăng ký đúng quy định, và lượng cà phê thải loại ở các cảng đến cũng không thể giảm. Trong khi đó, nếu phân loại từ trong nước thì chúng ta còn có thể tận dụng được cà phê xấu để rang xay tiêu dùng trong nước và cà phê xuất khẩu đã được phân loại sẽ không bị thải loại ở thị trường châu Âu”.

Theo chuyên gia này, quy định mặt hàng cà phê phải được ghi vào danh mục bắt buộc kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi thông quan và cà phê xuất khẩu phải có chứng nhận kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4193:2005.

Bên cạnh đó, cần phải kiểm tra chất lượng hoạt động của các xưởng chế biến cà phê mà các công ty đang có; cà phê xuất xưởng phải được phân loại và có giấy kiểm tra chất lượng của xưởng. Tổ chức chuyển giao đến nông dân trồng cà phê những yêu cầu kỹ thuật đối với các khâu chăm sóc vườn cây, thu hái, chế biến; nên tổ chức nông dân cà phê dưới các hình thức nhóm hộ, câu lạc bộ, hợp tác xã dịch vụ để có điều kiện chuyển giao kỹ thuật hiệu quả...