09:39 06/04/2007

Cà phê Việt Nam: Giải pháp nào cho chất lượng?

Trần Lê

"Muốn thỏa mãn người tiêu dùng, cà phê Việt Nam phải triệt để tuân thủ quy trình quản lý chất lượng của ICO"

"Chỉ có đổi mới sản xuất mới có thể giúp tạo ra cà phê chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới."
"Chỉ có đổi mới sản xuất mới có thể giúp tạo ra cà phê chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới."

Sản xuất và xuất khẩu cà phê Việt Nam trong niên vụ 2005/2006 đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, chất lượng cà phê Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn đến.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Đoàn Triệu Nhạn–Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội cà phê và cacao VN

Ông đánh giá như thế nào về vụ cà phê 2005/2006 và triển vọng của vụ cà phê 2006/2007?

Cuộc khủng hoảng thừa cà phê đã kéo giá cà phê thế giới xuống liên tục, đến năm 2005/2006 lại được cải thiện đáng kể.

Nhưng thời kỳ này, Việt Nam bị hạn hán đầu vụ cà phê, nên sản lượng vụ 2005/2006 của ta kém, may gặp giá cao nên thu nhập toàn ngành cũng được cải thiện.

Theo thống kê chứng chỉ xuất xứ của VCCI, vụ cà phê 2005/2006 đã xuất khẩu 775.457 tấn, trị giá gần 827 triệu USD (bình quân 1.066,5 USD/tấn). Nếu tính đến hết năm 2006 thì xuất khẩu là 808.375 tấn, gần 957 triệu USD (bình quân 1.183,7 USD/tấn).

Đây là chưa kể lượng hàng hoá không lấy chứng chỉ xuất xứ, nên theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2006 có 912.553 tấn cà phê xuất khẩu, đạt trên 1,121 tỷ USD.

Ngoài ra, còn xuất khẩu 869,7 tấn cà phê hoà tan, trị giá 2.770.341 USD, sang 25 nước và vùng lãnh thổ.

Trên thế giới, vụ cà phê 2006-2007 dự kiến được mùa, sản lượng có thể vượt 15 triệu bao, xuất khẩu từ 81,3 triệu bao (niên vụ 2005-2006) có thể lên 97 triệu bao, xấp xỉ mức 99 triệu bao là mức cao nhất ở vụ 2002-2003.

Do được mùa, giá cà phê có thể giảm thấp, nhưng không thể ở mức không chấp nhận được.

Chất lượng cà phê gắn bó mật thiết với khả năng cạnh tranh. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Cà phê Robusta của Việt Nam có chất lượng cao trên thế giới, do nó có nguồn gốc từ châu Phi nóng và ẩm, sang Việt Nam được trồng ở cao nguyên khí hậu nhiệt đới, có biên độ nhiệt độ ngày đêm cao, nên chất lượng cao.

Tuy vậy, chúng ta còn yếu kém ở khâu trồng trọt, thu hái, chế biến, bảo quản, vận chuyển, nên cà phê Robusta bị giảm thơm ngon.

Có nhiều biện pháp khắc phục, nhưng theo tôi rất cần làm ngay, làm triệt để về quản lý chất lượng theo quy định của Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO). Mục tiêu đầu tiên của chương trình cải tiến chất lượng cà phê là làm tăng sự bền vững của kinh tế cà phê, thông qua việc tăng lượng tiêu dùng, tăng cà phê có giá trị gia tăng, thoả mãn người tiêu dùng.

Là thành viên của ICO, chúng ta bắt buộc phải thực hiện chương trình chất lượng cà phê theo Nghị quyết 420, ngày 1/6/2004. Theo đó, các nước xuất khẩu cà phê phải ghi vào chứng chỉ xuất xứ (C/O), những thông tin về chất lượng cà phê xuất khẩu của mình.

Trong số 25 nước đã thực hiện yêu cầu đó, không có Việt Nam, vì bản tiêu chuẩn Nhà nước TCVN 4193:2005 (đã được ICO coi là văn bản chuẩn để phân loại cà phê) chưa được áp dụng. Đây hoàn toàn là sự yếu kém trong quản lý chất lượng hàng hoá xuất khẩu.

Chúng ta có nhiều cà phê xấu, kém bị thải loại ở các cảng châu Âu, là do bán cà phê ở dạng “xô” phân loại theo tiêu chuẩn cũ TCVN 4193-93. Bản tiêu chuẩn này chỉ đánh giá cà phê xuất khẩu rất đơn giản theo 3 chỉ tiêu về phần trăm lượng ẩm, hạt đen vỡ và tạp chất, mà không xếp hạng theo số lỗi trong cà phê.

Bởi thế, khách hàng mua cà phê xô với giá thấp, sau đó chọn lọc cà phê tốt (khá nhiều) rồi bán giá cao, thu lợi nhuận cao hơn so với mua cà phê đã phân loại.

Đề nghị bắt buộc kiểm tra chất lượng cà phê xuất khẩu, chỉ xuất khẩu cà phê đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4193:2005, đúng với yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cần giúp nông dân thực hiện đúng kỹ thuật trong các khâu chăm sóc, thu hái, sơ chế cà phê. Cần tăng cường kiểm tra, phân loại bằng văn bản chất lượng cà phê tại các xưởng chế biến. Có như thế, cà phê Việt Nam mới tránh được tình trạng bị thải loại 55-75% ở thị trường châu Âu, mới xây dựng được ngành cà phê Việt Nam có uy tín.

Vậy, chương trình cà phê Việt Nam đang xúc tiến ra sao?

Ta vẫn chưa có chương trình cà phê, kể từ năm 1980 tôi đã được lãnh đạo Chính phủ yêu cầu trình bày chương trình này.
Ngoài các nội dung nêu trên, nếu xây dựng chương trình cà phê hoặc chưa có chương trình, thì vẫn phải làm những việc không thể không làm. Đó là, đào tạo nguồn nhân lực cho cà phê, từ lĩnh vực sản xuất, trồng trọt, chế biến, đến nghiệp vụ kinh doanh, xúc tiến thương mại, xuất khẩu, để cà phê Việt Nam khỏi bị thua thiệt và mất uy tín trên thị trường quốc tế.

Có một vấn đề mà chỉ có Nhà nước mới làm được, là đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, để tập hợp nông dân vào hợp tác xã kiểu mới hoàn toàn tự nguyện.

Chỉ có đổi mới tổ chức sản xuất, nông dân mới có điều kiện tiếp thu đồng đều kỹ thuật mới, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, làm ra sản phẩm có chất lượng cao, giá trị hàng hoá cao.

Một hướng đi quan trọng để mở rộng thị trường cà phê trong nước, lâu nay chưa được quan tâm, là khuyến khích người dân tiêu dùng cà phê. Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, nhưng lượng tiêu dùng cà phê lại vô cùng nhỏ bé.

Trong khi đó, Brazil sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, cũng là nước tiêu dùng cà phê lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), và đứng đầu trong các nước sản xuất cà phê. Các nghiên cứu khoa học nghiêm túc của Brazil cho thấy, uống cà phê rất có lợi cho sức khoẻ.

Việt Nam cần quan tâm đầu tư cho một chương trình xúc tiến tiêu dùng cà phê như Brazil đã làm có hiệu quả.