19:01 09/06/2007

Các biện pháp đảm bảo an ninh kinh tế của Trung Quốc

Minh Hoàng

Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao hệ số an toàn cho nền kinh tế quốc dân của họ

Công nhân tại một công trường xây dựng ở Trung Quốc. Nước này đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng liên tục trong nhiều năm - Ảnh: MSN.
Công nhân tại một công trường xây dựng ở Trung Quốc. Nước này đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng liên tục trong nhiều năm - Ảnh: MSN.
Chính phủ Trung Quốc coi an ninh kinh tế là một trong những nguyên tắc cơ bản của an ninh quốc gia, liên quan trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung trong thế kỷ 21.

Do đó, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao hệ số an toàn cho nền kinh tế quốc dân của họ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế ngày càng mạnh mẽ, an ninh kinh tế của một quốc gia thường bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố. Toàn cầu hóa kinh tế một mặt thúc đẩy quá trình phát huy có hiệu quả và bố trí hợp lý nguồn tài nguyên trên quy mô toàn cầu, mặt khác làm gia tăng mâu thuẫn lợi ích giữa các nước, ảnh hưởng lớn đối với an ninh kinh tế của một nước đang hội nhập và mở cửa mạnh mẽ như Trung Quốc và thể hiện trên các mặt sau.

Những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến an ninh kinh tế Trung Quốc

Một là, nhiều xí nghiệp nước ngoài đã xâm nhập vào thị trường Trung Quốc, ảnh hưởng lớn tới cơ hội phát triển của nền kinh tế nội địa. Những ưu tiên của Trung Quốc đối với xí nghiệp do nước ngoài đầu tư đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các xí nghiệp cùng ngành của Trung Quốc ngay trên sân nhà. Một bộ phận thị trường trong nước bị các công ty siêu quốc gia kiểm soát, là mối đe dọa lớn đối với an ninh kinh tế của các ngành trong nước. Thí dụ, một công ty đầu tư 100% vốn của hãng Motorola ở Thiên Tân đã kiểm soát tới 90% thị trường Trung Quốc về các mặt hàng thiết bị điện thoại di động.

Trong quá trình hợp tác chung vốn đầu tư, trong thời gian dài, xí nghiệp trong nước của Trung Quốc, đặc biệt là một bộ phận xí nghiệp quốc doanh, rất khó cạnh tranh công bằng với các công ty siêu quốc gia của phương Tây. Trong khi đó, cải cách mở cửa vẫn không ngừng mở rộng, vốn đầu tư nước ngoài vẫn ồ ạt đổ vào Trung Quốc. Trong tình hình đó, Trung Quốc đã sớm vận dụng các biện pháp đề phòng, nếu không, nền kinh tế của họ sẽ bị nước ngoài kiểm soát. Lúc đó, an ninh kinh tế sẽ bị xâm hại.

Hai là, trong hội nhập kinh tế quốc tế, rất dễ xẩy ra tình huống không gian và khả năng độc lập lựa chọn chính sách kinh tế quốc gia bị thu hẹp, chủ quyền kinh tế sẽ có sự dịch chuyển sang các chủ thể khác nhau. Sự dịch chuyển đó vừa diễn ra trên phạm vi quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên minh châu Âu (EU)...

Cũng sẽ có sự dịch chuyển trong nước từ Trung ương xuống địa phương, thậm chí xuống đến các công ty và xí nghiệp. Đồng thời, sẽ nẩy sinh xung đột trong tranh giành tài nguyên và chiếm lĩnh thị trường. Thí dụ điển hình nhất trong những năm gần đây là sự tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ và sự dịch chuyển cán cân thương mại Mỹ-Trung về phía Trung Quốc, buộc Mỹ phải đề ra các biện pháp mới nhằm hạn chế cường độ luân chuyển trên “con đường tơ lụa” của Trung Quốc sang Mỹ.

Ba là, “luận thuyết về mối đe dọa từ phía Trung Quốc” của phương Tây đang ảnh hưởng lớn tới an ninh kinh tế của Trung Quốc. Cái gọi là “luận thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc” đã từng được các chuyên gia hoạch định an ninh quốc gia ở Mỹ đưa ra sau khi “chiến tranh lạnh” kết thúc. Giờ đây, khi Mỹ và Nhật Bản cùng ủng hộ “thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, nhiều quốc gia khác sẽ cảm nhận thấy “mối đe dọa” đó là có thật.

Theo các tác giả của luận thuyết này, sau khi Trung Quốc thu hồi Hồng Kông và Ma Cao và trở thành siêu cường kinh tế thế giới, sẽ làm thay đổi so sánh thực lực kinh tế thế giới và cán cân chiến lược quân sự quốc tế. Lúc đó, Trung Quốc sẽ không ngần ngại sử dụng biện pháp quân sự để tranh giành “không gian sinh tồn” trên không, trên biển và trên vũ trụ. Vì thế, theo các tác giả của “thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, biện pháp tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc là kiềm chế Trung Quốc phát triển kinh tế.

Những người theo luận thuyết này còn cho rằng, Trung Quốc “là nhân tố bất ổn định lớn nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương” trong thời kỳ “hậu chiến tranh lạnh”, nên vấn đề an ninh khu vực này thực chất là vấn đề Trung Quốc, nhằm chính trị hóa và quốc tế hóa sự phát triển kinh tế chính đáng của Trung Quốc.

Bốn là, tình hình trong nước Trung Quốc cũng có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến an ninh kinh tế. Đó là, trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc còn có nhiều khiếm khuyết, thể hiện trong cơ chế quản lý kinh tế, chiến lược phát triển, trật tự thị trường, cơ cấu hàng xuất khẩu, phân bố các nước xuất khẩu, cơ cấu đầu tư nước ngoài, nạn tham nhũng... Thí dụ, có tới 90% vốn đầu tư nước ngoài và 74% hàng xuất khẩu liên quan đến các nước thành viên APEC.

Năm là, chính sách an ninh kinh tế của các nước công nghiệp phát triển cao. Mục tiêu chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ hướng tới giành quyền lãnh đạo kinh tế thế giới. Nhật Bản cùng với Mỹ tranh giành quyền chủ đạo kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với Mỹ, Nhật Bản, các nước phát triển ở châu Âu chủ đạo các tổ chức mậu dịch kinh tế quốc tế, các tổ chức hợp tác khu vực, chế định và thực hiện các luật chơi quốc tế sao cho đáp ứng tới mức cao nhất các lợi ích của họ. Mỹ sử dụng các công ty siêu quốc gia làm một công cụ quan trọng để thúc đẩy chính sách an ninh kinh tế, xâm nhập thị trường nước ngoài, kiểm sóat việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của Mỹ trên thị trường thế giới.

Các nước phát triển coi viện trợ cho nước ngoài là biện pháp quan trọng để thực hiện chính sách an ninh kinh tế, là công cụ để bành trướng kinh tế, tranh giành ảnh hưởng và quyền chủ đạo trong nền kinh tế toàn cầu.

Một số biện pháp đảm bảo an ninh kinh tế của Trung Quốc

Quán triệt và nâng cao ý thức an ninh kinh tế ngay từ khâu hoạch định chiến lược và chính sách. Đây là biện pháp có ý nghĩa then chốt không chỉ đối với Trung Quốc mà còn là đối với tất cả các quốc gia khi quyết định bước vào sân chơi toàn cầu. Đồng thời, an ninh kinh tế phải kết hợp hữu cơ đối với chính sách đối nội và đối ngoại, kết hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, chiến lược ngoại thương, chiến lược an ninh quốc gia...

Xây dựng và hoàn thiện công tác dự báo an ninh kinh tế. Để có an ninh kinh tế, phải nỗ lực nghiên cứu các nội dung an ninh kinh tế quốc gia, nắm chắc mọi động thái biến động trên thị trường toàn cầu, đặc biệt chú ý các yếu tố có thể đe dọa đến an ninh kinh tế quốc gia, thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng.

Duy trì nguồn dự trữ chiến lược thích hợp về vàng, ngoại tệ, lương thực, uranium, một số kim loại hiếm, hóa chất... Đồng thời tạo mọi điều kiện cho những ngành và lĩnh vực then chốt có chính sách tự lập riêng mang tính chất đặc thù của các ngành đó. Không dựa vào nước ngoài trong một số ngành và lĩnh vực then chốt, không quá dựa dẫm vào nguồn vốn nước ngoài. Đối với một số ngành cơ bản, vẫn cần thực hiện chính sách “tự cấp tự túc”.

Nâng cao hệ số an ninh kinh tế quốc gia. Cần tạo mọi điều kiện để cho các xí nghiệp, đặc biệt là các xí nghiệp quốc doanh cỡ lớn và vừa tham gia cạnh tranh quốc tế, bằng cách tăng cường đầu tư vào giáo dục và bồi dưỡng nhân tài, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đặc biệt, phải đầu tư phát triển những ngành quan trọng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất công nghiệp, nhanh chóng mở rộng không gian sinh tồn.

Thực hiện ngoại giao phòng ngừa. Trong khi tăng cường các mối quan hệ đa phương, phát huy tác dụng của hoạt động ngoại giao nhằm bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia, giải quyết các mâu thuẫn và xung đột lợi ích thông qua đối thoại và hiệp thương.

Mở rộng quy mô thị trường, xúc tiến thực hiện chiến lược mậu dịch và xuất khẩu. Tích cực khai thác thị trường quốc tế, tăng cường khả năng dự phòng rủi ro kinh tế cho các xí nghiệp của Trung Quốc, giúp các xí nghiệp chủ động khai thác tài nguyên nước ngoài và khai thác thị trường quốc tế. Nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh các xí nghiệp của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới.

Không ngừng cải tiến hoạt động quản lý xí nghiệp, tăng cường kiểm tra và kiểm soát các xí nghiệp, kịp thời chuẩn bị các số liệu kinh tế quan trọng, để đưa ra các quyết sách đầu tư đúng; nâng cao tính công khai minh bạch trong chế độ thanh tra và kiểm toán, ngăn ngừa hiện tượng giá cả lên xuống thất thường.

Đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ cao. Hiện nay, cạnh tranh kinh tế quốc tế đang diễn ra trước hết trong cạnh tranh về trình độ cao hay thấp. Do dó, Trung Quốc đang nỗ lực phát triển khoa học kỹ thuật, sáng tạo công nghệ, nâng cao độ an toàn của kinh tế quốc gia.

Tích cực nghiên cứu vận dụng các hiệp nghị và pháp luật quốc tế. Trên bình diện quốc tế, thông qua hoạt động tham gia vào các tổ chức mậu dịch và tài chính quốc tế, ký kết các hiệp định đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ... để giải quyết tranh chấp, giảm bớt rủi ro trong hoạt động thương mại và tiền tệ quốc tế.

Coi trọng thực lực kinh tế là sự đảm bảo đối với an ninh kinh tế. Mặt khác, phát triển kinh tế là vũ khí mạnh mẽ tăng cường an ninh kinh tế. Việc cấp bách hiện nay của Trung Quốc là nâng cao thực lực kinh tế và sức cạnh tranh quốc tế. Đây là tiền đề cơ bản để bảo đảm an ninh kinh tế và tăng cờng khả năng cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc rất chú ý đến điều này và đã thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách các xí nghiệp quốc doanh cỡ lớn và vừa, nhằm tăng cường toàn diện khả năng cạnh tranh và sáng tạo của các xí nghiệp trong nước.