11:35 25/04/2025

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tích trữ hàng tỷ đô chip Nvidia

Mai Anh

ByteDance, Alibaba và Tencent tìm cách gom 1 triệu chip H20 của Nvidia trước khi Mỹ siết kiểm soát…

Theo Nvidia, lệnh hạn chế mới nhất của Mỹ đối với chip H20 sang Trung Quốc sẽ có lợi cho các đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Nikkei
Theo Nvidia, lệnh hạn chế mới nhất của Mỹ đối với chip H20 sang Trung Quốc sẽ có lợi cho các đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Nikkei

Tờ Nikkei Asia đưa tin cho biết, các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã tích trữ lượng chip trí tuệ nhân tạo H20 của Nvidia với tổng trị giá hàng tỷ USD trong năm nay, trước khi Mỹ chính thức cấm xuất khẩu dòng sản phẩm này trong tháng 4 này.

Chip xử lý đồ họa H20 (GPU) là sản phẩm thiết kế riêng của Nvidia dành cho thị trường Trung Quốc nhằm tuân thủ các hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Dù vậy, ngay từ năm ngoái, ByteDance, Alibaba và Tencent đã hành động, chuẩn bị cho khả năng Washington có thể tiếp tục siết chặt việc xuất khẩu các con chip này, theo các nguồn tin thân cận.

Một nguồn tin cho biết, ba công ty này đã đề nghị Nvidia giao ngay khoảng 1 triệu chip H20 – tương đương lượng hàng đủ dùng cho cả năm – càng sớm càng tốt, lý tưởng là trước cuối tháng 5 năm nay.

Tuy nhiên, con số giao thực tế thấp hơn nhiều sau khi chính quyền Mỹ yêu cầu việc xuất khẩu dòng chip này cũng phải xin giấy phép vào đầu tháng này.

Một nguồn khác tiết lộ với Nikkei rằng, tổng giá trị các đơn hàng đặt gấp này lên tới hơn 12 tỷ USD và có hàng tỷ USD chip đã được giao trước khi lệnh cấm mới có hiệu lực.

ByteDance được cho là công ty hành động quyết liệt nhất trong việc gom chip Nvidia, theo hai nguồn tin thân cận khác.

CHUẨN BỊ CHO TƯƠNG LAI BẤT ĐỊNH

Các doanh nghiệp gia tăng tích trữ chip trong bối cảnh nhu cầu đối với năng lực tính toán cho AI tại Trung Quốc tăng vọt, đặc biệt kể từ khi DeepSeek xuất hiện đầu năm nay. Tháng 2 vừa qua, Tencent bắt đầu tích hợp DeepSeek vào siêu ứng dụng WeChat, càng đẩy nhanh tốc độ tăng nhu cầu tính toán.

“Mọi người trong ngành đều lường trước việc hạn chế H20, chẳng ai bất ngờ cả”, một lãnh đạo cấp cao tại một hãng công nghệ Trung Quốc nhận định. “Các công ty lớn đều tích trữ chip H20 từ trước. Lúc ấy chip chưa bị cấm, lại cho hiệu suất tốt, thì tại sao không gom?”

Ngoài việc đặt hàng số lượng lớn, các công ty Trung Quốc cũng tìm cách mua chip Nvidia ở nước ngoài – nơi chưa bị hạn chế bởi lệnh kiểm soát của Mỹ. Một số công ty thậm chí tính đến phương án thành lập chi nhánh hoặc công ty con ở nước ngoài, hoặc hợp tác với các đối tác ngành viễn thông, theo tiết lộ của nhiều nguồn tin trong ngành với Nikkei Asia.

“Các khách hàng Trung Quốc rất bình tĩnh”, một lãnh đạo của nhà cung cấp cho ByteDance và Alibaba Cloud kể lại sau khi gặp gỡ các đối tác này sau lệnh hạn chế mới. “Họ biết ngày này sẽ đến và đã chuẩn bị kỹ. Họ nói rằng mục tiêu xây thêm nhiều trung tâm dữ liệu trong năm nay vẫn không thay đổi”.

Alibaba hiện đang vận hành trung tâm dữ liệu ở 13 thị trường, không tính Trung Quốc và Hồng Kông, trong đó có hai trung tâm tại Mỹ. Trong khi đó, ByteDance có trung tâm dữ liệu ở nhiều nước Đông Nam Á và châu Âu, bao gồm Ireland và Na Uy.

Không chỉ vậy, các “ông lớn” trung tâm dữ liệu Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình kiểm nghiệm các nền tảng GPU trong nước như Ascend của Huawei, theo nhiều người thạo tin. Đầu tháng 4 này, Huawei đã ra mắt giải pháp điện toán AI mới nhất – CloudMatrix 384 – kết nối 384 chip AI Ascend tự phát triển, với tham vọng cạnh tranh với dòng GB200 NVL72 cao cấp của Nvidia.

H20 là phiên bản chip của Nvidia H100 sau khi giảm sức mạnh hai lần. Để đối phó với hạn chế xuất khẩu của Mỹ năm đó, Nvidia tung ra chip H800 với công suất thấp hơn cho thị trường Trung Quốc. Sau khi Mỹ tiếp tục siết xuất khẩu phần cứng AI sang Trung Quốc, H800 bị giảm tiếp thành H20.

Ra mắt vào nửa đầu năm 2024, H20 chỉ có sức mạnh tính toán bằng 1/10 H100 trong huấn luyện AI và bằng 20% khả năng suy luận – quá trình ứng dụng AI đưa ra dự đoán hoặc phản hồi dựa trên một mô hình đã được huấn luyện. Dù vậy, loại chip này vẫn rất được ưa chuộng ở Trung Quốc.

AI ĐƯỢC HƯỞNG LỢI? 

Theo ông Eugene Lee, một kỹ sư AI tại Hong Kong, tuy H20 thoạt nhìn giống chip huấn luyện, nhưng thực chất cấu hình lại được tối ưu cho suy luận, khác hẳn với các dòng H100 và H800 vốn thiên về huấn luyện hiệu năng cao. Vì vậy, nếu nguồn cung H20 khan hiếm, các doanh nghiệp có thể thay thế phần nào bằng chip nội địa hoặc dịch vụ điện toán đám mây cho các mô hình vừa và nhỏ. Tuy nhiên, việc triển khai và tối ưu hóa các mô hình lớn trong điều kiện này sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Vị này cũng cho biết, phần lớn các mô hình AI quy mô lớn hiện nay vẫn dựa vào nguồn chip H100 và H800 đã mua từ trước để huấn luyện, đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn cũng đang sử dụng chúng cho dịch vụ suy luận.

“Kho chip H100 và H800 cạn kiệt sẽ cản trở nghiêm trọng quá trình huấn luyện các mô hình AI tiên tiến và phát triển thế hệ hệ thống tiếp theo, gây nguy cơ lớn cho khả năng cạnh tranh của Trung Quốc ở lĩnh vực AI cao cấp”, ông Lee cảnh báo.

Về phía Nvidia, công ty thừa nhận việc hạn chế xuất khẩu H20 sẽ giúp các đối thủ hưởng lợi khi khách hàng Trung Quốc tìm đến giải pháp thay thế trong nước hoặc từ các thị trường khác. Ngày 15/4 vừa qua, Nvidia thông báo hãng dự kiến sẽ mất 5,5 tỷ USD doanh thu hàng quý vì các hạn chế mới này.

Ngay sau đó, CEO Jensen Huang của Nvidia đã bất ngờ đến Bắc Kinh và cam kết hãng sẽ “nỗ lực hết mình” để tiếp tục phục vụ thị trường Trung Quốc.

Trong năm tài chính kết thúc ngày 26/1, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 13% tổng doanh thu của Nvidia, giảm so với mức gần 17% của năm trước đó, theo báo cáo của công ty.

Ngược lại, tỷ trọng của Singapore tăng từ 11% lên 18%. Tuy nhiên, Nvidia lưu ý rằng con số này được tính dựa trên địa chỉ hóa đơn khách hàng và nhiều khách hàng dùng Singapore làm nơi tập trung lập hóa đơn, dù sản phẩm thực tế được chuyển đến nơi khác. Tính theo lô hàng thực, Singapore chỉ chiếm chưa đến 2% doanh thu Nvidia trong kỳ.

Nikkei cho biết Nvidia từ chối bình luận. ByteDance, Alibaba và Tencent cũng không phản hồi các đề nghị phỏng vấn.