08:09 26/10/2022

Các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đầu tư lớn vào ngành công nghiệp thần tượng ảo

Đức Mạnh

Ngành công nghiệp thần tượng ảo của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đạt trị giá khoảng 6,7 tỷ USD vào năm 2025…

Ling, một thần tượng ảo được phát triển bởi Công ty Xmov của Trung Quốc
Ling, một thần tượng ảo được phát triển bởi Công ty Xmov của Trung Quốc

Trong năm qua, các tập đoàn công nghệ và đầu tư của Trung Quốc bao gồm Tencent và ByteDance đã bỏ ra hàng trăm triệu USD vào các công ty phát triển “thần tượng ảo” (virtual idol). 

Theo công ty nghiên cứu dữ liệu iiMedia Research có trụ sở tại Quảng Châu, ngành công nghiệp thần tượng ảo của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng gấp 7 lần từ 870 triệu USD vào năm 2021 lên khoảng 6,7 tỷ USD vào năm 2025.

CHẠY ĐUA TÌM NHÀ SẢN XUẤT THẦN TƯỢNG ẢO

ByteDance năm nay đã mua 20% cổ phần của Hangzhou Li Weike Technology, một công ty khởi nghiệp thực tế ảo nổi tiếng ở Hàng Châu (Trung Quốc). 

Trước đó, vào tháng 11/2021, Alibaba dẫn đầu vòng tài trợ Series A trị giá 20 triệu USD của DGene, một nhà phát triển thực tế ảo có văn phòng tại Thượng Hải. 

Chỉ một tháng sau đó, Tencent cũng đầu tư vào Facegood, một nhà phát triển phần mềm tập trung vào hoạt hình 3D dựa trên khuôn mặt có trụ sở tại Thâm Quyến.

Vào tháng 4/2022, Xmov, một startup có trụ sở tại Thượng Hải thông báo đã huy động được tổng cộng 130 triệu USD trong các vòng tài trợ từ các nhà đầu tư lớn bao gồm Sequoia China và SoftBank.

THẦN TƯỢNG ẢO - KIẾM TIỀN THẬT

Những thần tượng ảo đã chứng minh khả năng kiếm tiền bằng cách kết nối với người hâm mộ.

Vox Akuma, một Youtuber ảo thuộc sở hữu của công ty AnyColor (Nhật Bản), ra mắt trên trang phát trực tuyến Bilibili tại Trung Quốc vào tháng 5/2022. Trong 100 phút phát sóng trực tiếp, Vox Akuma đã nhận được 140.000 USD tiền boa đến từ gần 40.000 người hâm mộ.

Một người hâm mộ của A-Soul, nhóm nhạc nữ hoạt hình nổi tiếng nhất Trung Quốc do ByteDance sở hữu, cho biết: “Mặc dù không được giao tiếp với mọi người trong đời thực, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy màn trình diễn sôi động của thần tượng trên màn ảnh. Mỗi lần xem các chương trình phát trực tiếp của họ, tôi không thể không mỉm cười”.

Nhóm nhạc ảo A-Soul
Nhóm nhạc ảo A-Soul

Các thương hiệu thời trang toàn cầu cũng đang đổ xô thuê thần tượng ảo để làm đại sứ tại Trung Quốc.

Nhà sản xuất đồ trang sức Pandora (Đan Mạch) đã chấm dứt hợp tác với nam diễn viên Trung Quốc Zhang Zhehan vào tháng 8 năm ngoái do những bê bối truyền thông tại nước nhà. Ngay sau đó, vào tháng 3/2022,  Pandora đã đăng ảnh chân dung của SAM - một thần tượng ảo thuộc sở hữu của tạp chí phong cách sống Elle để quảng bá cho sản phẩm của thương hiệu này.

Tương tự, nhãn hiệu Bulgari (Ý) đã mời Ling, một thần tượng ảo được phát triển bởi Xmov, giới thiệu một loạt túi xách mới vào tháng 11 năm ngoái.

Thần tượng ảo làm đại sứ cho các thương hiệu thời trang
Thần tượng ảo làm đại sứ cho các thương hiệu thời trang

Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang hy vọng sẽ tận dụng được ngành công nghiệp non trẻ này. Vào tháng 8/2022, Bắc Kinh trở thành thành phố đầu tiên ở Trung Quốc đưa ra kế hoạch phát triển dành riêng cho “ngành công nghiệp con người số”, mục tiêu xây dựng ngành này trở thành một lĩnh vực trị giá 6,8 tỷ USD.

Ông Tom Nonlist, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn Trivium China cho biết: “Thần tượng ảo không già đi, trí tuệ tồn tại mãi mãi, họ không bị ốm hay mệt mỏi”. Ông cũng cho biết thêm, các thần tượng ảo sẽ không gây ra những hành vi thái quá và có thể sản xuất với chi phí không quá tốn kém. 

Tuy nhiên, ngành công nghiệp ảo này cũng không hoàn toàn chống lại được các tai tiếng. Tờ “Nhân dân Nhật báo” bình luận: “So với các biểu tượng truyền thống, thần tượng ảo có những ưu điểm như tính cách ổn định và dễ kiểm soát hơn. Song suy cho cùng, chúng đều là những hình tượng nghệ thuật do con người tạo ra và có nguy cơ bị biến chất”.