17:50 11/10/2011

Các tiệm vàng khó tiếp cận “vàng bình ổn giá”

Kiều Oanh

Giá vàng trong nước lại tuột khỏi mốc 44 triệu đồng/lượng, trong khi giá USD tự do đội thêm hơn 100 đồng so với buổi sáng

Giá vàng trong nước lại tuột khỏi mốc 44 triệu đồng/lượng - Ảnh: Getty.
Giá vàng trong nước lại tuột khỏi mốc 44 triệu đồng/lượng - Ảnh: Getty.
Cuối giờ chiều ngày 11/10, giá vàng trong nước giảm 200.000 đồng/lượng từ mức đỉnh của ngày thiết lập vào buổi sáng. Trong khi đó, giá USD thị trường tự do bất ngờ đảo ngược xu thế giảm của buổi sáng và bật lên gần 21.400 đồng.

Lúc 17h30, nhiều doanh nghiệp kim hoàn lớn tại Hà Nội đã giảm giá vàng niêm yết xuống dưới 44 triệu đồng/lượng, từ mức trên 44 triệu đồng/lượng vào buổi trưa. Công ty Phú Quý niêm yết vàng SJC ở mức giá mua là 43,6 triệu đồng/lượng và bán là 43,95 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường Tp.HCM, trong lần yết giá cuối cùng trong ngày, Công ty SJC hạ giá vàng SJC về 43,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 43,7 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Ở mức giá này, giá vàng SJC đã giảm 200.000 đồng/lượng so với đỉnh giá 43,9 triệu đồng/lượng vào buổi trưa hôm nay.

Các doanh nghiệp kim hoàn lớn cho biết, lực mua vào vẫn chiếm ưu thế trong ngày, dù không mạnh như mấy ngày trước vì giá vàng sáng nay tăng mạnh.

Đại diện của SJC cho hay, doanh nghiệp này đã bán ra 6.000 lượng vàng, chủ yếu là bán lẻ cho người dân, trong khi chỉ mua vào được vài trăm lượng. Tương tự, Sacombank-SBJ bán được 1.600 lượng, mua vào chỉ được khoảng 600 lượng.

Trao đổi với VnEconomy, một doanh nghiệp kim hoàn tại Hà Nội cho biết, việc mua vàng bán sỉ từ các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo bán vàng bình ổn giá là không dễ.

“Có thời điểm chúng tôi có nhu cầu và hỏi mua vàng từ một số ngân hàng bán vàng nhưng không mua được. Do vẫn eo hẹp nguồn cung trong khi lực mua thị trường mạnh nên chúng tôi khó có thể niêm yết mức giá thấp như giá vàng mà các đơn vị tham gia bình ổn thị trường niêm yết”, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết.

Một công ty vàng phía Nam cũng “than” không mua được nhiều vàng bình ổn giá, nên vẫn phải để giá mua chênh giá bán khá cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Tường, Phó giám đốc kinh doanh SJC - đơn vị được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo bán vàng bình ổn giá cùng 5 ngân hàng là Eximbank, Sacombank, Techcombank, ACB và DongABank - cho biết, SJC vẫn bán sỉ vàng bình ổn giá “theo nhu cầu của của thị trường”. Mặc dù vậy, ông Tường cũng thừa nhận, số vàng mà đơn vị này bán được theo chương trình bình ổn cho tới giờ vẫn chủ yếu là bán lẻ.

Sau khi giảm mạnh vào buổi sáng, giá USD tự do lại bật tăng mạnh trong buổi chiều. Lúc gần 17h, ngoại tệ này được giao dịch trên “chợ đen” ở Hà Nội ở mức giá phổ biến là 21.300 đồng (mua vào) và 21.380 đồng (bán ra), tăng tương ứng 100 đồng và 110 đồng mỗi USD so với buổi trưa.

Theo lý giải của một số điểm thu đổi ngoại tệ tự do, giá USD tự do đang tăng nhanh theo giá USD ngân hàng. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước nâng thêm 15 đồng, lên 20.668 VND/USD. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng thêm 15 đồng. Tại Vietcombank, báo giá bán ngoại tệ này ở mức 20.875 VND, giá mua vào cũng áp sát với 20.870 VND.

Giá vàng quốc tế buổi chiều trong phiên giao dịch ở London đảo ngược xu thế tăng của buổi sáng ở châu Á. Lúc 17h10 giờ Việt Nam, vàng giao ngay có giá 1.666,3 USD/oz, hạ 10,6 USD/oz so với giá đóng cửa phiên đêm trước ở New York. Buổi sáng, giá vàng có thời điểm tăng vượt 1.680 USD/oz.

Mức giá này của vàng quốc tế quy đổi theo giá USD ngân hàng tương đương khoảng 42 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng 1,7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nếu quy đổi giá vàng quốc tế theo giá USD tự do, khoảng cách này chỉ là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng quốc tế suy yếu chiều nay cùng với thị trường chứng khoán châu Âu và tỷ giá đồng Euro. Những kỳ vọng hôm qua của thị trường về một kế hoạch giải quyết cụ thể cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone mà Pháp và Đức cam kết đang dần tan đi. Giới đầu tư đang chờ đợi sự cụ thể hóa của những lời hứa này, và không ít người lo ngại, đây có thể vẫn chỉ là những lời “hứa suông”.

Theo một số nhà phân tích, trong ngắn hạn, giá vàng vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của diễn biến tỷ giá Euro/USD. Trong đó, giá kim loại này đi cùng chiều với tỷ giá Euro như một loại hàng hóa cơ bản thông thường. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, vàng sẽ phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn và chống lạm phát.

“Trong ngày, phần lớn thời gian giá vàng sẽ chịu tác động của yếu tố tỷ giá. Đồng Euro sẽ ít nhiều chịu áp lực giảm và kéo giá vàng xuống. Nhưng trong 6-12 tháng tới, giá vàng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của yếu tố rủi ro. Nếu các giải pháp dành cho khủng hoảng nợ châu Âu thiên về bơm thanh khoản, giá vàng sẽ được đẩy cao hơn”, nhà phân tích Walter Wet thuộc ngân hàng Standard Bank nói trên Reuters.

Tỷ giá Euro/USD tại London lúc 17h30 chiều nay giờ Việt Nam là 1,36 USD/Euro. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại Mỹ cùng thời điểm hạ 0,64 USD/thùng so với chốt hôm qua, còn 84,77 USD/thùng.