21:19 18/08/2009

Cách mạng tháng Tám tạo tiền đề phát triển kinh tế

Ngọc Phúc

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cách mạng Việt Nam đánh giá cao những chủ trương kinh tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta

Từ một nước thiếu lương thực VIệt Nam đã vươn lên đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo.
Từ một nước thiếu lương thực VIệt Nam đã vươn lên đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo.
Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 - long trời lở đất, dưới sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành lại giang sơn Tổ quốc.

Cách mạng đã đổi đời cho mọi kiếp người đau khổ bao năm rên xiết dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật cùng với chế độ phong kiến đô hộ kéo dài hàng ngàn năm.

Lần đầu tiên ở Đông Nam châu Á một Nhà nước công nông ra đời. Đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo của Đảng đã tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân lật nhào hệ thống chính trị thực dân phong kiến, thiết lập một nền dân chủ nhân dân, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, vượt qua tình thế vô vàn khó khăn.

Đường lối kinh tế đúng đắn trong cách mạng tháng Tám không chỉ phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ mà còn tạo điều kiện cho kinh tế đất nước phát triển trong kháng chiến chống Mỹ và công cuộc đổi mới đất nước hơn hai mươi năm qua.

Thắng lợi của cách mạng tháng Tám là thắng lợi của chính sách "Đại đoàn kết dân tộc". Dưới ngọn cờ đại nghĩa, mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt già trẻ gái trai, không phân biệt giàu nghèo, đảng phái, bất cứ ai có lòng yêu nước đều có thể đem hết sức mình phụng sự Tổ quốc. Mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng.

Sau khi giành được chính quyền, chúng ta đã có chủ trương đúng đắn là cùng một lúc phải chống ba loại giặc: "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Coi việc chống lại nạn đói cũng là một thứ giặc. Những cuộc vận động toàn dân tham gia "Tuần lễ đồng", "Tuần lễ vàng" và toàn dân "Tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm"... Tất cả đã đưa nước ta, dân ta thoát khỏi nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu và chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống lại sự xâm lăng một lần nữa của thực dân Pháp.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cách mạng Việt Nam đánh giá cao những chủ trương kinh tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Nhà sử học người Úc gốc Mỹ Đavít Mar nhận xét: "Ngay từ khi mới thành lập, Nhà nước với một nền kinh tế bị tàn phá, ngân sách nhỏ xíu nhưng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã giải quyết được một khối lượng công việc rất to lớn, rất tốn kém. Chính sự tự nguyện đóng góp và sự giúp đỡ của nhân dân đã giúp Chính phủ giải quyết được sự mất cân đối đó".

Coi trọng vai trò của giới công thương

Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh coi mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng. Chính vì thế mà từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại số nhà 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô - một trong những gia đình giàu có nhất của Hà Nội lúc bấy giờ. Từ ngôi nhà này, Người đã viết bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Bằng một nhãn quan sáng suốt Chính phủ Lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thấy vai trò của giới công thương trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Ngay trong chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập", ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc bấy giờ đã có một bài phát biểu quan trọng với quốc dân đồng bào. Ông phân tích những nguyên nhân dẫn đến cách mạng tháng Tám thắng lợi và đề ra "Những phương sách cấp bách về nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hoá và cứu tế".

Về nhiệm vụ kinh tế, Bộ trưởng chỉ rõ: "Ngày nay, để phục hưng nền kinh tế, có người tưởng Chính phủ phải quốc hữu hoá tất cả các công cuộc kinh doanh. Nhưng chính phủ sẽ không làm thế. Chính phủ sẽ kiến thiết nền quốc dân kinh tế để cho ai nấy được tự do kinh doanh. Và hơn nữa, Chính phủ còn khuyến khích, nâng đỡ tư nhân trong những công cuộc kinh doanh to tát".

Sau ngày Quốc khánh 2 tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều cuộc gặp với các tầng lớp nhân dân. Ngày 18 tháng 9 năm 1945, ba mươi nhà công thương Hà Nội có một cuộc gặp với người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ. Trong buổi gặp mặt thân tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của giới công thương trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau gần tám mươi năm thực dân Pháp đô hộ. Bác phân tích khúc chiết, thấu tình đạt lý mối quan hệ giữa dân giàu - nước mạnh.

Ngày 13 tháng 10 trong bức thư "Gửi giới công thương Việt Nam", Người viết: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập hoàn toàn của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi tận tâm giúp đỡ công thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới công thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập "Công thương cứu quốc đoàn", cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân".

Tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế

Chính phủ Lâm thời không những khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân trong nước sản xuất, kinh doanh để kiến thiết đất nước sau bao nhiêu năm bị chiến tranh tàn phá. Chính phủ Lâm thời còn quan tâm khuyến khích Pháp kiều cũng như người các nước khác tiếp tục công việc làm ăn sinh sống ở Việt Nam. Điều đặc biệt là từ những ngày đầu giành và xây dựng chính quyền cách mạng Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động, sẵn sàng hội nhập với thế giới trong công cuộc phát triển kinh tế.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Lời kêu gọi Liên hợp quốc" gửi cho đại sứ các nước thành viên Liên hiệp quốc như Anh, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô... đã tuyên bố: "Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

a, Nước Việt Nam giành sự tiếp nhận đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

b, Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay, đường sá giao thông cho buôn bán và quá cảnh quốc tế.

c, Nước Việt Nam chấp nhận tham gia hợp tác quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc...".

Như vậy là cách mạng tháng Tám, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh không những có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo để trong một thời gian ngắn giành được chính quyền mà còn có đường lối phát triển kinh tế nên đã huy động mọi nguồn lực đất nưới vào công cuộc bảo vệ chính quyền non trẻ, chuẩn bị cho kháng chiến mà đặc biệt là làm tiền đề cho sự phát triển đất nước trong công cuộc đổi mới những năm gần đây.

Những gì chúng ta làm hôm nay là kế thừa những tư tưởng kinh tế lớn từ cách mạng tháng 8 năm 1945.

Hơn hai mươi năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam, đã tạo nên một bộ mặt mới toàn diện cho đất nước. Kinh tế không ngừng phát triển, không những thoả mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Từ một nước thiếu lương thực ta vươn lên đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu lương thực.

Thực hiện chính sách mở cửa, nước ta từng bước hội nhập khu vực và thế giới, hàng Việt Nam có mặt trên khắp các thị trường năm châu. Uy tín nước ta ngày càng cao trên trường Quốc tế. Đảng và Nhà nước ta thấy rõ vai trò của doanh nhân -  đội quân xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế đất nước trong thời bình.

Từ chỗ chỉ có những doanh nhân trong các xí nghiệp nhà nước ngày nay, đội ngũ doanh nhân đông đảo thuộc đủ mọi thành phần kinh tế. Đội ngũ doanh nhân với số lượng 500.000 người vào năm 2010 mà chúng ta đang phấn đấu sẽ là động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh". Xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ mới- Chính phủ quyết định lấy ngày 13 tháng 10 hàng năm - Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam làm "Ngày Doanh nhân Việt Nam".

Thành quả cách mạng tháng Tám đem lại cho đất nước ngày càng to lớn. Tất nhiên còn nhiều điều chúng ta chưa bằng lòng do những hạn chế về khách quan và chủ quan trong công tác tổ chức và quản lý làm hạn chế thành quả của cách mạng. Nhưng có điều ai cũng thấy, không thể phủ nhận là từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược và từ Nam chí Bắc ở đâu ta cũng gặp sự đổi thay kỳ diệu so với hai chục năm trước đây. Thành quả cách mạng tháng Tám đem lại những thành tựu to lớn cho cả xã hội và hiện diện trong niềm  hạnh phúc của từng gia đình.

Giáo sư Trần Đình Miên 80 tuổi, nguyên là giảng viên trường Đại học Nông nghiệp II từ năm 1969. Năm 2000 ông và nhóm đề tài công trình khoa học "Nghiên cứu về lợn lai năng suất chất lượng cao ở Việt Nam" được Nhà nước tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" nói những lời tâm huyết: "Không có cách mạng tháng Tám gia đình tôi làm sao hạnh phúc như ngày hôm nay. Tôi sinh ra ở một làng quê miền biển nghèo Quảng Bình đầy nắng gió và cát. Cách mạng tháng tám, tôi tham gia đội quân Nam tiến rồi được đào tạo nhiều năm ở nước ngoài. Làm công tác giảng dạy ở trường Đại học Nông nghiệp II, tôi tham gia làm đề tài khoa học về lợn nạc cao sản. Đề tài được Giải thưởng Hồ Chí Minh là niềm tự hào của không chỉ riêng tôi. Các con tôi giờ đã là kỹ sư, bác sĩ có cuộc sống khá đầy đủ... Không có cách mạng tháng Tám làm sao tôi được học hành để thành tiến sĩ, giáo sư và một gia đình đầm ấm như bây giờ".

Giám đốc Công ty TNHH Phương Lan - doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên ở Hà Nội- ông Vũ Ngọc Bình tâm sự: "Công cuộc đổi mới đất nước làm sống lại những làng nghề thủ công mỹ nghệ trong cả nước trong đó có các làng chạm khảm Phú Xuyên chúng tôi. Nhờ kinh doanh hàng chạm khảm mỹ nghệ tôi xây dựng được cơ nghiệp. Ba con tôi theo nghề của gia đình, cháu lớn làm giám đốc một Xí nghiệp thủ công mỹ nghệ, cháu gái thứ hai học xong đại học Ngoại thương đang điều hành khách sạn Á Châu ở phố Nguyễn Công Trứ và cháu gái thứ ba học ở Nhật sắp về nước cũng sẽ tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình"...