10:45 08/01/2008

Cái gì thực sự quyết định giá dầu?

Kiều Oanh

Trong thời gian tới, giá dầu sẽ diễn biến theo chiều hướng nào? Đâu là những nhân tố thực sự quyết định đường đi của giá dầu?

Những lập luận cho rằng giá dầu còn tăng cao hơn trong thời gian tới cũng đã trở nên quá phổ biến.
Những lập luận cho rằng giá dầu còn tăng cao hơn trong thời gian tới cũng đã trở nên quá phổ biến.
Cuối cùng thì giá dầu thô thế giới cũng vượt mốc 100 USD/thùng mà báo chí tốn giấy mực để nói đến bấy lâu. Tuy nhiên, trong hai phiên giao dịch cuối của tuần trước, giá dầu lại giảm nhẹ và quay về ngưỡng 97,91 USD/thùng.

Vậy trong thời gian tới, giá dầu sẽ diễn biến theo chiều hướng nào? Và đâu là những nhân tố thực sự quyết định đường đi của giá loại nhiên liệu này?

Phạm vi dự báo quá rộng

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá dầu sẽ lên, sau đó lại xuống, rồi lại lên. Nhưng xét cho cùng, trong vòng nhiều năm qua, giá dầu đã diễn biến theo kiểu đó. Mặt khác, những lập luận cho rằng giá dầu còn tăng cao hơn trong thời gian tới cũng đã trở nên quá phổ biến.

Hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đang phát triển bùng nổ và luôn ở trong tình trạng “đói” năng lượng. Trong khi đó, những mỏ dầu ở Mexico, Trung Quốc và nhiều quốc gia sản xuất dầu khác trên thế giới đang dần khô cạn, khiến nguồn cung mỗi ngày thêm thắt chặt.

Tổng thống Venezuela Hugo Charvez thì đang sử dụng nguồn tài nguyên dầu mỏ của nước này như một thứ vũ khí chính trị. Các lực lượng phiến quân ở Nigeria liên tục tổ chức các hoạt động phá hoại tại nhiều khu vực sản xuất dầu lớn nhất nước này.

Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq vẫn chưa thể đi đến hồi kết, trong khi đồng USD thì liên tục suy yếu, khuyến khích các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư nhảy vào mua dầu và các hàng hóa khác như những mặt hàng đầu tư an toàn.

Nhưng thực ra, tất cả những yếu tố này đã hiện diện trên thế giới kể từ mùa hè năm ngoái, khi mà giá dầu tụt xuống khoảng 60 USD/thùng trước khi tăng như vũ bão vào nửa cuối của năm 2007 và những ngày đầu năm 2008.

“Dự đoán giá dầu luôn là một việc khó, vì giá dầu luôn chịu tác động của những gì xảy ra trong nền kinh tế thế giới và tình hình địa chính trị toàn cầu”, Chủ tịch Daniel Yergin của công ty nghiên cứu năng lượng Cambridge Energy Research Associates cho biết. Theo dự báo của chuyên gia này, trong vòng vài năm tới, giá dầu có thể tăng cao tới 150 USD/thùng, và cũng có thể giảm xuống mức… 40 USD/thùng.

Có cùng quan điểm trên, Chủ tịch John Richels của công ty dầu khí Devon cũng cho rằng, dầu có thể đạt mức giá 150 USD/thùng, và cũng có thể lùi về mốc 55 USD/thùng. “Chúng tôi phải ra quyết định đầu tư dựa trên tầm nhìn dài hạn. Điều này thật khó khăn”, ông nói.

Vậy giá dầu cao có tác động như thế nào đối với nhu cầu tiêu thụ dầu và việc phát triển các loại nhiên liệu thay thế?

Nhiều công ty đã và đang đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió và nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, cho tới nay, những nguồn năng lượng này mới chỉ đóng góp một phần nhỏ trong tổng cung năng lượng của thế giới.

Những bước đột phá trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật như phát triển bom nguyên tử hay đưa con người tới mặt trăng xem ra đã đạt được trong khoảng thời gian khá nhanh, nhưng vẫn phải mất nhiều năm con người mới làm được. Bởi thế, việc sử dụng các nguồn năng lượng khác để thay thế cho dầu lửa chắc khó có thể làm được trong thời gian ngắn trước mắt.

Tình hình kinh tế và đầu cơ

Cho tới tận lúc này, phần lớn các nhà kinh tế học đều ngạc nhiên vì việc dầu tăng giá, từ mức trên dưới 11 USD/thùng cách đây một thập kỷ đến mức 100 USD/thùng như hiện nay, vẫn chưa có quá nhiều ảnh hưởng đối với người tiêu dùng Mỹ.

Nhưng trong bối cảnh giá dầu liên tục tăng tốc trong vài tháng trở lại đây kết hợp với sự đóng băng trên thị trường địa ốc Mỹ và cuộc khủng hoảng tín dụng ở nước này, nhiều nhà kinh tế lúc này đang đặt ra câu hỏi liệu đến lúc nào thì giá dầu cao sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới này vào suy thoái.

Dĩ nhiên, trong trường hợp kinh tế Mỹ suy thoái, nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ hạ xuống và theo lý thuyết, giá dầu vì thế cũng sẽ hạ do người tiêu dùng sẽ lái xe ít hơn, các công ty sản xuất và vận chuyển hàng ít hơn, thương mại thế giới chậm lại.

“Nếu kinh tế Mỹ tăng chậm lại, nước Mỹ sẽ không còn nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc và dịch vụ từ Ấn Độ”, Addison Armstrong, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại công ty môi giới năng lượng Tradition Energy cho biết. “Tôi dự báo, trong năm nay, giá dầu thô sẽ ở mức trung bình 75 USD/thùng. Đây là dự báo dựa trên kịch bản kinh tế Mỹ tăng chậm lại”, chuyên gia này cho biết.

Tuy nhiên, ông Armstrong và các chuyên gia khác cũng cảnh báo rằng, tình trạng bạo động ở Nigeria, mùa bão hoành hành và những sự kiện ngoài tầm dự báo khác cũng có thể đưa giá dầu lên mức cao hơn.

Vậy tại sao giá dầu lại tăng như vũ bão hiện nay? Tình hình quân sự ở Iraq đang được cải thiện và xuất khẩu dầu lửa của nước này đã được nối lại. Tình hình tại Iran cũng đã bớt căng thẳng phần nào. Dự báo thời tiết cũng cho thấy, nửa cuối mùa đông năm nay tại Mỹ sẽ không quá khắc nghiệt và điều này sẽ khiến dự trữ nhiên liệu của nước này tăng cao trong mùa xuân và mùa hè, thời điểm mà dân Mỹ lái xe nhiều.

Nhiều chuyên gia cho rằng, câu trả lời nằm ở các quyết định đầu tư của giới đầu cơ và các quỹ phòng hộ. Khi “mây đen” vẫn tiếp tục che phủ thị trường chứng khoán, địa ốc, tín dụng và tiền tệ tại Mỹ, các nhà đầu tư quay sang dốc vốn vào dầu và các loại hàng hóa khác.

Ông Phil Flynn, một nhà phân tích thị trường tại công ty Alaron Trading ở Chicago, cho rằng, những đợt cắt giảm lãi suất mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bị giới đầu tư cho là những dấu hiệu cho thấy mức độ trầm trọng của những rủi ro đối với kinh tế Mỹ, và như thế, càng thúc đẩy họ mua vào các hợp đồng dầu lửa kỳ hạn.

Ông Flynn cho rằng, khả năng giá sẽ dầu giảm là cao hơn khả năng giá dầu sẽ tăng, vì những nhân tố "góp tay" đẩy giá dầu lên tới mức như hiện nay ít có khả năng tái diễn trong năm 2008. Ông cũng cho rằng, giá trị đồng USD so với Euro sẽ không thể giảm sâu hơn trong năm nay và những vấn đề trên thị trường nhà đất đã ảnh hưởng tối đa đến thị trường hàng hóa.

Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, trong trường hợp giá dầu giảm, giá dầu sẽ giảm không quá nhiều trong một thời gian không quá dài.

Chuyên gia Richel cho biết, người tiêu dùng tại châu Âu và Nhật Bản sẽ không phải chịu áp lực như dân Mỹ vì đồng Euro và đồng Yên đã tăng giá mạnh so với Euro và sẽ không giảm giá nhiều trong thời gian tới. Do đó, nhu cầu tiêu thụ dầu tại các thị trường này vẫn sẽ cao. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ dầu tại các quốc gia đang nổi lên cũng vẫn tăng mạnh, trong khi các mỏ dầu mới thì ngày càng khó tìm thấy.

(Theo IHT)