Cải thiện năng suất lao động: Cơ hội và thách thức
Thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững
Tại hội thảo chuyên đề: "Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa" diễn ra sáng 11/1 tại Hà Nội, các đại biểu đã tập trung thảo luận và chỉ ra các cơ hội và thách thức của Việt Nam để cải thiện năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp trong bối cảnh công nghiệp hóa thời đại mới.
Hội thảo chuyên đề: "Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa" là một trong những sự kiện lớn nằm trong Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức cùng với sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty Cổ phần (PVGAS), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Bia Sài Gòn), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Văn phòng đại diện Dragon Capital Management (HK) Ltd. tại Tp.HCM, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty TNHH MTV My Health và Công ty TNHH GE Việt Nam.
Trong hai phiên của hội thảo này, các đại biểu đã chỉ ra tầm quan trọng của việc cải cách năng suất và đề xuất một số giải pháp để tăng năng suất lao động ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Tuy nhiên, có một điều đáng buồn là năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore, 17,6% của Malaysia và đặc biệt chỉ tương đương với 87,4% của Lào. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp thiết thực để tăng năng suất lao động có tác dụng quyết định đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Nhận định về tình hình năng suất lao động Việt Nam, GS.Trần Văn Thọ (Đại học Waseda - Nhật Bản) cho rằng, với một nước còn ở mức trung bình thấp như Việt Nam, công nghiệp là khu vực năng động nhất, năng suất cao nhất, dư địa cách tân công nghiệp lớn nhất.
Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều đặc trưng đáng lo ngại. Lao động dư thừa trong nông nghiệp và khu vực kinh tế cá thể còn rất lớn trong khi lao động trong nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ rất lớn 49,5% năm 2010 và 41,6% năm 2016.
Đặc biệt, GS. Trần Văn Thọ nhấn mạnh: "Công nghiệp hóa không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp. Nếu lao động chỉ dịch chuyển từ khu vực năng suất thấp sang khu vực năng suất cũng thấp thì sự dịch chuyển này không mang lại thay đổi gì".
Thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững. Năng suất lao động của Việt Nam ở mức rất thấp nhưng vẫn có nhiều tiềm năng.
Việc cải thiện năng suất lao động là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo kịp dòng chảy kinh tế thế giới vừa là thách thức lớn đối với thực trạng nền kinh tế của Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, thông qua hội thảo các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp cho việc cải thiện năng suất lao động ở Việt Nam.