10:33 30/09/2009

Cân bằng chính sách

Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam Benedict Bingham trao đổi về chính sách cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát

Ông Benedict Bingham.
Ông Benedict Bingham.
Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Benedict Bingham trao đổi về chính sách cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát.

Vài tháng trước IMF dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 3,5% cho năm nay, nhưng con số này theo Tổng cục Thống kê đã đạt 4,56% trong ba quý đầu năm, và có thể cao hơn 5% đến hết năm. Ông giải thích sự khác biệt?

Đúng như vậy, tại cuộc gặp CG (hội nghị các nhà tư vấn tài trợ) giữa kỳ hồi tháng 6 năm nay, chúng tôi đã dự báo tăng trưởng chỉ vào khoảng 3,5%. Nói một cách thẳng thắn, chúng tôi đã đánh giá hơi thấp sức mạnh nền tảng của nền kinh tế Việt Nam.

Thêm vào đó, gói kích thích kinh tế đã giúp có tấm đệm đối với  tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện tại, chúng tôi ước tính tăng trưởng khoảng 4½ phần trăm cho năm nay, và tăng lên khoảng 5¼ phần trăm cho năm sau.

Điều gì làm kinh tế Việt Nam khôi phục ở tốc độ như vậy trong bối cảnh Chính phủ không chi nhiều như đã cam kết trong chương trình kích cầu, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê cũng như các nhà tài trợ?

Tôi nghĩ có ba yếu tố. Thứ nhất, như đã nêu ở trên gói kích thích kinh tế của Chính phủ đã giúp tránh được sự suy thoái kinh tế.

Thứ hai là khu vực dân cư đã bước vào cuộc khủng hoảng với vị thế tài chính khá mạnh, điều này đã giúp hỗ trợ cho tiêu dùng tư nhân.

Thứ ba, kinh tế thế giới đã bắt đầu hồi phục cũng đang hỗ trợ cho tăng trưởng. Cả ba yếu tố này kết hợp lại đã giúp nền kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh hơn, cho dù mức chi tiêu của Chính phủ không lớn như đã công bố lúc ban đầu.

Đang xuất hiện ngày càng nhiều ý kiến từ giới quản lý rằng cần tăng tốc tăng trưởng kinh tế trong cuối năm. Bình luận của ông?

Vấn đề mà chúng tôi đã và đang nhấn mạnh với Chính phủ là trong khi hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho năm nay, họ cũng cần đảm bảo là nền kinh tế vẫn ổn định. Vì thế, chúng tôi đã khuyến khích Chính phủ không nên quá hăng hái trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhằm tránh tạo ra áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế và gây nguy cơ tái lạm phát.

Sự duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng, vì thời kỳ hỗn loạn có thể tác động đến nhận thức của các nhà đầu tư về môi trường đầu tư của Việt Nam và có một tác động bất lợi vào luồng vốn vào Việt Nam cần thiết để tài trợ cho đầu tư mới.

Tóm lại, chúng tôi tư vấn cho Chính phủ duy trì tăng trưởng kinh tế trên cơ sở bền vững. Nếu Việt Nam đạt được mức tăng trưởng, ví dụ như 4,5% và vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô trong khi tiếp tục theo đuổi các cải cách sẽ tái cấu trúc nền kinh tế và cải thiện được tính cạnh tranh của mình, thì Việt Nam sẽ ở trong một vị trí mà trong vòng một vài năm tới chiếm được các lợi thế của sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Ông có nghĩ rằng, sự giải thích rõ ràng minh bạch từ các cơ quan chính phủ về các chỉ số vĩ mô, ví dụ về tài khoá, có thể có tác động tốt đến niềm tin thị trường?

Đúng vậy. Đã có rất nhiều người quan ngại về quy mô của gói kích thích kinh tế cũng như làm thế nào có thể tài trợ được gói kích thích kinh tế này. Một thách thức ngay trước mắt đối với Chính phủ là để đảm bảo với các thị trường tài chính rằng Chính phủ sẽ tiếp tục sự thận trọng truyền thống trong việc điều hành hành chính sách tài khoá.

Để làm được như vậy, họ cần công bố những ước tính sửa đổi cho ngân sách 2009 mà sẽ bảo đảm với các thị trường tài chính rằng sự thâm hụt là không quá lớn và có thể được tài trợ mà không làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Một điểm mà tôi đã nhấn mạnh trong cuộc hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức gần đây ở Thanh Hoá, đó là khi uỷ ban thảo luận với Chính phủ, thì không nên tập trung một cách bó hẹp vào kế hoạch ngân sách nhà nước vì Chính phủ cũng đang phát hành trái phiếu để tài trợ cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng nằm ngoài ngân sách. Vì thế, Ủy ban ban nên xem xét trên cả hai phương diện kết hợp của chi trong ngân sách và ngoài ngân sách.

Xu hướng chủ đạo tới đây của chính sách tiền tệ là gì? Ngân hàng Nhà nước sẽ thiên về thắt chặt hay nới lỏng, theo ông?

Đây rõ ràng là một vấn đề hóc búa đối với Chính phủ do điều này có quan hệ đến sức mạnh của sự phục hồi kinh tế. Tuy nhiên tất cả các chỉ số cho thấy kinh tế Việt Nam đã xuống đáy vào quý 1 và đã bắt đầu hồi phục trở lại. Thậm chí một số các dự báo bi quan cực nhất cũng kỳ vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,5% trong năm nay.

Khi Chính phủ đánh giá nền kinh tế đã vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu tốt như thế nào, tôi nghĩ chính ta sẽ được biết một chính sách tiền tệ hợp lý hơn.

Với quan điểm của chúng tôi thì cần có sự thắt chặt chính sách tiền tệ một chút để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô. Biện pháp hiệu quả nhất, theo tôi là xoá bỏ dần ngay cơ chế hỗ trợ lãi xuất.

Biện pháp thứ hai cần làm là xử lý trần lãi suất cho vay. Điều này là cần thiết để đưa ra một sự linh hoạt lớn hơn cho chính sách tiền tệ và cũng là cần thiết để đảm bảo rằng các ngân hàng cho vay một cách có lãi cho dân cư và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Khu vực dân cư và doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận đến vốn ngân hàng, với kết quả là họ không được hưởng lợi nhiều từ cơ chế hỗ trợ lãi suất như các doanh nghiệp lớn.

Tư Giang (SGTT)