Cần cả “núi tiền” để ngăn gian lận thẻ, thanh toán trực tuyến
Rủi ro nổi lên đặt các ngân hàng trước yêu cầu đầu tư cả “núi tiền” để tăng phòng vệ
Bài toán chi phí không được đặt ra cụ thể tại hội nghị trực tuyến chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” ngày 8/9. Nhưng để đáp ứng các yêu cầu đặt ra, chắc chắn các ngân hàng sẽ phải dùng nguồn tiền đầu tư lớn.
Tại hội nghị trên, các đầu mối chức năng đều khẳng định hệ thống thanh toán và giao dịch thẻ của ngân hàng Việt Nam đảm bảo an toàn, những sự việc nổi lên vừa qua chỉ là hạn hữu.
Trên bản đồ rủi ro thế giới ở lĩnh vực này, Việt Nam cũng đứng ở vị trí khá tốt. Báo cáo của Cục Công nghệ tin học ngân hàng cho hay, tỷ lệ rủi ro qua thẻ thanh toán tại Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với số trung bình trên toàn thế giới.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương (VietinBank) cũng đánh giá: với số lượng giao dịch khổng lồ hiện nay, thì tỷ lệ các giao dịch bị gian lận gây thất thoát chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Nhưng, trước loạt sự việc rủi ro xảy ra gần đây, cùng các hình thức gian lận ngày càng tinh vi hơn, các ngân hàng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đầu tư hơn nữa cho các biện pháp phòng vệ.
Cần cả “núi tiền”
Tại hội nghị trên, đại diện Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai lắp đặt thiết bị và phần mềm, phòng chống tội phạm đánh cắp thông tin khách hàng và tấn công máy ATM, vì hiện nay còn nhiều máy chưa có.
Thứ nữa là khuyến nghị các ngân hàng thương mại trang bị POS không dây có tính năng định vị qua GPS và phối hợp với các công ty viễn thông để xác định vị trí khi thực hiện các giao dịch qua POS không dây.
Với trên 17.330 ATM và hơn 240.660 POS được lắp đặt, việc đảm bảo 100% hai yêu cầu trên chắc chắn sẽ đòi hỏi nguồn tiền đầu tư lớn.
Chưa hết, một yêu cầu đã và đang được đặt ra, thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, tất cả thẻ từ hiện nay bắt buộc phải chuyển sang thẻ chip để đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính đến tháng 7/2016, Việt Nam đã có trên 107 triệu thẻ các loại được phát hành. Nguồn tiền để chuyển đổi lượng thẻ từ chiếm chủ yếu trong đó rất lớn, và càng lớn hơn nữa khi cũng phải đầu tư cho hệ thống ATM đọc được thẻ chip.
Và theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, hiện đã xuất hiện một số công nghệ tiên tiến như xác thực sinh trắc học qua vân tay, qua ánh mắt, qua giọng nói… Các ngân hàng Việt Nam cần tiếp cận tìm hiểu những công nghệ mới này để tăng cường an toàn bảo mật thêm cho khách hàng.
Nếu ứng dụng những công nghệ mới trên, hệ thống càng đòi hỏi nguồn tiền lớn hơn nữa cho đầu tư phần cứng, phần mềm…
Không có con số cụ thể để đo “núi tiền” cần cho yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn trong giao dịch thẻ, thanh toán trực tuyến, nhưng với loạt yêu cầu cơ bản như trên, chắc chắn sẽ rất lớn.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam có đáp ứng, đầu tư được không?
Cách thứ nhất là giãn ra. Các ngân hàng cần có lộ trình để từng bước triển khai, tránh dồn yêu cầu đầu tư cùng lúc dẫn tới chi phí gia tăng, mà cuối cùng rồi cũng đẩy sang phía khách hàng (qua phí dịch vụ). Như với việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, lộ trình được giãn ra trong 5 năm (đến 2020).
Cách thứ hai, như trên, nguồn thu từ khách hàng, qua phí sử dụng. Tuy nhiên, nguồn này trải ra trong quá trình sử dụng dịch vụ, chứ không dồn được ngay cho yêu cầu đầu tư. Mặt khác, điểm nhạy cảm trong dư luận những năm qua là chính sách phí dịch vụ liên quan này.
Phó tổng giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân cũng cho rằng, đầu tư cho bảo mật đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí, giảm lợi nhuận. Do đó, để bảo đảm về lợi nhuận, các ngân hàng đang buộc phải thu phí khách hàng cho các tính năng tăng cường bảo mật, trong khi bản thân khách hàng lại không hiểu rõ về giá trị của các tính năng này.
Tránh thiệt hại niềm tin
Dù áp lực chi phí lớn như trên, nhưng nhìn ở chiều ngược lại, việc đầu tư tăng cường bảo đảm an toàn dịch vụ của các ngân hàng cũng “đáng đồng tiền bát gạo”.
Số liệu từ Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hệ thống ngân hàng đang đón nhận sự bùng nổ của nhu cầu sử dụng các dịch vụ liên quan. Đơn cử như, 6 tháng đầu năm 2016, số lượng giao dịch qua internet đạt tới gần 58 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, số lượng giao dịch qua điện thoại di động đạt trên 43 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 123 nghìn tỷ đồng…
Lượng khách hàng và tiềm năng sử dụng dịch vụ cũng liên tục gia tăng. Tính đến cuối tháng 7/2016, toàn hệ thống đã có trên 65 triệu tài khoản cá nhân (so với mức 16,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2010). Hiện không có con số cống bố cụ thể, nhưng chắc chắn lượng tiền gửi thanh toán, là nguồn vốn quan trọng để khai thác, của 65 triệu tài khoản đó cũng rất lớn.
Trong mối quan hệ đầu tư và khai thác này, dĩ nhiên có đi có lại. Nếu dịch vụ đảm bảo an toàn, tiện ích, và ngân hàng minh bạch, giải thích hợp lý những yêu cầu đầu tư nói trên, hẳn họ sẽ tìm được sự đồng thuận dễ chịu hơn từ chính sách phí với khách hàng.
Và lớn hơn nữa, như ông Lân đặt ra trong tham luận tại hội nghị, giá trị lớn nhất ở đây là niềm tin đối với hệ thống.
Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng: “Với những sự việc vừa qua, ngân hàng hoàn toàn bù đắp được giá trị tài sản thiệt hại và các chi phí. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần thấy bề ngầm của tảng băng, đó là các thiệt hại không thể đo lường được về lòng tin của khách hàng về kênh thanh toán online”.
Vị lãnh đạo ngân hàng này nhìn nhận, các sự kiện gần đây tạo ra một làn sóng hoài nghi về sự an toàn của hệ thống ngân hàng và khách hàng e sợ hơn khi thực hiện thanh toán trực tuyến.
“Thất thoát về tiền bạc thì không hề lớn, tuy nhiên thất thoát về niềm tin là vô cùng lớn. Do vậy, toàn hệ thống ngân hàng cần có những hành động thiết thực để củng cố lại niềm tin của khách hàng”, ông Lân nói.
Dĩ nhiên, trong những yêu cầu này, bên cạnh việc đáp ứng của các ngân hàng thương mại, còn cần sự hợp tác cùng bảo vệ, tự bảo vệ của mỗi khách hàng. Vì, theo đánh giá tại hội nghị trên, nhiều trường hợp rủi ro xẩy ra có phần do khách hàng để lộ thông tin, hoặc chưa cẩn trọng trong giao dịch.
Tại hội nghị trên, các đầu mối chức năng đều khẳng định hệ thống thanh toán và giao dịch thẻ của ngân hàng Việt Nam đảm bảo an toàn, những sự việc nổi lên vừa qua chỉ là hạn hữu.
Trên bản đồ rủi ro thế giới ở lĩnh vực này, Việt Nam cũng đứng ở vị trí khá tốt. Báo cáo của Cục Công nghệ tin học ngân hàng cho hay, tỷ lệ rủi ro qua thẻ thanh toán tại Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với số trung bình trên toàn thế giới.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương (VietinBank) cũng đánh giá: với số lượng giao dịch khổng lồ hiện nay, thì tỷ lệ các giao dịch bị gian lận gây thất thoát chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Nhưng, trước loạt sự việc rủi ro xảy ra gần đây, cùng các hình thức gian lận ngày càng tinh vi hơn, các ngân hàng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đầu tư hơn nữa cho các biện pháp phòng vệ.
Cần cả “núi tiền”
Tại hội nghị trên, đại diện Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai lắp đặt thiết bị và phần mềm, phòng chống tội phạm đánh cắp thông tin khách hàng và tấn công máy ATM, vì hiện nay còn nhiều máy chưa có.
Thứ nữa là khuyến nghị các ngân hàng thương mại trang bị POS không dây có tính năng định vị qua GPS và phối hợp với các công ty viễn thông để xác định vị trí khi thực hiện các giao dịch qua POS không dây.
Với trên 17.330 ATM và hơn 240.660 POS được lắp đặt, việc đảm bảo 100% hai yêu cầu trên chắc chắn sẽ đòi hỏi nguồn tiền đầu tư lớn.
Chưa hết, một yêu cầu đã và đang được đặt ra, thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, tất cả thẻ từ hiện nay bắt buộc phải chuyển sang thẻ chip để đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính đến tháng 7/2016, Việt Nam đã có trên 107 triệu thẻ các loại được phát hành. Nguồn tiền để chuyển đổi lượng thẻ từ chiếm chủ yếu trong đó rất lớn, và càng lớn hơn nữa khi cũng phải đầu tư cho hệ thống ATM đọc được thẻ chip.
Và theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, hiện đã xuất hiện một số công nghệ tiên tiến như xác thực sinh trắc học qua vân tay, qua ánh mắt, qua giọng nói… Các ngân hàng Việt Nam cần tiếp cận tìm hiểu những công nghệ mới này để tăng cường an toàn bảo mật thêm cho khách hàng.
Nếu ứng dụng những công nghệ mới trên, hệ thống càng đòi hỏi nguồn tiền lớn hơn nữa cho đầu tư phần cứng, phần mềm…
Không có con số cụ thể để đo “núi tiền” cần cho yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn trong giao dịch thẻ, thanh toán trực tuyến, nhưng với loạt yêu cầu cơ bản như trên, chắc chắn sẽ rất lớn.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam có đáp ứng, đầu tư được không?
Cách thứ nhất là giãn ra. Các ngân hàng cần có lộ trình để từng bước triển khai, tránh dồn yêu cầu đầu tư cùng lúc dẫn tới chi phí gia tăng, mà cuối cùng rồi cũng đẩy sang phía khách hàng (qua phí dịch vụ). Như với việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, lộ trình được giãn ra trong 5 năm (đến 2020).
Cách thứ hai, như trên, nguồn thu từ khách hàng, qua phí sử dụng. Tuy nhiên, nguồn này trải ra trong quá trình sử dụng dịch vụ, chứ không dồn được ngay cho yêu cầu đầu tư. Mặt khác, điểm nhạy cảm trong dư luận những năm qua là chính sách phí dịch vụ liên quan này.
Phó tổng giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân cũng cho rằng, đầu tư cho bảo mật đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí, giảm lợi nhuận. Do đó, để bảo đảm về lợi nhuận, các ngân hàng đang buộc phải thu phí khách hàng cho các tính năng tăng cường bảo mật, trong khi bản thân khách hàng lại không hiểu rõ về giá trị của các tính năng này.
Tránh thiệt hại niềm tin
Dù áp lực chi phí lớn như trên, nhưng nhìn ở chiều ngược lại, việc đầu tư tăng cường bảo đảm an toàn dịch vụ của các ngân hàng cũng “đáng đồng tiền bát gạo”.
Số liệu từ Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hệ thống ngân hàng đang đón nhận sự bùng nổ của nhu cầu sử dụng các dịch vụ liên quan. Đơn cử như, 6 tháng đầu năm 2016, số lượng giao dịch qua internet đạt tới gần 58 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, số lượng giao dịch qua điện thoại di động đạt trên 43 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 123 nghìn tỷ đồng…
Lượng khách hàng và tiềm năng sử dụng dịch vụ cũng liên tục gia tăng. Tính đến cuối tháng 7/2016, toàn hệ thống đã có trên 65 triệu tài khoản cá nhân (so với mức 16,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2010). Hiện không có con số cống bố cụ thể, nhưng chắc chắn lượng tiền gửi thanh toán, là nguồn vốn quan trọng để khai thác, của 65 triệu tài khoản đó cũng rất lớn.
Trong mối quan hệ đầu tư và khai thác này, dĩ nhiên có đi có lại. Nếu dịch vụ đảm bảo an toàn, tiện ích, và ngân hàng minh bạch, giải thích hợp lý những yêu cầu đầu tư nói trên, hẳn họ sẽ tìm được sự đồng thuận dễ chịu hơn từ chính sách phí với khách hàng.
Và lớn hơn nữa, như ông Lân đặt ra trong tham luận tại hội nghị, giá trị lớn nhất ở đây là niềm tin đối với hệ thống.
Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng: “Với những sự việc vừa qua, ngân hàng hoàn toàn bù đắp được giá trị tài sản thiệt hại và các chi phí. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần thấy bề ngầm của tảng băng, đó là các thiệt hại không thể đo lường được về lòng tin của khách hàng về kênh thanh toán online”.
Vị lãnh đạo ngân hàng này nhìn nhận, các sự kiện gần đây tạo ra một làn sóng hoài nghi về sự an toàn của hệ thống ngân hàng và khách hàng e sợ hơn khi thực hiện thanh toán trực tuyến.
“Thất thoát về tiền bạc thì không hề lớn, tuy nhiên thất thoát về niềm tin là vô cùng lớn. Do vậy, toàn hệ thống ngân hàng cần có những hành động thiết thực để củng cố lại niềm tin của khách hàng”, ông Lân nói.
Dĩ nhiên, trong những yêu cầu này, bên cạnh việc đáp ứng của các ngân hàng thương mại, còn cần sự hợp tác cùng bảo vệ, tự bảo vệ của mỗi khách hàng. Vì, theo đánh giá tại hội nghị trên, nhiều trường hợp rủi ro xẩy ra có phần do khách hàng để lộ thông tin, hoặc chưa cẩn trọng trong giao dịch.