08:23 16/07/2007

Cần cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và cảnh sát

Thùy Linh

Tình hình chung đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa việc phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với lực lượng cảnh sát

Việt Nam gia nhập WTO trong hoàn cảnh đất nước đang phát triển ở trình độ thấp và nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi.
Việt Nam gia nhập WTO trong hoàn cảnh đất nước đang phát triển ở trình độ thấp và nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi.
Làm thế nào để bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế? Đây không chỉ là yêu cầu cấp bách của các doanh nghiệp mà còn là nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan chức năng.

Vào đầu năm 2006, tại nhiều tỉnh thành phố xuất hiện khá nhiều “đại diện cho các tổ chức tài chính quốc tế”. Điển hình là một người Canada, tự xưng là chủ tịch một quỹ đầu tư vào Việt Nam, hứa cho các doanh nghiệp trồng rừng vay những khoản tiền lớn với lãi suất vô cùng hấp dẫn (2,5%/năm) không phải tính lãi trong 5 năm đầu.

Điều kiện mà “ông chủ tịch” này đưa ra là được đi khảo sát thực tế tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La. Một hiệp hội doanh nghiệp đã huy động toàn bộ bộ máy phục vụ cho những chuyến đi thực tế này, nhưng sau đó mới biết, “ông chủ tịch” nọ chỉ là... một “Tây ba lô” du lịch!

Đây là một trong vô vàn ví dụ được đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế” vừa mới diễn ra tại Hà Nội do Tổng cục Cảnh sát phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Thiếu vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã, đang và sẽ là khó khăn lớn, kéo dài của các doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta. Khi thực hiện một dự án đầu tư ở quy mô vừa từ 30 đến 50 tỷ đồng, gần như tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều phải vay vốn.

Vì vậy, những năm gần đây, những phi vụ lừa đảo thông qua dịch vụ vay vốn đã xuất hiện. Thủ đoạn của bọn lừa đảo trong lĩnh vực vay vốn là đưa những điều kiện vay rất dễ dàng và yêu cầu người vay phải đặt cọc một số tiền. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, người môi giới biến mất hoặc chây ỳ không trả lại dù việc vay và cho vay hoàn toàn không thực hiện được.

Tình hình chung đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa việc phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với lực lượng cảnh sát nói chung, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế nói riêng nhằm phòng ngừa, hạn chế tối đa vi phạm và các rủi ro, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Hội nhập gắn liền với quá trình áp dụng công nghệ cao trong thông tin, quản lý doanh nghiệp, kinh doanh, mua bán, thanh toán... Công nghệ điện tử sẽ được ứng dụng hầu hết trong mọi hoạt động của kinh tế-xã hội. Quá trình này cũng hình thành và phát triển tội phạm công nghệ cao, nhất là đối tượng đột nhập, chuyên hoạt động trên mạng để lấy cắp thông tin bí mật, công nghệ, tiền bạc..., hoặc tạo ra các loại virus gây nhiễu, phá rối hoạt động trên mạng.

Ông Nguyễn Huy Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương cho biết: tình hình tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam ngày càng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh đối ngoại, hoạt động tín dụng, dịch vụ thẻ, thanh toán, chuyển tiền điện tử, an ninh mạng. Các vụ án khá phức tạp cả về nội dung, tính chất mức độ.

Điển hình như vụ cố ý làm trái xảy ra tại chi nhánh Ngân hàng Công thương Hải Phòng và Ngân hàng AMRO Hà Nội gây thiệt hại cho Ngân hàng Công thương trên 80 tỷ đồng. Sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, Ngân hàng AMRO đã phải trả đủ số tiền trên cho Ngân hàng Công thương. Hay như vụ lợi dụng công nghệ cao và sơ hở trong quản lý mật khẩu để chuyển tiền điện tử khống với mục đích trộm cắp tiền ngân hàng xảy ra tại phòng kế toán chi nhánh Ngân hàng Công thương Lạng Sơn.

Nhiều doanh nghiệp rất bức xúc trước nạn làm hàng giả và ăn cắp bản quyền thương hiệu như: cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba... Ông Vũ Duy Thái - Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội cho rằng, hiện nay hiện tượng vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả đang trở nên phổ biến cần có biện pháp xử phạt thật nặng.

Nhưng hiện vẫn còn một số khó khăn mà cơ quan cảnh sát gặp phải khi điều tra, giải quyết. Theo các chế tài pháp luật về xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ, làm hàng giả, các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý tuỳ theo mức độ thiệt hại gây ra. Nhẹ thì thu giữ cảnh cáo, phạt tiền (xử lý hành chính) nặng thì truy tố buộc khắc phục hậu quả...

Chính vì vậy, các đối tượng thường chia nhỏ (lách luật) tránh bị truy tố. Hơn nữa, hàng giả sản xuất quy mô lớn, quy mô công nghiệp thường từ nước ngoài chuyển về vì vậy muốn ngăn chặn được cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan....

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoà Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đối với hàng giả nếu nhận được bất kỳ thông tin nào từ doanh nghiệp cũng như quần chúng nhân dân, cơ quan cảnh sát đều nhanh chóng vào cuộc. Để bảo vệ thương hiệu của mình không còn cách nào khác là các doanh nghiệp phải nhanh chóng đi đăng ký thương hiệu.

Liên quan đến vấn đề chủ động đăng ký tên miền Internet, ông Bình cho biết chúng ta đã áp dụng theo thông lệ quốc tế ưu tiên người đăng ký trước. Mặc dù, thiệt hại có thể rất lớn khi bị mất tên miền nhưng cơ quan cảnh sát gặp rất nhiều khó khăn để khởi tố những đối tượng ăn cắp tên miền rồi bán lại cho chính chủ.

Trung tướng Trần Văn Thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho rằng trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát đã chủ động trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, xử lý hàng ngàn vụ án kinh tế xâm hại lợi ích và môi trường kinh doanh. Một số hoạt động như cải cách hành chính trong quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, xóa giấy phép con, nghiêm cấm lạm dụng hộ khẩu, giảm thời gian khắc dấu..., đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Điều quan trọng, theo nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo là cần có biện pháp cụ thể, không chỉ dừng lại ở những giải pháp chung chung. Theo đó, giải pháp thiết lập một website “Bảo vệ doanh nghiệp” trực thuộc Tổng cục Cảnh sát nhân dân đã được đề xuất. Qua đó, thông tin hai chiều giữa Tổng Cục Cảnh sát và doanh nghiệp sẽ được thông suốt. Bởi vì theo đại diện của Tổng cục Cảnh sát, việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời là nhân tố quan trọng nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ doanh nghiệp của lực lượng cảnh sát.