12:39 27/01/2008

Cần cơ chế xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp

Nguyên Linh

Nhiều nơi chưa xây dựng được quy trình xử lý phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính nên kiến nghị, phản ánh bị “câu dầm”

Nhiều ý kiến đánh giá hoạt động xử lý kiến nghị về thủ tục hành chính hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận, xử lý vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, cá nhân về thủ tục, mà chưa đề cập đến cơ chế, chính sách của thủ tục - Ảnh: VNN.
Nhiều ý kiến đánh giá hoạt động xử lý kiến nghị về thủ tục hành chính hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận, xử lý vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, cá nhân về thủ tục, mà chưa đề cập đến cơ chế, chính sách của thủ tục - Ảnh: VNN.
Báo cáo tổng kết 2 năm triển khai Quyết định số 22/2006/QĐ-TTg đã đặt ra vấn đề cần có một cơ chế, cơ sở pháp lý thống nhất cho việc gửi và tiếp nhận, xử lý các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính. 

“Câu dầm”, “xin - cho”

Theo báo cáo, sau khi được giao nhiệm vụ theo Quyết định số 22, bên cạnh những hoạt động theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, các cơ quan trung ương, địa phương với đã trực tiếp tiếp nhận và xử lý hơn 4.000 kiến nghị, phản ánh của cá nhân và doanh nghiệp.

Nội dung kiến nghị, xử lý rộng khắp trên nhiều lĩnh vực như giao đất, kê khai nộp thuế hoạt động tín dụng, cho thuê tài chính đến bảo hiểm y tế, quản lý xuất nhập cảnh, thủ tục khám chữa bệnh, thanh quyết toán viện phí...

Qua đó, nhiều thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành hoặc phạm vi quản lý Nhà nước của các Bộ và địa phương đã được xem xét, bãi bỏ, sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi cho phù hợp, nhiều trường hợp nhũng nhiễu của cán bộ, công chức cũng được xem xét xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, việc thực hiện Quyết định số 22 qua một thời gian đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân cơ bản là do thiếu một cơ chế pháp lý đầy đủ, thống nhất và hiệu lực cao.

Nhiều nơi chưa xây dựng được quy trình xử lý phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính nên kiến nghị, phản ánh bị “câu dầm” hoặc nặng về cơ chế “xin - cho”. Ở một số ngành, lĩnh vực nhạy cảm có nhiều kiến nghị, phản ánh về thủ tục như đất đai, bảo hiểm y tế thì để tồn đọng nhiều, trong quá trình giải quyết còn nhầm lẫn phản ánh với khiếu nại, tố cáo...

Còn trên bình diện chung, nhiều ý kiến đánh giá hoạt động xử lý kiến nghị về thủ tục hành chính hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận, xử lý vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, cá nhân về thủ tục, mà chưa đề cập đến cơ chế, chính sách của thủ tục - một đối tượng quan trọng nhất cần được hoàn thiện.

Cho đến nay, đánh giá về hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác tiếp nhận, xử lý vướng mắc của người dân và doanh nghiệp về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính cho thấy sự rải rác, thiếu các quy định cụ thể về trình tự, quy trình, thủ tục, nội dung tiếp nhận thông tin, thời hạn, quyền hạn và trách nhiệm cơ quan Nhà nước.

Hiện cũng chưa có văn bản quy định cụ thể đối với cơ quan có trách nhiệm xử lý phản ánh, kiến nghị của dân và doanh nghiệp, dẫn tới tình trạng kéo dài thời gian giải quyết, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm xử lý. 

Sẽ công khai kết qu

Hiện tại, các cơ quan có trách nhiệm đang xây dựng, hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.

Trước hết, đó là một nghị định chuyên về xử lý kiến nghị, đảm bảo tính thống nhất trong cả nước. Trong đó, sẽ quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong giải quyết các phản ánh, kiến nghị, quy định tăng thẩm quyền của các cơ quan tiếp nhận, xử lý kiến nghị, xây dựng cơ chế thanh tra, kiểm tra việc xử lý, có trách nhiệm và chế tài đối với cá nhân có liên quan trong việc chậm trễ giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định là, kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính phải được công khai trên cổng thông tin hoặc trang tin điện tử của cơ quan, niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc nơi trực tiếp giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân phải đáp ứng năm nguyên tắc: đúng quy định của pháp luật; đơn giản, thuận tiện; nhanh chóng, kịp thời; công khai, minh bạch và quy trình cụ thể, rõ ràng, thống nhất.