17:04 23/02/2007

“Cần công ty lớn niêm yết”

Thùy Trang thực hiện

“Niêm yết thêm các công ty lớn không những sẽ gia tăng quy mô thị trường, mà còn giúp làm giảm áp lực của các công ty đang niêm yết”

Ông Martin Rama.
Ông Martin Rama.
Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển ngoạn mục. Tuy nhiên, thực trạng nóng lạnh chưa thuyết phục của thị trường là mối lo lắng của không ít các chuyên gia.

Ông Martin Rama, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), đã có buổi trao đổi với chúng tôi về xu thế của thị trường này.

Một số người Việt Nam đã trở thành triệu phú Đôla chỉ trong vòng một đêm, sau khi công ty họ niêm yết. Ông có bất ngờ không nếu xét trong bối cảnh Việt Nam là một nước chỉ có GDP đầu người khoảng 630 USD/năm?

Tôi không bất ngờ. Đây là một xu thế tất yếu của nền kinh tế vốn tăng trưởng nhanh theo xu hướng thị trường.

Vấn đề là xã hội Việt Nam cần phải làm quen với điều này.

Thị trường chứng khoán đang bùng nổ, và giá nhiều cổ phiếu đã cao hơn so với giá trị của một số công ty. Vì sao vậy, thưa ông?

Thường thì khi nhà đầu tư đến với thị trường chứng khoán, họ muốn được biết thông tin về tình trạng kinh doanh của công ty đang niêm yết. Khi giá cổ phiếu tăng lên, có nghĩa là mọi người cho rằng công ty đó đang hoạt động hiệu quả và có tiềm năng.

Nhưng vấn đề của thị trường chứng khoán Việt Nam, một thị trường còn nhỏ và mới, là sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào công ty nhiều khi lại đại diện cho sự kỳ vọng của họ vào triển vọng của đất nước nói chung...

Chúng ta có thể thấy, tất cả mọi người đang rất kỳ vọng vào Việt Nam với những sự kiện như gia nhập WTO, cải cách hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, tăng trưởng kinh tế...

Vấn đề cũng xuất phát từ bên ngoài. Hiện có nhiều các quỹ đầu tư do nước ngoài quản lý đang đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Các quỹ này rất lớn, bạn chỉ hình dung, một vài phần trăm của các quỹ đó cũng đã là rất lớn so với thị trường chứng khoán này. Những quỹ này có rất nhiều tiền, và thậm chí nếu Việt Nam niêm yết thêm nhiều công ty nữa, thì lượng tiền đổ vào vẫn nhanh hơn lượng cổ phiếu được niêm yết.

Như vậy rõ ràng là nhiều cổ phiếu đang tăng giá bất hợp lý so với sức khỏe của công ty đó.

Theo ông, tình hình này liệu có tạo ra nguy cơ làm thị trường sụp đổ?

Sụp đổ có lẽ không phải là từ chuẩn, nhưng tôi nghĩ Việt Nam cần phải điều chỉnh. Nếu không điều chỉnh, đến một thời điểm nào đó, các nhà đầu tư cảm thấy nguy hiểm và đồng loạt rút tiền. Lúc đó chúng ta sẽ không lường được điều gì sẽ xảy ra.

Hãy nhớ lại thời kỳ đầu của thị trường chứng khoán cách đây 5 năm. Năm đầu tiên, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ khoảng 5%, sau đó thị trường đóng băng. Lúc đó, thị trường quá nhỏ và không có đủ hàng hóa.

Nhưng giờ đây, nhiều người đã biết đến thị trường này, đầu tư vào đó những khoản tiết kiệm và kiếm được tiền một cách nhanh chóng. Điều này là rất quan trọng cho sự phát triển của thị trường và Chính phủ cũng đang rất phấn khởi. Nhưng rõ ràng là cần phải cảnh giác.

Điều quan trọng là thị trường phát triển nhanh chóng, nhưng phải lành mạnh. Trong điều kiện hiện nay, thị trường rõ ràng cần một động thái điều chỉnh. Sẽ có nhiều nhà đầu tư lo ngại (về sự bùng nổ). Điều quan trọng là Ủy ban Chứng khoán cần thông tin cho người dân biết, một khi họ tham gia trò chơi này và kiếm được nhiều tiền, thì họ cũng có thể mất nhiều tiền. Đây là quy luật của cuộc chơi.

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có 107 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Ông dự báo như thế nào về xu hướng của thị trường?

Về lâu dài, việc huy động vốn của thị trường chứng khoán sẽ lớn hơn nhiều so với hiện nay, xét về góc độ GDP.

Nhưng rõ ràng, việc niêm yết các công ty lớn là điều rất quan trọng, và tôi nghĩ nhiều người sẽ phấn khởi khi Chính phủ đã đưa ra kế hoạch này. Niêm yết thêm các công ty lớn không những sẽ gia tăng quy mô thị trường, mà còn giúp làm giảm áp lực của các công ty đang niêm yết. Và điều này có thể sẽ làm giảm giá cổ phiếu của một số công ty hiện nay.

Theo tôi, việc niêm yết các công ty lớn này không đơn giản. Tuy nhiên, việc này vẫn phải làm nhanh và quan trọng là phải minh bạch.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã được mua đến 49% cổ phiếu của một công ty. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

Chính sách này, theo tôi, sẽ quan trọng hơn với các công ty hơn là thị trường chứng khoán. Khi các công ty có được nhà đầu tư nước ngoài giữ tỷ lệ cổ phiếu như vậy, họ sẽ có được các đối tác chiến lược, những người sẽ giúp doanh nghiệp về quản trị và kỹ năng kinh doanh. Nhưng các doanh nghiệp hiện nay đang chỉ có những cổ đông cá nhân thiểu số, những người chỉ biết mua đi và bán lại cổ phiếu.

Theo ông, thách thức lớn nhất hiện nay của thị trường chứng khoán là gì?

Đó là thị trường phải phát triển một cách lành mạnh để xây dựng được niềm tin của các nhà đầu tư.

Thứ hai, thông tin phải được cung cấp minh bạch, khi giá cổ phiếu tăng và giảm. Ủy ban Chứng khoán cần cải thiện hệ thống thông tin hiện tại, và minh bạch hóa hoạt động của các công ty đang niêm yết.

Về lâu dài, đây là những nhân tố then chốt để thị trường chứng khoán Việt Nam thành công.