Cần làn sóng cải cách thứ hai giúp doanh nghiệp phát triển
Cải cách lần thứ nhất là cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Còn bây giờ là hành trình cải cách mới theo tinh thần Nhà nước kiến tạo
Nhìn lại lịch sử phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) chia sẻ, năm 1946, trong bức thư gửi giới công thương, Bác Hồ đã nhấn mạnh, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của giới công thương thịnh vượng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra đi, bức thư cuối cùng để lại là gửi cho giới doanh nhân, với khẳng định "Doanh nhân phải là nhạc trưởng trong sự phát triển của đất nước". Khi Bộ Chính trị ra nghị quyết đầu tiên về doanh nhân năm 2011, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (hiện nay) đã đến VCCI để phổ biến nghị quyết này và phát biểu, "Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị".
Và gần đây khi phát biểu về Nghị quyết 10 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, đừng kỳ thị kinh tế tư nhân; nếu các doanh nghiệp tư nhân làm tốt cần phải tôn vinh, thậm chí trao danh hiệu anh hùng cho họ....
Đó là cả một chặng đường dài trong nhận thức về doanh nghiệp, doanh nhân. Vậy, thưa ông, đến nay đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ doanh nhân thế giới?
Sau 1/3 thế kỷ đổi mới, chúng ta đã có một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo. Đó không chỉ là trên 700.000 doanh nghiệp theo quan niệm của Luật Doanh nghiệp mà còn bao gồm cả trên 5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký). Xét về bản chất kinh tế, đó là những thực thể kinh doanh trong nền kinh tế - là doanh nghiệp theo quan niệm phổ biến của các nền kinh tế thị trường.
Hơn 3 thập kỷ qua, lứa doanh nhân đầu tiên của thời kỳ đổi mới - lứa doanh nhân dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám xông pha đã hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần đưa đất nước thoát nghèo.
Giờ đây, trọng trách đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình và trở nên hùng cường thuộc về lứa doanh nhân khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo. Song tôi muốn nhấn mạnh, khởi nghiệp, sáng tạo không chỉ là yêu cầu của các doanh nghiệp mới mà còn là yêu cầu của các doanh nghiệp đã trưởng thành với những mái đầu doanh nhân đã không còn xanh nữa.
Mặc dù vậy, nói một cách thẳng thắn, doanh nghiệp Việt vẫn còn khoảng cách khá xa so với lực lượng doanh nghiệp các nước trong khu vực?
Nếu từ góc nhìn trên, chúng ta có thể thấy rằng, xét về số lượng doanh nghiệp trên đầu dân, chúng ta không thua kém các nền kinh tế thị trường trong khu vực. Nhưng điều đáng nói là về chất lượng, chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với ASEAN.
Chúng ta đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số đó còn quá ít ỏi. Chúng ta có những doanh nhân riêng lẻ có sức cạnh tranh cao nhưng chưa có được cả một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và các nhà công nghiệp sánh vai cùng thiên hạ, đặc biệt các doanh nghiệp Việt khó kết nối với nhau và các chuỗi giá trị toàn cầu.
Kết quả xếp hạng chất lượng quản trị trung bình theo thẻ điểm quản trị ASEAN của các doanh nghiệp niêm yết - bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế - chúng ta xếp thứ 6 trong số 6 nền kinh tế được so sánh trong ASEAN.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới và Ngân hàng Thế giới chúng ta cũng mới chỉ được xếp ở hạng ở hạng trung bình. Bên cạnh đó, công nghệ sử dụng và năng suất lao động chúng ta cũng chưa cao so với các nước trong khu vực.
Vậy cần làm gì để đội ngũ doanh nhân lớn mạnh thưa ông?
Việc nâng cấp doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu bức thiết ở Việt Nam. Các định hướng và nỗ lực của chương trình quốc gia phát triển doanh nghiệp do vậy không chỉ tập trung vào số lượng doanh nghiệp mà quan trọng hơn là phải tập trung vào nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Chúng ta hy vọng, dự Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này đang được Chính phủ trình Quốc hội sẽ thúc đẩy trọng tâm ưu tiên này sẽ tăng cường quản trị và thúc đẩy hành trình minh bạch hóa và nâng cấp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh.
Trong định hướng nâng cấp doanh nghiệp, phát triển bền vững và chuyển đổi số là hai đường ray chính. Tôi muốn nhấn mạnh, doanh nghiệp phát triển phải hiệu quả, phải nhân văn, phải vì cộng đồng, phải thân thiện với môi trường. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là nền tảng, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số là động lực.
Nói một cách hình tượng thì với các doanh nghiệp của thời đại mới: "Phát triển bền vững ở trong tim" và "Đổi mới, sáng tạo ở trên đầu". Doanh nghiệp phải phát triển bền vững, phải quốc tế hóa và số hóa để trở thành công dân có trách nhiệm và tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu.
Để làm được điều này, Nhà nước phải cải cách thể chế, tạo ra hệ sinh thái thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Không ai đứng ngoài cuộc cách mạng này, bất kể là doanh nghiệp thuộc quy mô lớn hay vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ mà kinh doanh bền vững sẽ thành công, doanh nghiệp lớn mà "ăn sổi, ở thì" sẽ thất bại.
Đặc biệt, từ hành trình "thoát nghèo" tới hành trình "vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình" và trở nên giàu có đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực vượt trội về thể chế, về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Muốn "vượt bẫy thu nhập trung bình" phải vượt "bẫy chất lượng thể chế (kinh tế) trung bình".
Doanh nghiệp giữ vai trò động lực trong quá trình này. Doanh nhân cần chung tay với Đảng và Nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Dường như ông đang nói về làn sóng cải cách thứ hai?
Đúng vậy. Chúng ta cần có làn sóng cải cách thứ hai. Cải cách lần thứ nhất là cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Còn bây giờ là hành trình cải cách mới theo tinh thần Nhà nước kiến tạo. Nhà nước phải định hướng, yểm trợ, hậu thuẫn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đó là tập trung vào xây dựng hệ thống pháp luật kinh doanh minh bạch, vì thể chế nào doanh nhân đó.
Còn nếu vẫn là thể chế pháp luật chồng chéo, đầy rủi ro, xung đột và không xóa bỏ được cơ chế xin - cho thì không có đội ngũ doanh nhân tập trung vào đổi mới, sáng tạo. Vì khi đó doanh nghiệp cần quan hệ xin – cho chứ không cần sáng tạo. Hệ thống chính sách cần tiếp tục được đơn giản hóa, hướng theo chuẩn mực tiên tiến của thế giới, đảm bảo sự minh bạch, bình đẳng, công bằng.
Mô hình kinh doanh của doanh nghiệp đang chuyển sang đổi mới, sáng tạo, do đó quản lý cũng phải như vậy chứ không theo kiểu thủ công như trước. Như thực hiện Chính phủ điện tử, đơn giản hóa và cắt giảm 50% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành... và phải làm một cách thực chất.
Rà soát ngay các luật pháp kinh doanh đang có nhiều chồng chéo, bó tay bó chân doanh nghiệp. Đổi mới nhận thức của giới công quyền, tận tâm giúp đỡ doanh nhân. Tuy nhiên, "Chính quyền tận tâm" thì "Doanh nhân cũng phải làm thật"...
Là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, bước tiếp tới đây, VCCI sẽ làm gì để "yểm trợ" doanh nghiệp lớn mạnh?
Với nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp, VCCI ký thỏa thuận hợp tác với VNPT triển khai chương trình quốc gia về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, trong đó rất chú trọng các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Vì đó chính là "ngôi sao hy vọng" và là "xương sống" của mỗi nền kinh tế, là chủ thể cho sự nghiệp phát triển sáng tạo, bao trùm, để "không ai bị bỏ lại phía sau".
Chúng tôi cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững với việc phổ biến rộng khắp bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) và các mô hình kinh doanh mới: kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, doanh nghiệp xã hội...
Đây cũng là những hoạt động trọng tâm của VCCI trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chương trình hành động của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân và nền kinh tế số.
Mới đây, theo đề xuất của VCCI, Thủ tướng cũng đã phát động "Phong trào năng suất Việt Nam" để tiếp lửa cho cuộc vận động này, chúng tôi mong các doanh nghiệp hãy coi các cuộc vận động này là phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu của các doanh nhân trong thời đại mới.
Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế, chính sách" do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phát động và các hoạt động đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là cơ hội quý để doanh nhân hiến kế với Đảng và nhà nước.
Hưởng ứng cuộc vận động này, tôi đã đề nghị, các hiệp hội doanh nghiệp triển khai phong trào "Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân một sáng kiến" để góp phần thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Đồng thời các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cấp mình và chia sẻ, lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để phát triển bền vững và cạnh tranh thắng lợi vì "màu cờ, sắc áo Việt Nam". Đổi mới thể chế và nâng cấp doanh nghiệp phải là hai nhiệm vụ song hành. Doanh nghiệp Việt phải phát triển bền vững, phải nhân văn, phải kinh doanh có trách nhiệm, đồng thời phải đổi mới và sáng tạo.