17:25 09/08/2008

Cần nâng chuẩn an toàn vốn các ngân hàng?

Minh Đức

Khả năng đó đang được đặt ra, như một yêu cầu cao hơn mà các ngân hàng cần đáp ứng trước những rủi ro

Hiện nhiều ngân hàng đã có hệ số an toàn vốn vượt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Hiện nhiều ngân hàng đã có hệ số an toàn vốn vượt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Vấn đề nâng chuẩn an toàn vốn các ngân hàng đã được đặt ra tại buổi tọa đàm về đánh giá tình hình thực hiện các quy định an toàn trong hoạt động và quản lý rủi ro tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, do Công ty Ernst & Young phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuối tuần qua.

Hệ số an toàn vốn (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro, Capital Adequacy Ratio – CAR) là một chỉ tiêu quan trọng phản ánh năng lực tài chính của các ngân hàng. Chỉ tiêu này được dùng để xác định khả năng của ngân hàng trong việc thanh toán các khoản nợ có thời hạn và đối mặt với các rủi ro khác như rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành.

Đây cũng là một trong 5 tiêu chuẩn quan trong nhất mà các ngân hàng thương mại phải đáp ứng để đảm bảo an toàn hoạt động, theo định hướng quản lý rủi ro của Ngân hàng Nhà nước theo từng thời kỳ (4 tiêu chuẩn còn lại bao gồm yêu cầu vốn tự có, tỷ lệ khả năng chi trả (thanh khoản), giới hạn cho vay và bảo lãnh thương mại, giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn).

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đến năm 2008, hệ số an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng phải đạt 8%, theo tiêu chuẩn của Basel I do Ủy ban giám sát các ngân hàng Basel ban hành.

Tuy nhiên, trên thế giới, việc áp dụng hệ số an toàn vốn tối thiểu hiện phổ biến theo tiêu chuẩn của Basal II với mức 12%. Và trước yêu cầu tăng cường quản lý rủi ro, theo thông lệ quốc tế, việc nâng hệ số CAR này bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang được tính tới.

Theo ông Phạm Huyền Anh, Phó vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), đây là thời điểm thích hợp để xem xét lại quy định liên quan đến hệ số này, theo yêu cầu tăng cường rủi ro và hợp với chuẩn quốc tế.

Cùng quan điểm trên, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam, cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên sớm xem xét điều chỉnh mức tối thiểu quy định của hệ số này.

“Trong quá trình kiểm toán và làm việc với các ngân hàng thương mại Việt Nam, xét trên yêu cầu tăng cường quản trị rủi ro, chúng tôi thấy cần xem xét nâng hệ số CAR tối thiểu hiện hành từ 8% lên 10 – 12%. Ngoài ra, cũng cần xem xét và hoàn thiện công thức xác định vốn tự có và tính hệ số CAR cho phù hợp hơn nữa với các thông lệ quốc tế”, ông Văn khuyến nghị.

Một số thống kê cho thấy hệ số CAR tại các ngân hàng thương mại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương bình quân hiện nay là 13,1%, của khu vực Đông Á là 12,3%. Đây cũng là mức mà thực tế một số ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay đang có.

Nhìn về thời điểm cách đây khoảng hai năm, mức 8% là mục tiêu phấn đầu khó khăn của hầu hết các ngân hàng Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cũng đã phải tổ chức tới 6 cuộc hội thảo, họp bàn để chốt được yêu cầu 8% nói trên. Còn theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, sự khó khăn đó lớn hơn ở các ngân hàng thương mại quốc doanh, tập trung ở khả năng tăng vốn.

Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, sự tăng trưởng nhanh về quy mô vốn đã giúp các ngân hàng cải thiện đáng kể năng lực tài chính và hệ số này. Tính đến cuối năm 2007, hệ số CAR của nhiều ngân hàng thương mại đã vượt yêu cầu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho mục tiêu đến năm 2008. Tiêu biểu như Vietcombank, ACB, Sacombank, BIDV, EAB, MHB…

HTML clipboard
Hệ số an toàn vốn của một số ngân hàng tính đến cuối năm 2007 (đơn vị: %)
Vietcombank BIDV Agribank MHB ACB Sacombank EAB
12 11 7,2 9,44 16,19 11,07 14,36

Bình quân, hệ số CAR của các ngân hàng thương mại quốc doanh đã tăng từ 7% trong năm 2006 lên 9% trong năm 2007; tỷ lệ này của các ngân hàng thương mại cổ phần cao hơn, bình quân trên 12%.

Ông Phạm Huyền Anh cũng cho biết, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, hiện nay hầu hết các thành viên đã đáp ứng được yêu cầu hệ số CAR tối thiểu 8%, có những trường hợp đạt từ 13% - 14%. Và việc nâng chuẩn nói trên có thể được tính đến, nhưng cần xem xét một tỷ lệ tốt nhất với điều kiện hoạt động của các ngân hàng Việt Nam.

Theo ý kiến của một lãnh đạo ngân hàng thương mại, yêu cầu nâng hệ số CAR tối thiểu hiện nay lên theo chuẩn quốc tế hiện nay là cần thiết. “Tuy nhiên, một tỷ lệ cao chưa hẳn là đã tốt, bởi ngoài yêu cầu đảm bảo an toàn, ngân hàng cũng cần tính đến một yêu cầu quan trọng khác là hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Và tốt nhất có thể xác định từ 10% - 12%”, ông này nói.