17:55 23/02/2007

Cân nhắc kỹ khi đặt giá mua cổ phần gas

Hoàng Lộc

Nhà đầu tư mua cổ phần của các công ty kinh doanh gas có thể gặp nguy cơ và những rủi ro nào?

Sản phẩm LPG (khí hóa lỏng hay còn gọi là gas) đã được tiêu dùng ở Việt Nam từ năm 1957.
Sản phẩm LPG (khí hóa lỏng hay còn gọi là gas) đã được tiêu dùng ở Việt Nam từ năm 1957.
Trong tháng 3/2007, hai công ty kinh doanh gas lớn sẽ bán đấu giá cổ phần để thực hiện cổ phần hóa.

Rất đông nhà đầu tư quan tâm đến cổ phần gas sau khi Công ty Cổ phần Gas Petrolimex đã bán thành công 4,05 triệu cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước vào ngày 10/5/2006. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên tham khảo thông tin về thị trường gas, bản công bố thông tin của các hãng gas trước khi đưa ra quyết định đặt giá mua cổ phần của 2 hãng gas.

Ngày 2/3/2007, Công ty Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc (PV Gas North) sẽ tổ chức bán đấu giá 4.226.000 cổ phần tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để thực hiện cổ phần hóa với giá khởi điểm 10.500 đồng/cổ phần.

Sau đó một tuần, Công ty Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South) cũng sẽ tổ chức bán đấu giá 4.703.000 cổ phần tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM để thực hiện cổ phần hóa với giá khởi điểm 10.500 đồng/cổ phần.

Nhu cầu tiêu thụ tăng cao

Sản phẩm LPG (khí hóa lỏng hay còn gọi là gas) đã được tiêu dùng ở Việt Nam từ năm 1957. Giai đoạn đầu những năm 90, thị trường gas Việt Nam mới có 3 công ty tham gia kinh doanh là Elfgas, Petrolimex và Saigon Petro với tổng mức tiêu thụ mới ở mức 5.000-8.000 tấn/năm.

Nhu cầu tiêu thụ gas ở Việt Nam liên tục tăng cao trong suốt 10 năm qua và sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới. Theo Petrolimex, năm 1994 tiêu thụ đạt 16.400 tấn, năm 1996 tăng mạnh lên 91.000 tấn, năm 1999 tăng lên 225.000 tấn (nhập khẩu 58.000 tấn), năm 2002 đạt 500.000 tấn (nhập khẩu 340.000 tấn), năm 2003 tiêu thụ đạt mức 630.000 tấn (nhập khẩu 360.000 tấn), năm 2005 tăng lên 830.000 tấn (nhập khẩu khoảng 500.000 tấn) và lượng sản xuất của Nhà máy Gas Dinh Cố (thuộc Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí - PV Gas) khoảng 300.000 tấn.

Tiêu thụ gas tăng mạnh đã thu hút nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới như BP, Shell, Total, PTT, Petronas... nhảy vào thị trường Việt Nam và cạnh tranh quyết liệt. Thời kỳ đầu, gas bị đánh thuế nhập khẩu khá cao là 30%, sau đó mức thuế nhập khẩu gas giảm dần, hiện nay còn 5%.

Theo số liệu thống kê, thị trường gas Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 15%/năm trong vòng 10 năm qua và được đánh giá là tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Theo dự báo của Petrolimex, nhu cầu tiêu thụ gas ở Việt Nam trong 5 năm tới sẽ tăng 9-12%/năm do những nguyên nhân sau:

- Gas là chất đốt sạch, cho nhiệt độ cao, năng suất tỏa nhiệt lớn, không gây ô nhiễm môi trường, không gây nhiễm bẩn thực phẩm ngay cả khi tiếp xúc trực tiếp, độ an toàn cao do được hóa lỏng dưới áp suất thấp, không ăn mòn, tiện lợi trong việc vận chuyển, tồn trữ và sử dụng.

- Gas đang được sử dụng rộng rãi trong dân dụng, thương mại, công nghiệp và đặc biệt trong giao thông vận tải, gas được dùng thay thế xăng dầu và nhiều loại bình nước nóng hiện nay đã chuyển sang sử dụng gas thay cho điện vì loại bình này vừa tiết kiệm năng lượng vừa làm nóng nhanh và có độ an toàn cao.

- Hơn nữa, xu hướng sử dụng xe máy, ô tô chạy bằng gas đang phát triển mạnh trên thế giới và đã bắt đầu hình thành ở Việt Nam.

Theo dự báo của PV Gas North, thời gian tới, xu hướng tăng trưởng của thị trường LPG Việt Nam không có biến động lớn, tăng trưởng tương đối đều đặn. Nhu cầu tiêu thụ sản lượng năm sau tăng hơn năm trước, tăng thêm xấp xỉ khoảng 100.000 tấn.

Cụ thể: tốc độ tăng của thị trường LPG khoảng 30% giai đoạn 1998-2002, các năm sau giảm xuống còn 20% đến 13%. Tuy năm 2005 tốc độ tăng chung có chậm lại, thấp hơn dự kiến (chỉ đạt khoảng 7,5%) do giá nhiên liệu thế giới đang đứng ở mức cao, một số khách hàng sử dụng trong ngành công nghiệp gốm, sứ, thủy tinh bắt buộc chuyển sang tiêu thụ nhiên liệu rẻ hơn để tồn tại.

Nhu cầu về tiêu thụ LPG được dự báo tăng trưởng khoảng 9-10%/năm từ 2007 tới năm 2010. Nguồn trong nước trong tương lai (sau năm 2010) sẽ gia tăng do bổ sung thêm sản lượng LPG từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Dự án Liên hợp Lọc dầu Nghi Sơn.

Cuộc chiến kinh doanh gas tiếp tục diễn ra quyết liệt

Hiện cả nước có khoảng gần 100 công ty, cơ sở kinh doanh gas (chưa tính những cửa hàng bán lẻ), trong đó 10 công ty lớn (trong nước, liên doanh và nước ngoài) đảm nhận việc nhập khẩu, cung ứng gas cho thị trường Việt Nam, số còn lại chủ yếu là sang chiết gas và phân phối gas ở các vùng nông thôn.

Gần 100 công ty này đang cạnh tranh quyết liệt với nhau, chiếm thị phần lớn nhất là Công ty cổ phần Gas Petrolimex, tiếp đến là Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm phí và Saigon Petro. Đặc biệt, 3 công ty này được nhận gas do Nhà máy Dinh Cố sản xuất với tỷ trọng lớn nhất và giá mua thấp hơn giá gas nhập khẩu.

Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có 3 nhà máy lọc dầu đi vào hoạt động với công suất chế biến dự kiến trên 15 triệu tấn dầu thô/năm, khi đó toàn bộ lượng gas tiêu thụ trong nước sẽ là hàng nội địa, lúc đó thị trường sẽ càng cạnh tranh dữ dội hơn.

Theo Công ty Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc, trên thị trường miền Bắc hiện có khoảng trên 30 hãng kinh doanh gas có thương hiệu bình gas dân dụng riêng và có 2 hãng chỉ kinh doanh gas công nghiệp. Có thể phân loại theo hình thức sở hữu và các chính sách cơ bản khi tham gia thị trường của các hãng, có 3 nhóm lớn như sau:

- Nhóm các doanh nghiệp nhà nước có các công ty lớn như: PV Gas North, Petrolimex...

- Nhóm các công ty liên doanh nước ngoài: tiêu biểu là Shell Gas, Total Gaz, Thanglong Gas, Đài Hải Gas...

- Nhóm các doanh nghiệp tư nhân và các công ty cổ phần: Giadinh Gas, Vinashin, Trần Hồng Quân.

Thị phần các hãng kinh doanh gas trên thị trường đã dần thay đổi, từ chỗ thị phần chủ yếu và các chính sách bán hàng được chi phối bởi nhóm các công ty lớn, tham gia thị trường từ những ngày đầu như Petrolimex, Shell Gas, Đài Hải Gas, Total Gas, Thanglong Gas và sau đó là PV Gas (ở miền Bắc).

Hiện nay, mặc dù về thị phần khối liên doanh và doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn chiếm trên 50%, song thị phần đã giảm đi so với 3-4 năm trước do các công ty tư nhân và cổ phần mới thành lập kinh doanh đạt tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 25-30%/năm, cá biệt có những công ty tăng trưởng gần gấp đôi), trong khi các công ty liên doanh và doanh nghiệp nhà nước gần như không tăng trưởng.

Các công ty tư nhân với cơ chế linh hoạt, bộ máy gọn nhẹ và tiết kiệm chi phí đến mức tối đa đã giảm bớt ảnh hưởng đáng kể của các doanh nghiệp nhà nước và công ty liên doanh.

Những rủi ro có thể đến

Nhà đầu tư mua cổ phần của các công ty kinh doanh gas có thể gặp nguy cơ và những rủi ro nào?

Thứ nhất là hoạt động kinh doanh gas thuần tuý là hoạt động thương mại nên hầu như không có nguyên liệu đầu vào mà chủ yếu là mua các sản phẩm đầu vào rồi bán cho người tiêu dùng. Do đó, doanh thu và lợi nhuận bị ảnh hưởng rất lớn từ giá mua đầu vào, bao gồm giá bán của Nhà máy gas Dinh Cố, giá gas nhập khẩu, chi phí vận chuyển và tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD.

Nhà máy Dinh Cố đã đạt công suất tối đa từ mấy năm qua trong khi nhu cầu tiêu thụ gas ở Việt Nam ngày càng tăng nên các công ty phải tăng lượng nhập khẩu gas với giá cao hơn giá mua từ Dinh Cố. Giá xăng dầu thế giới biến động liên tục sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh gas.

Thị trường gas ở Việt Nam cạnh tranh ngày càng khốc liệt với khoảng gần 100 công ty kinh doanh gas (chưa kể cửa hàng bán lẻ), trong đó 10 công ty lớn đang cạnh tranh trực diện với nhau, chưa kể đến sự cạnh tranh ngày càng tăng của những cơ sở sang chiết gas trái phép, kinh doanh gas không an toàn, gian lận trốn thuế.

Một rủi ro không nhỏ tiềm ẩn có thể đến với các công ty gas là rủi ro cháy nổ gây thiệt hại đến tài sản, kết quả kinh doanh và uy tín thương hiệu công ty. Việt Nam đã chính thức gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế lớn của khu vực và thế giới như: AFTA, WTO... do đó, Việt Nam sẽ phải mở cửa để chấp nhận các các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế vào hoạt động và các hãng kinh doanh gas cũng sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức.