12:29 07/12/2010

“Cần thắt chặt hơn chính sách tiền tệ”

Anh Quân

Điều quan trọng là cần ưu tiên đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát một cách hiệu quả

Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam CG 2010 - Ảnh: Anh Quân.
Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam CG 2010 - Ảnh: Anh Quân.
“Điều quan trọng là cần ưu tiên đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát một cách hiệu quả”, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam John Hendra đưa khuyến nghị đầu tiên đến Chính phủ, trong phiên thảo luận sáng 7/12 tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG).

Đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đã đạt được như tăng trưởng GDP năm 2010 dự kiến đạt khoảng 6,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.160 USD… tuy nhiên, nhiều bài phát biểu của đại diện nhà tài trợ tiếp tục lưu ý Việt Nam trước những thách thức hiện nay và khuyến nghị các giải pháp ổn định vĩ mô để đạt tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Thách thức từ yếu tố lòng tin

Tại bài phát biểu của mình, ông Masato Miyazaki, đại diện cho Vụ Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhìn nhận, Việt Nam đã tránh được sự suy giảm kinh tế do tác động từ cuộc khủng hoảng toàn cầu nhờ những biện pháp kích thích kinh tế mạnh và hiệu quả của Chính phủ. Tăng trưởng GDP thực đã vượt 7% trong quý 3/2010, được hỗ trợ bằng xuất khẩu đang mạnh lên và cầu trong nước lớn.

“Có nhiều khả năng, GDP sẽ tăng vượt mức dự báo của chúng tôi là 6,5% cho cả năm nay… Các dòng vốn FDI và chuyển tiền tư nhân vẫn mạnh, những luồng vốn này cùng với vốn ODA thừa sức tài trợ cho thâm hụt tài khoản vãng lai”, đại diện IMF cho biết.

Tuy nhiên, phía IMF cũng lưu ý những thách thức mà Chính phủ phải đương đầu như lạm phát chung đã tăng mạnh từ tháng 9, vượt quá 1% trong so sánh theo tháng, và có thể tăng lên mức hai con số trong năm nay.

Liên quan đến con số tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng cả năm ước khoảng 25-27%, được đưa trong báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, đại diện IMF cho rằng tăng trưởng tín dụng là quá cao đối với nền kinh tế.

Trong khi đó, thâm hụt thương mại đã tăng lên mức khoảng 1,3 tỷ USD trong tháng 11 và thâm hụt tài khoản vãng lai (không kể vàng) được dự báo ở mức dưới 7% GDP. Vị đại diện IMF nhìn nhận, đây vẫn còn là tỷ lệ rất lớn, do đó, dù dự trữ ngoại hối ổn định trong năm nay nhưng vẫn còn ở mức thấp, khoảng 1,8 tháng nhập khẩu tiềm năng, tính đến tháng 9/2010.

Phản ánh những biến động cục bộ về cung cầu ngoại tệ trên thị trường, kể từ mùa Hè năm nay, tỷ giá VND so với các ngoại tệ khác đã phải chịu áp lực mất giá liên tục. Mặc dù đã được phá giá gần 2,1% trong tháng 8 và các lãi suất chủ chốt tăng thêm 100 điểm cơ bản vào tháng 11, gần đây tỷ giá thị trường tự do đã nằm ngoài biên độ tỷ giá chính thức khoảng 10%, IMF lưu ý.

“Chúng tôi tin rằng sự bất ổn định trong các điều kiện kinh tế vĩ mô phần nhiều là do mất niềm tin của thị trường vào định hướng chính sách kinh tế tế vĩ mô”, đại diện IMF khẳng định.

Cần thắt chặt hơn chính sách tiền tệ

Theo IMF, những điều chỉnh chính sách chậm trễ nói chung thường đòi hỏi phải có các biện pháp hà khắc vào “phút cuối”. Việc này có thể dẫn đến sự gia tăng tính bất ổn và rủi ro đối với nền kinh tế. “Do vậy, chúng tôi tin rằng ưu tiên ngay lập tức là xử lý những rủi ro nảy sinh đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô, thông qua một gói những phản hồi chính sách có tính thuyết phục”.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của cộng đồng doanh nghiệp. Tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 2/12 vừa qua, ông Simon Andrew góp thêm ý kiến: “Doanh nghiệp cũng hối thúc Chính phủ cần rõ ràng và nhất quán hơn trong việc bình ổn kinh tế và thi hành chính sách tiền tệ nhằm duy trì lòng tin nhà đầu tư đối với đồng bản tệ và chính sách vĩ mô”.

Cụ thể hóa bằng 4 kiến nghị chính sách, IMF nhấn mạnh rằng Việt Nam cần thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để khôi phục lại một cách có trật tự các điều kiện thị trường ngoại hối và kiềm chế áp lực lạm phát.

“Chúng tôi ủng hộ sự thay đổi về chính sách tiền tệ mà các nhà chức trách đã công bố vào tháng 11”, ông Masato nói. Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý thêm, các lãi suất chính sách vẫn còn rất thấp để có thể ngăn chặn kỳ vọng mạnh mẽ của thị trường về sự giảm giá VND và lạm phát cao hơn.

Đại diện IMF cũng cho rằng, trong trung hạn, thị trường ngoại hối chỉ có thể ổn định nếu chính sách tiền tệ được tái định hướng nhằm đạt được một mức lạm phát gần hơn với trung bình khu vực ASEAN, khoảng 3-4%, thông qua việc xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn đáng kể so với các mức trong những năm gần đây.

“Chúng tôi tin là Chính phủ nên theo đuổi một gói gắn kết các biện pháp thắt chặt gồm có tăng lãi suất chính sách cao hơn nữa và củng cố ngân sách lớn hơn”, IMF đưa quan điểm.

Liên quan đến kiến nghị củng cố ngân sách, tổ chức này cho rằng Chính phủ cần giảm tỷ lệ nợ công trên GDP để nâng cao niềm tin và tạo không gian tài khóa, trong bối cảnh có sự lo ngại về các khoản dự phòng được bảo lãnh và ngầm được bảo lãnh.

Việc giảm hơn nữa thâm hụt ngân sách xuống dưới 5% GDP trong năm 2010 và xuống khoảng 3% vào năm 2015 sẽ giúp đảm bảo tỷ lệ nợ trên GDP đứng ở mức dưới 50%. Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ nên có các bước đi tiếp tục nhằm đạt được hiệu quả trong chi đầu tư, đồng thời với việc nâng cao chất lượng đầu tư, IMF khuyến nghị.

Trước lo ngại tín dụng tăng nhanh mấy năm gần đây có thể đã dẫn đến suy giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại, IMF cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục có các cuộc cải cách để đảm bảo hệ thống tài chính vững mạnh, hiệu quả và dựa trên nguyên tắc thị trường.

Liên quan đến kiến nghị này, phát biểu của ông Masato cũng lưu ý đến vị thế ngoại hối ròng của các ngân hàng thương mại, sự gia tăng phụ thuộc vào vốn ngoại, sự lành mạnh của các ngân hàng nhỏ trong môi trường cạnh tranh…

Về dài hạn, IMF khuyên Việt Nam nên tiếp tục bước theo hướng kinh tế thị trường. Khi nền kinh tế được thúc đẩy bởi các nguyên tắc thị trường cũng có nghĩa Chính phủ cần phải thay đổi cách thực thi chính sách, chuyển từ ra chỉ thị và kiểm soát sang các công cụ quản lý kinh tế gián tiếp.