Cần thiết lập tiêu chuẩn trong công nghệ thông minh để bảo vệ người dùng
Thị trường công nghệ châu Á-Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng trưởng đáng kể trong vài năm tới. Tuy nhiên, rủi ro và thách thức vẫn tồn tại bất chấp tiềm năng tươi sáng của cơ sở hạ tầng thông minh tại khu vực…
Cơ sở hạ tầng thông minh, kết hợp cơ sở hạ tầng vật lý truyền thống cùng hệ thống số, đã nhanh chóng đạt được sức hút tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Nhất là khi các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc đang chạy đua phát triển thành phố thông minh.
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA CÔNG NGHỆ
Theo Nikkei Asia, cơ sở hạ tầng thông minh phát triển mạnh mẽ ở châu Á một phần vì đây là nơi đặt trụ sở của một số công ty sáng tạo nhất thế giới. Các hệ thống này cho phép người dùng đưa ra những quyết định chính xác đồng thời sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, cho phép các công ty và nhà phát triển dự án tối ưu hóa công việc quản trị và giám sát các vấn đề ưu tiên, chẳng hạn như tính bền vững.
Quản trị bền vững có thể giúp các doanh nghiệp dễ dàng báo cáo và nhận biết tiến độ trong quá trình thực hiện kế hoạch. Với những lợi ích mà nó mang lại cho doanh nghiệp, khái niệm quản trị bền vững đang phát triển mạnh mẽ tại châu Á và trên toàn cầu.
Theo đó, các thành phố thông minh là một ví dụ về sự kết hợp giữa cơ sở hạ tầng thông minh và quản trị bền vững. Mô hình này cung cấp cho chính quyền thành phố các công cụ giải quyết tình trạng đô thị hóa, dân số gia tăng, thách thức biến đổi khí hậu và các mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng.
Công nghệ thông minh cho phép các thành phố tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện có đồng thời cũng thiết kế các dự án mới theo cách sáng suốt hơn. Cuối cùng, việc sử dụng chiến lược ứng dụng công nghệ để giải quyết những thách thức mà các thành phố phải đối mặt có thể giúp một môi trường sạch hơn và bền vững hơn.
Theo các nhà phân tích trong ngành, việc triển khai các ứng dụng thành phố thông minh có thể giảm phát thải khí nhà kính từ 10%-15%, giảm mức tiêu thụ nước từ 20%-30% và cắt giảm lượng chất thải rắn trên đầu người từ 10%-20%.
Sự tích hợp ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo, cảm biến, máy ảnh, máy bay không người lái và vệ tinh vào các dự án cơ sở hạ tầng đang mang lại khả năng kết nối và phân tích dữ liệu chưa từng có để hỗ trợ quản lý giao thông đường bộ, nhu cầu năng lượng và bảo trì hệ thống.
LỖ HỔNG TRONG QUY ĐỊNH VỀ CÔNG NGHỆ THÔNG MINH
Trong khi nhu cầu với các dự án về công nghệ tiếp tục mở rộng, các chính sách và quy định tại các quốc gia vẫn còn rời rạc và các nhà hoạch định chính sách đang chậm chạp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ thông minh.
Theo Nikkei Asia, mặc dù các quốc gia trong khu vực đã ban hành một loạt các luật và quy định liên quan đến quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu, nhưng nhìn chung những quy định này vẫn thiếu các yếu tố cần thiết để quản lý các kết nối và những yêu cầu của cơ sở hạ tầng thông minh trong tương lai.
Internet vạn vật đang quét sạch mọi dữ liệu cá nhân và thương mại với tốc độ chưa từng có. Tuy nhiên, người dùng lại không có sự bảo vệ rõ ràng liên quan đến quyền riêng tư và quyền sở hữu thông tin khi thiết lập luật, quy định và chính sách thể chế để quản lý việc sử dụng công nghệ thông minh.
THIẾT LẬP TIÊU CHUẨN CHO CÔNG NGHỆ THÔNG MINH
Để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của cơ sở hạ tầng thông minh, đồng thời đảm bảo các quyền và sự an toàn của xã hội được bảo vệ, các chính phủ châu Á cần đưa ra các quy tắc về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu mới cụ thể để điều chỉnh các hệ thống phức tạp này.
Ngược lại, các nhà tài chính nên đảm bảo các dự án cơ sở hạ tầng thông minh mà họ bảo trợ phải giải quyết thỏa đáng các vấn đề như quyền riêng tư và bảo mật thông tin, sự công bằng, hòa nhập và chống tham nhũng.
Các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu có thể đóng vai trò là các bên giám sát việc sử dụng công nghệ thông minh trong các dự án cơ sở hạ tầng mà họ tài trợ và thiết lập các tiêu chuẩn mới cho lĩnh vực này. Bằng cách này, các chính sách toàn diện có thể tạo cốt lõi cho quản trị bền vững.
Bất chấp những cạm bẫy tiềm ẩn, chính phủ và khu vực tư nhân ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy phát triển các thành phố và cơ sở hạ tầng thông minh, cả trong nước và Đông Nam Á.