10:28 26/11/2020

Cẩn trọng khi tự đắp lá chữa bong gân

Hoài Phương

ThS. Nguyễn Trung Dũng, Khoa Cơ Xương Khớp - bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, gần đây bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng phải phẫu thuật do điều trị bong gân sai cách.
Theo ThS Dũng, bong gân là cách gọi dân gian của tình trạng tổn thương dây chằng ở các khớp. Khi bị bong gân, người bệnh thấy vùng bong gân sưng và tím bầm. Đó là do có tình trạng chảy máu nơi vùng dây chằng bị đứt, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà máu sẽ chảy nhiều hay ít. Máu chảy ra làm sưng nề vùng khớp bị bong gân. Dấu bầm tím quanh khớp do máu tụ lại, vùng bong gân nóng lên và ấn đau. Và người dân thì quan niệm, đắp lá nóng, xoa mật gấu, xoa rượu hạt gấc sẽ… tan được máu tụ và bệnh sẽ khỏi.Nhưng việc dùng mật gấu, rượu, xoa cao vào nơi bị tổn thương là sai lầm nghiêm trọng vì dùng các chất nóng tác động tại chỗ không thể làm cho tan máu mà còn gây chảy máu mạnh hơn. Do đó, dùng mật gấu và các chất nóng có thể khiến máu tụ nhiều gây hoại tử, thậm chí gây teo cơ, cứng khớp sau này. Nhiều trường hợp, bệnh nhân vận động, không cố định dẫn đến đau dây chằng mạn tính, có dùng thuốc cũng không điều trị dứt điểm được, phải phẫu thuật để tạo hình lại dây chằng mới vận động được.
Cẩn trọng khi tự đắp lá chữa bong gân - Ảnh 1.
BS Dũng khuyến cáo, khi bị bong gân, quan trọng nhất là cần thực hiện bất động khớp bị tổn thương đủ thời gian để dây chằng phục hồi trở lại. Có thể bất động bằng dùng nẹp y tế, dùng băng chun ép nhưng tốt nhất là bất động bằng đắp bột mới đảm bảo được bất động tuyệt đối. Theo kinh nghiệm dân gian, bạn có thể dùng lá si, lá láng, lá cúc tần, ngải cứu... tất cả giã nhuyễn rồi đổ thêm chút dấm đun tới sôi, để nguội đắp cố định vào chỗ bong gân, ngày thay 1 lần.Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng với những trường hợp bong gân nhẹ, dây chằng chỉ bị giãn. Còn đối với trường hợp bong gân nặng, làm dây chằng đứt hoàn toàn, bong khớp,... thì phải chuyển đến bệnh viện chuyên khoa để được chăm sóc tốt nhất.
Thực tế là đắp lá trong điều trị các bệnh về xương khớp, cơ gân không toàn năng như những gì người ta hay tưởng tượng. Nhiều thầy lang hiện không có hoặc có rất ít kiến thức khoa học về giải phẫu cơ thể nên chỉ sờ nắn bên ngoài rồi chẩn đoán theo cảm giác chủ quan để đắp thuốc, bó lá cho người bệnh. Các loại lá mà họ dùng đắp cho bệnh nhân có tác dụng giảm sưng, đau nên người bệnh cảm thấy bớt khó chịu hơn là bó bột. Vì thế nhiều người nghĩ rằng đắp thuốc lá hiệu quả hơn phương pháp bó bột của Tây y.
Cẩn trọng khi tự đắp lá chữa bong gân - Ảnh 2.
Một trong các biến chứng đáng ngại nhất của việc tự ý đắp lá điều trị bong gân là loét da và nhiễm trùng. Trong bó lá, người ta sử dụng những phương pháp thủ công, phơi và sấy khô lá cây, tạo thành một thứ bột nhão đắp lên da. Phần hỗn hợp này không đảm bảo vô trùng. Chúng sẽ keo dính lên da và gây nhiễm vào vết thương. Đấy là chưa tính tới những thời điểm điều trị mà thời tiết nóng bức, sản phẩm hủy hoại của lá cây kết hợp với mồ hôi của cơ thể sẽ làm cho da hoại tử thứ phát.