09:17 09/09/2008

Cẩn trọng với tăng khung thuế xuất khẩu

Trà Giang

Việc tăng khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực cần được thảo luận kỹ

"Đối với gạo, đây là mặt hàng có biến động lớn về giá trong thời gian gần đây, tăng biểu khung thuế để đảm bảo an ninh lương thực là hợp lý. Tuy nhiên, việc tăng hơn 13 lần là quá lớn, khung thuế suất 0-40% đối với mặt hàng này là quá rộng".
"Đối với gạo, đây là mặt hàng có biến động lớn về giá trong thời gian gần đây, tăng biểu khung thuế để đảm bảo an ninh lương thực là hợp lý. Tuy nhiên, việc tăng hơn 13 lần là quá lớn, khung thuế suất 0-40% đối với mặt hàng này là quá rộng".
Việc tăng khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực cần được thảo luận kỹ.

Đó là quan điểm của ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xung quanh dự thảo nghị quyết về biểu khung sửa đổi, bổ sung thuế xuất khẩu mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến. Nếu được thông qua vào kỳ họp tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12, hiệu lực áp dụng biểu khung sửa đổi, bổ sung này là ngày 1/11/2008.

Theo dự thảo, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đều được tăng khung thuế suất, điều này có hợp lý không, thưa ông?

Đáng chú ý trong dự thảo biểu khung thuế xuất khẩu là các mặt hàng nông sản đều được nới khung thuế suất lên mức rất rộng. Đây là nhóm hàng hóa liên quan đến đời sống của số đông nông dân, vì vậy rất cần tính đến yếu tố cạnh tranh trên thị trường.

Mặt hàng gạo có khung thuế suất tăng mạnh nhất từ 0- 3% lên đến 0-40%, tăng mức trần hơn 13 lần, mặt hàng ngô tăng từ 0-3% lên 0- 10%, mặt hàng chè có mức thuế suất hiện hành 0-3% được nâng lên 0-5%, hạt điều tăng từ 0-4% lên 0-10%, cao su tự nhiên tăng từ 0-5% lên 5-20%.

Trong khi đó, chè là một mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam và có tính ổn định cao và lại là ngành có tỷ suất sinh lợi không cao. Ngô là mặt hàng hầu như chưa xuất khẩu được nhiều.

Đối với gạo, đây là mặt hàng có biến động lớn về giá trong thời gian gần đây, tăng biểu khung thuế để đảm bảo an ninh lương thực là hợp lý. Tuy nhiên, việc tăng hơn 13 lần là quá lớn, khung thuế suất 0-40% đối với mặt hàng này là quá rộng.

Riêng đối với cao su, cần xác định rõ chiến lược phát triển của ngành này. Nếu chiến lược được hoạch định là khuyến khích phát triển các sản phẩm làm từ cao su, có thể tăng thuế xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong trường hợp chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ, và chưa có điều kiện làm công nghiệp phụ trợ cho các sản phẩm cao su trong tương lai gần, không nên hạn chế xuất khẩu.

Nhóm mặt hàng kim loại màu, than, điện cũng đều tăng thuế, ông có đồng tình với khung thuế sửa đổi không?

Mặt hàng than các loại được tăng khung thuế suất từ 1-20% lên đến 5-45%, dầu thô tăng từ 2-20% lên đến 5- 50%, quặng kim loại khung thuế suất hiện hành từ 0-20% và 5-20% được kiến nghị điều chỉnh lên 5-40%, cát tự nhiên từ 0-20% tăng lên 5-30%.

Đây cũng là một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp đáng kể trong việc hạn chế tình trạng nhập siêu, đảm bảo cán cân thanh toán. Vì vậy, việc hạn chế xuất khẩu các mặt hàng này cũng cần dựa trên một bài toán thật cụ thể về lượng dự trữ tài nguyên quốc gia cần thiết.

Chính sách thuế có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung, việc sửa khung thuế suất nên được thực hiện trên nguyên tắc nào để đạt hiệu quả?

Việc xây dựng chính sách thuế cần căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế nói chung, chiến lược phát triển các ngành hàng nói riêng, không phải căn cứ vào tình huống cụ thể. Khung thuế suất cần đảm bảo tính ổn định để các doanh nghiệp hoạch định và thực thi được những dự án dài hơi.

Trong những tình huống đặc biệt, để đảm bảo mục tiêu dự phòng các biến động kinh tế, cần xác định rõ nguyên nhân của những biến động. Theo đó, các chính sách cụ thể sẽ được ban hành và giám sát chặt chẽ bởi Quốc hội. Về mặt thuế suất, khung thuế không nên quá rộng mà ở mức hợp lý để đảm bảo hiệu quả thực thi.

Ngoài ra, việc sửa đổi khung thuế suất và bổ sung đối tượng chịu thuế cần tính đến sự tác động đến các nhóm đối tượng có lợi ích tương đồng và đối lập.

Một nguyên tắc đáng chú ý, các quyết định được ban hành cần dựa trên cơ sở cụ thể, nghiên cứu và thảo luận kỹ càng, để có được sự đồng thuận của các đối tượng liên quan. Nếu không, mỗi nhóm đối tượng sẽ phản biện theo lợi ích và quan điểm riêng của mình. Kết quả là, vấn đề cần giải quyết có thể chỉ là câu chuyện “giật gấu vá vai”.