10:06 09/01/2007

Cạnh tranh nhân lực: Rủi ro mới của ngân hàng

Minh Đức

Sau khi cổ phần hóa xong, quỹ lương của Vietcombank có thể tăng gấp đôi để giữ chân người tài

Áp lực cạnh tranh nhân lực từ các ngân hàng ngoại rất lớn nhưng cũng không thể phủ nhận khả năng chấp nhận cuộc chơi của các ngân hàng nội - Ảnh: Việt
Áp lực cạnh tranh nhân lực từ các ngân hàng ngoại rất lớn nhưng cũng không thể phủ nhận khả năng chấp nhận cuộc chơi của các ngân hàng nội - Ảnh: Việt
Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) nói rằng sau khi cổ phần hóa xong, quỹ lương của ngân hàng có thể tăng gấp đôi để giữ chân người tài trước cuộc cạnh tranh nhân lực đang rất khốc liệt.

Mong muốn của ông Ngoạn cũng là mong muốn chung của lãnh đạo các ngân hàng, đặc biệt là khối quốc doanh. Nhưng cũng chính cuộc cạnh tranh này đang đẩy nhiều ngân hàng đứng trước rủi ro.

Chi phí nhân lực bị đẩy cao

Hiện tại, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam gồm 32 ngân hàng cổ phần, 5 ngân hàng quốc doanh, 5 ngân hàng liên doanh và 35 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đó là chưa kể đang có ít nhất 10 bộ hồ sơ xin thành lập ngân hàng mới, phần lớn trong đó là các ngân hàng ngoại. Vì vậy, chưa bao giờ nhu cầu nhân lực của ngành ngân hàng lớn như hiện nay.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) nói: “Sự cạnh tranh, lôi kéo nhân lực giữa các ngân hàng sẽ đẩy chi phí tiền lương, tiền công lao động của các ngân hàng bị đội lên, mặc dù chất lượng lao động có thể chưa tương xứng. Vì thiếu nguồn nhân lực, nhất là các ngân hàng mới ra buộc phải đẩy chi phí này lên, thậm chí sẽ dẫn đến sự cạnh tranh hỗn loạn trên thị trường nhân lực. Các ngân hàng thâm niên muốn giữ được người thì buộc phải nâng theo, ngân hàng mới không lấy được người thì lại tiếp tục đẩy cao”.

Vì vậy, theo ông Sơn, trong năm 2007, khó mà tìm được một mặt bằng lương chung giữa các ngân hàng. Đó là chưa kể sắp tới, các ngân hàng nước ngoài vào sẽ đẩy sự cạnh tranh này lên cao hơn. Và khi nguồn nhân lực hạn chế, phải cạnh tranh thì dễ dẫn tới rủi ro.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, doanh nghiệp Nhà nước, cơ chế tiền lương, ưu đãi lao động và nhân tài không thể thoáng như các ngân hàng cổ phần nên chảy máu chất xám rất dễ xẩy ra.

Căng thẳng khi vào WTO

Cuối năm 2006, đón đầu thuận lợi từ việc Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một số ngân hàng nước ngoài có ý định thành lập ngân hàng con tại Việt Nam đã có những hoạt động tiền trạm đáng chú ý. Nếu để ý, có thể thấy các suất học bổng dành cho sinh viên các trường đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng đều có sự tham gia của vốn ngoại.

Từ 1/4/2007, các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài được thành lập. Cầu nhân lực chất lượng cao đang và sẽ tăng nhanh. Và ngay lúc này, các ngân hàng trong nước đã phải gồng mình để đối phó; ngoài cơ chế tiền lương, thưởng, các ngân hàng đã và đang triển khai các kế hoạch phát hành cổ phiếu mới mà mục tiêu là trong phạm vi nội bộ để “trói” quyền lợi của nhân viên.

Ông Jonah Levey, Tổng giám đốc Vietnamwork.com/Navigos Group, cho rằng chế độ lương của các ngân hàng không chỉ được điều chỉnh mỗi năm mà có thể diễn ra nhiều đợt trong năm, khi mà một nhu cầu chỉ khoảng 5-7 vị trí cũng thường phải mất vài ba tháng mới có thể lấp đầy.

Đặc biệt khi vào WTO, khả năng đó càng trở nên khó khăn hơn từ những ngân hàng ngoại được thành lập mới cũng như nhiều ngân hàng chuyên ngành sẽ ra đời.

Chất xám chảy ngược

Áp lực cạnh tranh nhân lực từ các ngân hàng ngoại rất lớn, nhưng cũng không thể phủ nhận khả năng chấp nhận cuộc chơi của các ngân hàng nội. Với những vị trí quan trọng, với những nhân vật thực sự tài năng, họ sẵn sàng bỏ ra một chi phí lớn để thu hút về phía mình.

Mặt khác, môi trường làm việc của các ngân hàng trong nước cũng ngày một chuyên nghiệp và hiện đại, rút ngắn dần lực hấp dẫn của các ngân hàng ngoại. Điều đó giải thích vì sao có một dòng chảy ngược trên thị trường nhân lực hiện nay.

Ông Hàn Ngọc Vũ, một người đã có 9 năm gắn bó với các ngân hàng nước ngoài, đã quyết định chọn VIB Bank là điểm đến. Ông Vũ nói: "Tôi đã có ý định đầu quân cho một ngân hàng trong nước cách đây mấy năm rồi. Chính sự lớn mạnh và tính chuyên nghiệp của các ngân hàng nội là cơ sở để tôi quyết định. Tôi muốn đem kinh nghiệm đã học hỏi từ các ngân hàng nước ngoài để phục vụ cho VIB Bank và tôi tin là có được một môi trường thuận lợi để mình gửi gắm tâm huyết”.

Chị Nguyễn Hồng Lan sau 7 năm làm việc ở Mizuho Corporation, một định chế ngân hàng của Nhật Bản, cũng đã quyết định chọn một ngân hàng nội để phát triển sự nghiệp. Dù gia nhập WTO, cạnh tranh sẽ khốc liệt với các ngân hàng ngoại nhưng chị Lan vẫn tin tưởng rằng bản thân cũng như đơn vị mình đang phục vụ sẽ phát triển và có nhiều cơ hội mới.