09:16 11/12/2007

“Cao su Việt Nam vào Trung Quốc đã tăng vọt”

Hoa Minh

Chủ tịch Hiệp hội Cao su Trung Quốc nói nước này cần Việt Nam trở thành đối tác lâu dài cung cấp cao su thiên nhiên

"Từ năm 1995, số lượng cao su thiên nhiên Việt Nam xuất qua Trung Quốc là khá lớn và tăng vọt từ năm 2005 đến nay".
"Từ năm 1995, số lượng cao su thiên nhiên Việt Nam xuất qua Trung Quốc là khá lớn và tăng vọt từ năm 2005 đến nay".
Ngày 8/12, Hiệp hội Cao su Trung Quốc đã có cuộc gặp gỡ với Hiệp hội Cao su Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Ju Hong Zhen, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Trung Quốc.

Ông có nhận xét gì về ngành cao su Việt Nam?

Ngành cao su Việt Nam đạt tốc độ phát triển nhanh trong những năm gần đây. Diện tích trồng, sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu đều tăng. Việt Nam đã đứng hàng thứ 4 thế giới về xuất khẩu cao su, sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Từ năm 1995, số lượng cao su thiên nhiên Việt Nam xuất qua Trung Quốc là khá lớn và tăng vọt từ năm 2005 đến nay. Có thể nói, Trung Quốc là nước nhập khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam nhiều nhất trong tổng sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.

Vậy Hiệp hội Cao su Trung Quốc nhận định thế nào về cơ hội hợp tác giữa ngành cao su hai nước?

Nhu cầu cao su thiên nhiên của Trung Quốc là 1,7 triệu tấn/năm. Do diện tích trồng cao su còn hạn chế nên sản lượng trong nước không đáp ứng nổi nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chế biến cao su Trung Quốc. Chẳng hạn, chỉ tính riêng ngành sản xuất vỏ xe, dự kiến 45 nhà sản xuất năm nay đạt trên 300 triệu cái, xuất khẩu tăng 30%.

Nhu cầu cao su thiên nhiên Trung Quốc 9 tháng đầu năm nay tăng 25,22% so với năm ngoái và sẽ tăng thêm 15% vào cuối năm. Cao su nhập khẩu không dưới 70%. Vì vậy, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu cao su thiên nhiên từ các nước như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam...

Điều đó cho thấy, Trung Quốc cần Việt Nam trở thành đối tác lâu dài cung cấp cao su thiên nhiên. Năm 2008, công nghiệp cao su Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển hoàn thiện. Nhu cầu cao su thiên nhiên sẽ gia tăng đều đặn và chủ yếu là nhập khẩu.

Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ có nhu cầu mua cao su thiên nhiên của Việt Nam mà còn mong muốn được hỗ trợ về hóa chất, máy móc, thiết bị chuyên ngành phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến cao su Việt Nam. Chúng tôi rất quan tâm đến cao su tự nhiên của Việt Nam trong chuyến tham quan này.

Được biết, ngành cao su Việt Nam có hình thức gia công nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ. Chúng tôi hy vọng với mối quan hệ láng giềng, ngành cao su Trung Quốc và Việt Nam có thể hợp tác xây dựng nhà máy liên doanh sản xuất cao su phức hợp và các sản phẩm từ cao su thiên nhiên.

Trong đó, lợi thế Việt Nam là sẵn có nguồn nguyên liệu cao su dồi dào và ngành cao su Trung Quốc sẽ tư vấn về kỹ thuật cũng như cung cấp máy móc, thiết bị, hoá chất... để tạo ra những sản phẩm chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Kế hoạch xây nhà máy sản xuất tại Việt Nam có được đặt ra không, thưa ông?

Hiện tại trước mắt thì chúng tôi chưa có kế hoạch gì cụ thể. Trong chuyến giao lưu này, đoàn chúng tôi gồm đại diện 3 nhà máy sản xuất cao su và 4 doanh nghiệp kinh doanh cao su. Tôi biết nhiều doanh nghiệp cao su Trung Quốc không tham gia chuyến giao lưu này đang trông chờ những thông tin mà đoàn chúng tôi ghi nhận về cao su Việt Nam.

Nếu chính sách Việt Nam thuận lợi thì việc hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất cao su có thể tiến hành nhanh chóng. Nhà máy mới có thể có công suất 20.000-30.000 tấn/tháng.