10:07 02/12/2008

Câu chuyện "cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt Nam"

Xuân Thái - Ái Vân

"Một cuộc khủng hoảng thường tạo ra các cơ hội nhằm cải thiện nhanh hơn và vượt qua sức ì cản trở đổi mới"

Giáo sư Michael Porter.
Giáo sư Michael Porter.
"Một cuộc khủng hoảng thường tạo ra các cơ hội nhằm cải thiện nhanh hơn và vượt qua sức ì cản trở đổi mới. Việt Nam cần biến cuộc khủng hoảng toàn cầu này thành cơ hội giải quyết các yếu kém trong cạnh tranh của mình".

Giáo sư Michael E.Porter, nhà tư tưởng chiến lược bậc thầy và cũng là một trong những "bộ óc" quản trị vĩ đại nhất của thế giới (bình chọn của Thinkers 50 2005) đã khẳng định như vậy tại hội thảo quốc tế về kinh tế và kinh doanh với chủ đề "Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt Nam" diễn ra tại Tp.HCM ngày 1/12.

Hội thảo thu hút hơn 700 người tham dự là những nhà hoạch định chính sách vĩ mô, những nhà lãnh đạo cấp tỉnh/thành, các học giả, các nhà nghiên cứu kinh tế... của Việt Nam và từ các quốc gia trong khu vực và châu lục. Hội thảo do Học viện Doanh nhân và Giám đốc PACE tổ chức, với GS. Michael E.Porter là diễn giả chính của toàn bộ chương trình.

Những cải cách vẫn còn nhỏ lẻ

"Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân xuống sân bay Việt Nam là Việt Nam chưa phải bước vào khủng hoảng (như ở Mỹ, Nhật Bản...) hiện tại. Tuy nhiên, các bạn phải chấp nhận sự chậm lại của quá trình phát triển, và cũng phải làm chậm lại sự phát triển đó một cách chắc chắn hơn. Cần sử dụng thời kỳ "uể oải" này để cải thiện mình tốt hơn mà vào thời điểm khác sẽ khó lòng làm được, như thu mua, sáp nhập công ty, suy nghiệm lại những việc đã và chưa làm được trong thời gian qua", GS. Michael E. Porter chia sẻ.

Theo GS Michael Porter, Việt Nam đã có sự phát triển đầy ấn tượng trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên những cải cách vẫn chưa đủ mạnh để đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có thu nhập trung bình.

Trong vài năm tới, Việt Nam cần phải làm gì để có thể phát triển như mục tiêu đã đề ra? Theo GS. Michael  Porter, những cải cách của Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ và chưa chủ động.

Vì vậy, cần có một chiến lược kinh tế dài hạn để có thể nâng cao mức sống của người dân. Theo đó, một tập hợp các yếu tố có mối tương quan với nhau, gồm có: các đổi mới chính sách, cơ cấu thể chế và cơ chế thi hành chặt chẽ.

Cạnh tranh quốc gia không chỉ dựa vào Nhà nước

Vậy, Việt Nam đang đứng ở đâu trong nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu, và đâu là lợi thế của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh ấy?

GS. Porter dẫn nguồn của Economic Intelligence Unit (EIU) năm 2008, thì mức độ thịnh vượng của Việt Nam so với một số quốc gia (GDP bình quân đầu người theo cơ sở cân bằng sức mua - PPP): Mỹ xấp xỉ 45.000 USD, Ireland trên 40.000 USD, New Zealand 25.000 USD, Costa Rica 10.000 USD, Việt Nam khoảng 2.500 USD, cuối cùng là Nigieria, Bangladesh, Campuchia khoảng trên dưới 2.000 USD; nhưng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của GDP thực tế tính trên đầu người (2003-2007), thì: Mỹ 2%, Ireland gần 4%, New Zealand trên 2%, Costa Rica khoảng 4,5%, Việt Nam gần 7%.

Năng lực cạnh tranh của một quốc gia, theo GS. Porter, phụ thuộc vào năng suất sử dụng nguồn nhân lực, vốn và tài nguyên thiên nhiên của quốc gia đó.

Ông phân tích, năng suất quyết định mức sống bền vững. Sự thịnh vượng của một quốc gia không phụ thuộc vào việc quốc gia đó cạnh tranh trong những lĩnh vực nào, mà phụ thuộc vào việc cạnh tranh trong những lĩnh vực đó hiệu quả như thế nào. Năng suất của một nền kinh tế quốc gia có được từ sự kết hợp của các công ty trong nước và các công ty nước ngoài tại Việt Nam.

Vì vậy, không thể trông chờ vào việc Việt Nam phát triển thịnh vượng mà chỉ xem đó là trách nhiệm, hành động của Nhà nước, các chính sách vĩ mô của Nhà nước, mà vấn đề quan trọng, cốt lõi là tất cả các doanh nghiệp, công ty tư nhân cùng vào cuộc.

"Cạnh tranh quốc gia phải còn dựa vào cạnh tranh của khu vực tư nhân, của từng cá thể trong quốc gia. Ngoài ra, năng suất của các ngành sản xuất trong nước/nội địa cũng rất quan trọng để tạo dựng năng lực cạnh tranh, chứ không phải chỉ có xuất khẩu", ông nhấn mạnh.