09:31 28/01/2021

Cấy ghép giác mạc nhân tạo thành công cho bệnh nhân mù 10 năm

Hoài Phương

Một nhóm các bác sĩ và nhà nghiên cứu CorNeat - một công ty thiết bị y tế nhãn khoa của Israel- đã phát triển và cấy ghép cho bệnh nhân một loại giác mạc nhân tạo mới tích hợp trực tiếp vào thành mắt. Các thành viên của nhóm CorNeat đã thông báo trên trang web của họ về việc cấy ghép thành công thiết bị- được gọi là Kpro- cho một bệnh nhân nam 78 tuổi.
Đó là cụ ông Jamal Furani ở thành phố Haifa (Israel). Sau khi ghép giác mạc nhân tạo, cụ đã có thể đọc báo và nhận ra người thân, theo Times of Israel. Cụ Furani mắc bệnh phù nề giác mạc và một số bệnh khác khiến ông bị mù trong khoảng 10 năm nay. Cụ là một trong 10 bệnh nhân được đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm ghép giác mạc nhân tạo, diễn ra tại Bệnh viện Rabin Medical Center ở thành phố Petah Tikva (Israel).Ca phẫu thuật ghép giác mạc kéo dài gần 1 giờ, được thực hiện vào tháng 12.2020. Cụ Furani là người đầu tiên được ghép giác mạc loại này. Giác mạc nhân tạo được làm từ chất liệu xốp tổng hợp không bị phân hủy. Chất liệu này phù hợp để sản xuất giác mạc nhân tạo, thay thế cho giác mạc đã bị tổn thương hay biến dạng của bệnh nhân.
Cấy ghép giác mạc nhân tạo thành công cho bệnh nhân mù 10 năm - Ảnh 1.
Giác mạc là phần trước rõ ràng của mắt, bao phủ và bảo vệ mống mắt và đồng tử. Khi giác mạc bị hư không thể sửa chữa được do bệnh tật hoặc chấn thương, nó sẽ dẫn đến mù lòa. Điều trị hiện tại thường gồm việc cấy ghép giác mạc khỏe mạnh từ người hiến tặng. Nhưng số người hiến tặng ít hơn nhiều so với những người cần giác mạc mới. Ngoài ra, để phục vụ cho một ca ghép giác mạc như vậy thường liên quan đến nhu cầu mô người. Trong thời gian bắt đầu đại dịch COVID-19, cộng đồng nhãn khoa đã buộc phải tạm dừng tất cả việc thu thập mô cho các thủ thuật mắt, ảnh hưởng đến các cuộc phẫu thuật như cấy ghép giác mạc. Vì mô giác mạc thường được lấy từ những người hiến tặng đã qua đời trong nhà xác hoặc bên giường bệnh ngay sau khi bệnh nhân qua đời, nhiều bác sĩ nhãn khoa không muốn có nguy cơ nhiễm virus.Trong nỗ lực mới này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một loại giác mạc mới không yêu cầu sử dụng bất kỳ mô nào. Thay vào đó, là một "chiếc váy" được làm bằng vật liệu cho phép xâm nhập bởi nguyên bào sợi và collagen. Nhóm nghiên cứu tuyên bố có thể đạt được sự tích hợp hoàn toàn của "váy" giác mạc trong vòng vài tuần sau phẫu thuật.Giác mạc nhân tạo trông rất giống đĩa bay trong phim khoa học viễn tưởng. Nó có một phần giữa rõ ràng đóng vai trò như giác mạc; bao quanh phần rõ ràng là "váy trắng"- các nhà nghiên cứu chưa tiết lộ nó được làm bằng gì vì lý do bằng sáng chế. KPro đi kèm dưới dạng một bộ dụng cụ bao gồm giác mạc nhân tạo được bọc trong hộp bảo vệ và các công cụ mà bác sĩ phẫu thuật sẽ cần để cấy ghép giác mạc cho bệnh nhân. Quy trình bao gồm việc loại bỏ biểu mô bao phủ giác mạc, đánh dấu vị trí của giác mạc mới, loại bỏ giác mạc cũ và sau đó khâu giác mạc nhân tạo mới vào vị trí.
Cấy ghép giác mạc nhân tạo thành công cho bệnh nhân mù 10 năm - Ảnh 2.
Sau khi cấy ghép vào mắt, chất liệu đặc biệt này sẽ kết hợp với mô sống trong mắt bằng cách kích hoạt quá trình tăng sinh tế bào trong mắt. Một phần quá trình này được kích thích nhờ kỹ thuật hóa học ở quy mô nano. Sau khi tháo băng ở mắt, cụ ông Furani đã có thể nhìn thấy ánh sáng, công ty cho biết trong một tuyên bố chính thức hôm 11.1."Ca phẫu thuật cấy ghép giác mạc diễn ra suôn sẻ và kết quả đã vượt quá sự mong đợi của chúng tôi", giáo sư Irit Bahar, một trong những người thực hiện ca cấy ghép giác mạc, cho biết. Phương pháp ghép giác mạc nhân tạo này đang chờ cơ quan quản lý phê duyệt ở Mỹ, Pháp và Hà Lan.Với hơn 44.000 ca ghép giác mạc đang thực hiện tại Mỹ mỗi năm, cấy ghép giác mạc được cho là hoạt động y tế phổ biến nhất sau hiến máu.

(Theo Techtimes)