20:01 07/05/2007

CEO nào đắt giá nhất?

Giới đầu tư trên sàn chứng khoán ngưỡng mộ nhất là nhóm CEO “hai trong một” - những ông chủ - doanh nhân đích thực

(Từ phải qua) Ông Trần Lệ Nguyên - CEO của Công ty Cổ phần Kinh Đô (KDC), ông Trần Kim Thành - CEO của Công ty Cổ phần Kinh Đô miền Bắc (NKD) và ông Don Lam - CEO của Công ty Quản lý quĩ VinaCapital tại đại hội cổ đông của KDC ngày 12/4/2007 tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon.
(Từ phải qua) Ông Trần Lệ Nguyên - CEO của Công ty Cổ phần Kinh Đô (KDC), ông Trần Kim Thành - CEO của Công ty Cổ phần Kinh Đô miền Bắc (NKD) và ông Don Lam - CEO của Công ty Quản lý quĩ VinaCapital tại đại hội cổ đông của KDC ngày 12/4/2007 tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon.
Với các tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp, năng lực ban lãnh đạo của doanh nghiệp là một trong những yếu tố đầu tiên họ xem xét trước khi ra quyết định đầu tư.

Nếu làm theo họ, nhìn vào gần 200 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn Tp.HCM và Hà Nội, bạn sẽ đầu tư vào doanh nghiệp nào đây? Những “thuyền trưởng” nào sẽ lọt vào danh sách “tuyển” của bạn?

Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) vừa làm một “cuộc cách mạng” về lương cho Tổng giám đốc (CEO) Nguyễn Thị Mai Thanh. Tất cả cổ đông tham dự đại hội đồng cổ đông của REE cuối tháng ba đã biểu quyết mức lương của bà Mai Thanh tăng từ 48 triệu đồng/tháng năm 2006 lên 100 triệu đồng trong năm nay.

CEO “thoát thai”

Các cổ đông của REE gọi đó là “cuộc cách mạng” vì khoản lương của bà Thanh trong ba năm qua gần như không thay đổi (theo hợp đồng lao động được ký kết từ ngày 1/1/2004, lương của bà Mai Thanh là 48 triệu đồng/tháng), nay bỗng “nhảy” lên hơn gấp đôi. Một cán bộ của REE nhận xét: “Lương của chị Mai Thanh tăng cao như vậy cũng là điều dễ hiểu vì con số này phải tương ứng với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm của REE”.

Một chuyên gia về nhân sự cho biết mức lương của giới CEO trên sàn chứng khoán không nằm ngoài mặt bằng chung với thị trường nhân sự cấp cao vốn đang khát nhân tài. Tuy nhiên, mức lương chỉ là “phần nổi” trong khoản thu nhập của các CEO, vì động lực chính để giữ họ gắn bó với các doanh nghiệp niêm yết chính là số cổ phần sở hữu riêng của họ (và các thành viên khác trong gia đình) liên tục được nhân lên sau mỗi đợt các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành mới để tăng vốn.

Ngoài ra, chính những khoản thưởng cao được tính trên phần trăm lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng là chiêu giữ người của các doanh nghiệp niêm yết ở thời điểm hiện tại.

Bà Thanh là một trong những CEO trên sàn niêm yết thuộc nhóm các cán bộ nhà nước “thoát thai” trở thành doanh nhân (bất đắc dĩ). Nằm trong số này còn có bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk; ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh; bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dược Hậu Giang...

Điểm chung của những “thuyền trưởng” này là sau cổ phần hóa được tín nhiệm giao làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sự thích ứng nhanh với môi trường làm việc mới của họ cũng được giới đầu tư đánh giá cao.

Tổng giám đốc một công ty quản lý quĩ kể: “Tôi thích cách làm việc hết mình của chị Mai Thanh. Có lần quĩ của tôi sắp phát hành thêm chứng chỉ quĩ, hơn 10 giờ đêm rồi mà chị còn gọi điện hỏi về phương thức phát hành sắp tới để REE có thể tham gia. Tôi biết chị Thanh đâu “thiếu thốn” gì mà phải nhọc công như vậy, nhưng doanh nhân là vậy, đầu óc không lúc nào rời khỏi những toan tính cho lợi ích của công ty”.

Tuy nhiên, nhiều cổ đông cũng đã bắt đầu đặt câu hỏi rằng chế độ “trị vì” của các CEO xuất thân từ cán bộ nhà nước này quá lâu, liệu có phải là điều “may mắn” cho doanh nghiệp? Vì theo các chuyên gia về nhân sự, một người ngồi quá lâu ở một vị trí sẽ cảm thấy thỏa mãn, ý tưởng mới không còn nhiều và sức ỳ xuất hiện.

Vừa qua, giới đầu tư cũng đã ghi nhận bà Mai Thanh đang có những bước chuẩn bị cho sự rút lui của mình bằng việc bỏ những lá phiếu quan trọng để con trai bà đặt chân vào HĐQT của REE trong kỳ đại hội cổ đông vừa qua.

“Hai trong một”

Giới đầu tư trên sàn chứng khoán ngưỡng mộ nhất là nhóm CEO “hai trong một” - những ông chủ - doanh nhân đích thực, những người được xem là “giàu” nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam tính trên khối lượng và giá trị cổ phiếu sở hữu.

Có thể kể đến những tên tuổi như Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên của hệ thống Kinh Đô, Trương Gia Bình (FPT), Đặng Thành Tâm (ITACO), Lê Văn Quang (thủy sản Minh Phú), Nguyễn Duy Hưng (SSI)... Có thể nói lương không còn là yếu tố quan trọng đối với những CEO này vì họ chính là những cổ đông lớn nhất của công ty, làm việc cho công ty cũng là làm việc cho chính mình.

Phần đông trong số này đi lên từ công ty gia đình, khi quyết định thu hút vốn bên ngoài họ phải học cách chia sẻ quyền lực và tiếp thu các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại để tồn tại trong một doanh nghiệp với qui mô phát triển ngày càng lớn. Nhiều lớp học về CEO cũng đã ghi dấu chân ông Trần Kim Thành như một trong những thành viên tích cực nhất. Ông Thành cũng từng phát biểu: “Tôi tin vào khả năng tự học không mệt mỏi của mình”.

Ông Đặng Thành Tâm, người vừa từ nhiệm chức CEO của Itaco để nhận nhiệm vụ mới tại Khu công nghệ cao Tp.HCM do UBND thành phố giao, cũng là một điển hình về việc “học không ngừng” trong giới CEO. Nhưng ít ai biết một trong những khả năng lớn nhất của ông Tâm là... viết dự án. Những dự án hàng nghìn trang giấy luôn có sức hấp dẫn lớn đối với ông, kể từ ngày đầu ông chấp những dòng đầu tiên cho dự án thành lập Khu công nghiệp Tân Tạo.

Ông Tâm cũng là người sử dụng tiếng Anh lưu loát, có thể tiếp xúc thảo luận với các đối tác nước ngoài mà không cần đến phiên dịch. Ông cũng là một luật gia “ẩn danh” vì nắm rành rẽ cả pháp luật về kinh tế của Việt Nam lẫn quốc tế. Trong những lần đi công tác nước ngoài, ông Tâm vừa là một CEO vừa là một phiên dịch, vừa là một luật sư, tức ông có thể ra quyết định rất nhanh mà không cần phải mất nhiều thời gian tìm lời tư vấn từ bên ngoài.

Những người chuyên nghiệp

Mặc dù không “bạc đãi” lớp CEO cũ, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn đang trông chờ một lớp doanh nhân mới, trẻ, những người sẽ thổi nhiều luồng gió lạ và mạnh mẽ vào các doanh nghiệp niêm yết thời hội nhập nhờ khả năng bắt kịp với nhịp độ phát triển của thế giới.

Đó là những CEO chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, từng được tôi luyện trong môi trường làm việc yêu cầu cao của các tổ chức nước ngoài.

Bà Phan Bích Vân, CEO của Sacombank, là một ví dụ trong số này. Bà Vân từng làm việc cho Công ty Tài chính Quốc tế - IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới), học MBA tại Mỹ theo học bổng Fulbright trước khi về với Sacombank. Trong vai trò đại diện cho Sacombank trong những cuộc hội thảo quốc tế ở nước ngoài (mới nhất là hội nghị thường niên lần 11 về đầu tư chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở New York), bà Vân đã chinh phục cử tọa bằng sự duyên dáng và tự tin, tạo nên cái nhìn thiện cảm của giới đầu tư quốc tế về hình ảnh những CEO trẻ, tài năng và chuyên nghiệp của Việt Nam.

Theo đánh giá của giới đầu tư, trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, hai CEO được xem là “đắt giá” nhất dựa trên thu nhập hằng năm và khả năng thành công trong các thương vụ đầu tư là ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital, và ông Dominic Scriven, Giám đốc Dragon Capital.

Ông Don Lam tốt nghiệp Trường đại học Toronto (Canada) hai chuyên ngành thương mại và chính trị năm 1990. Ông từng là phó tổng giám đốc của PricewaterhouseCoopers Việt Nam phụ trách tư vấn tài chính doanh nghiệp và tư vấn quản lý. Trước đó, ông là giám đốc phụ trách khối doanh nghiệp tại Ngân hàng Deustche Việt Nam.

Ông Dominic Scriven tốt nghiệp loại ưu về luật và xã hội học tại Trường Exeter (Anh). Ông Dominic đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, trong đó 13 năm tại châu Á, đặc biệt là tại Hồng Kông và Việt Nam. Ông đã từng làm việc cho M&G Investment Management, Công ty Sun Hung Kai & Co và Ngân hàng đầu tư Citicorp.