15:27 25/05/2023

CEO Nvidia cảnh báo Mỹ sẽ "thiệt hại to lớn" nếu cuộc chiến chip Trung Quốc leo thang

Bảo Bình

CEO Jensen Huang của Nvidia cho biết Hoa Kỳ không có "trường hợp dự phòng" nếu mất thị trường chip Trung Quốc...

Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang cảnh báo các nhà lập pháp nên suy nghĩ kỹ về các lệnh cấm công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc
Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang cảnh báo các nhà lập pháp nên suy nghĩ kỹ về các lệnh cấm công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang cho biết ông đã nhìn thấy khả năng các công ty Mỹ sẽ bị “thiệt hại to lớn” nếu cuộc chiến chip với Trung Quốc leo thang.

"KHÔNG CÓ THÊM MỘT TRUNG QUỐC NÀO KHÁC, CHỈ CÓ MỘT TRUNG QUỐC NÀY THÔI”

Ông đã đưa ra những bình luận trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Financial Times, cảnh báo các nhà lập pháp hãy suy nghĩ về tác động của những chính sách hạn chế thương mại hơn nữa giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Nếu chúng tôi bị tước mất quyền tiếp cận đến thị trường Trung Quốc, chúng tôi sẽ không có phương án dự phòng cho tình thế đó. Không có thêm một Trung Quốc nào khác, chỉ có một Trung Quốc này thôi”.

Theo quan điểm của Huang, Hoa Kỳ sẽ “bơi trong thảm cảnh thiếu chip trầm trọng”, nếu công ty mất thị trường Trung Quốc, điều này sẽ khiến công suất của họ giảm 1/3. Ông nói về các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ: “Không suy nghĩ thấu đáo về các quy định, chính phủ sẽ gây tổn hại cho ngành công nghệ”.

Hiện nay, mối đe dọa Trung Quốc sẽ chuyển sang tự chế tạo nhiều chip hơn nếu không thể mua từ các công ty Mỹ đang dần hiện diện. Theo báo cáo, các công ty ở Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất chip, thách thức Nvidia.

“Nếu Trung Quốc không thể mua chip từ . . . Hoa Kỳ, họ sẽ tự xây dựng chip”, ông nói. “Vì vậy, Mỹ phải cẩn thận. Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với ngành công nghệ”.

Những quan điểm trên được lãnh đạo Nvidia đưa ra ngay trước khi các nhà quản lý Trung Quốc công bố kết quả đánh giá an ninh mạng đối với Micron Technology Inc. Micron đã thất bại trong cuộc đối soát, kiểm tra của chính quyền và Trung Quốc đã ra lệnh cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng trong nước ngừng sử dụng các sản phẩm của công ty.

CHIẾN TRANH CHIP GIỮA MỸ VÀ TRUNG QUỐC ĐANG DIỄN RA CĂNG THẲNG

Bản thân Nvidia đã bị ảnh hưởng bởi hậu quả của cuộc chiến chip, khi vào tháng 8, chính phủ Hoa Kỳ áp đặt yêu cầu giấy phép mới đối với các mặt hàng xuất khẩu trong tương lai sang Trung Quốc và Hồng Kông, điều này sẽ ảnh hưởng đến các mạch tích hợp A100 và H100 của công ty. Động thái này đã hạn chế hiệu quả hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu của Nvidia tại Trung Quốc.

Huang có thể chia sẻ nhiều hơn về cuộc chiến chip Trung Quốc vì Nvidia sắp báo cáo kết quả tài chính quý đầu tiên của mình. Các nhà đầu tư sẽ tập trung cao độ vào các cơ hội phía trước của Nvidia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Cổ phiếu của nhà sản xuất chip đã tăng 110% cho đến nay vào năm 2023, với sự phục hồi một phần nhờ sự lạc quan về AI và vai trò của Nvidia trong việc giúp các công ty đào tạo các ứng dụng AI.

Micron là nạn nhân mới nhất của cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc.  Trung Quốc đã ra lệnh cho các công ty trong nước không được mua hàng của Micron
Micron là nạn nhân mới nhất của cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc.  Trung Quốc đã ra lệnh cho các công ty trong nước không được mua hàng của Micron

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn ra dai dẳng cả một thời gian dài và căng thẳng ngày càng tăng đối với thị trường chip, một linh kiện quan trọng trong các công trình công nghệ mới gần đây, điển hình như các nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Trong trường hợp của Micron, cổ phiếu của công ty đã giảm 4% trong giao dịch sau khi Trung Quốc đưa ra thông tin “cấm cửa” Micron, ngay cả khi Phố Wall vẫn chưa xác định rõ tác động trong tương lai của đợt đánh giá an ninh mạng không thành công của Micron đối với Trung Quốc trong hoạt động kinh doanh của công ty chip.

Trong khi đó, các đối thủ châu Á của Micron đã kết thúc một ngày với kết quả tốt hơn. Cổ phiếu của nhà sản xuất chip bộ nhớ Trung Quốc Ingenic Semiconductor tăng 2,8%, còn cổ phiếu của công ty công nghệ Techwinsemi Thâm Quyến tăng 6,3%; Toyou Feiji Electronics tăng 14%. Tại Seoul, SK Hynix, một trong những nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, tăng 0,9%, vượt trội so với thị trường Hàn Quốc.

Bản thân nhà sản xuất chip của Mỹ Micron cho biết lệnh cấm bán cho các công ty Trung Quốc làm việc trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng có thể khiến hãng này phải trả giá bằng một tỷ lệ phần trăm "cao một chữ số" trong doanh thu hàng năm.

Micron đã tiết lộ trong một hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch rằng công ty đang “đánh giá phần nào doanh số bán hàng có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm liên quan đến 'cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng'", đồng thời lưu ý rằng giám đốc tài chính của họ sẽ chia sẻ nhiều hơn.