CEO Vietjet: “Chúng tôi muốn được đối xử bình đẳng”
Bà Thảo mong muốn doanh nghiệp của mình được đối xử công bằng
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo đã có chia sẻ trong phiên thảo luận: "Phát triển kinh tế tư nhân, củng cố liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài" tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 diễn ra ngày 17/1.
Trong những năm qua ngành hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh đạt 15 - 16% mỗi năm, điều này đã kéo theo sự tăng trưởng tốt cho kinh tế Việt Nam. Cứ 1% tăng trưởng của hàng không thì đồng hành kéo theo 0,5% tăng trưởng GDP.
"Dù là doanh nghiệp vận hành đến 80 tàu bay, vận chuyển khoảng 1 nửa lượng khách của ngành hàng không Việt Nam, nhưng toàn bộ cơ sở, mặt đất, suất ăn, nhà ga, sân bay Vietjet Air hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống độc quyền tự nhiên của Nhà nước.
Chúng tôi nói đùa là tư nhân chúng tôi không tấc đất cắm dùi tại các sân bay mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực đầu tư khẩn trương, chất lượng, hiệu quả và không dùng một đồng vốn ngân sách", vị doanh nhân nói và đề xuất Chính phủ cần có chính sách khai thác tốt để khu vực tư nhân phát huy bao gồm hạ tầng hàng không, sân bay… tận dụng tốt cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất trên toàn xã hội.
Đồng thời bà Thảo kiến nghị, Chính phủ Việt Nam nên cải thiện tốc độ tái cơ cấu cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và ngành ngân hàng nhằm giảm các tiêu cực mà khu vực này đang tác động vào kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, nữ CEO Vietjet Air mong muốn được đối xử bình đẳng, công bằng hướng tới xây dựng những tập đoàn tư nhân đầu tàu trong chuỗi công nghiệp phụ trợ và niềm tin cho doanh nhân khởi nghiệp, mang thương hiệu quốc gia như thương hiệu của các nước khác như Samsung, Toyota, Alibaba…
Nói về liên tiếp 7 sự cố bay của hãng trong thời gian gần đây, Vietjet Air là doanh nghiệp có chứng chỉ an toàn khai thác quốc tế, có chỉ số doanh nghiệp hàng không dẫn đầu toàn ngành và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khi một sự cố xảy ra với cả hai hãng hàng không tại một sân bay nhưng ứng xử đối với doanh nghiệp tư nhân và một doanh nghiệp Nhà nước lại khác nhau.
"Hai hãng hàng không cùng bị sự cố đáp xuống sân bay Cam Ranh như nhau, cách nhau 4-5 tháng, nhưng chúng ta thấy giữa doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước bị phản ứng khác nhau. Chúng tôi biết có sự kỳ vọng vào tư nhân là lớn hơn hoặc là sự ứng xử quan tâm đến chúng tôi. Song chúng tôi cũng mong muốn có sự tin tưởng, công bằng hơn những gì đã làm được", nữ doanh nhân nói.
Bà Thảo cũng nhận định, trong thế giới hội nhập, mở cửa, Việt Nam cần có những quy định mở cửa cho cán bộ cũng như chuyên gia nước ngoài làm việc cho đất nước. Các quy định làm việc cho người nước ngoài ở Việt Nam đã cũ, không còn phù hợp với hiện đại.
"Chúng ta có người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và vì Việt Nam không ngừng nghỉ, chúng ta cần họ sống ở Việt Nam chứ không phải chỉ cấp cho họ cái visa công tác ngắn ngày. Chúng tôi đề nghị cần tháo gỡ thủ tục visa cho người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng thông thoáng hơn", bà Thảo nói.
Với khu vực kinh tế tư nhân, bà Thảo cho biết Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng nhờ vào lĩnh vực kinh tế tư nhân và người dân. Việt Nam trong thời gian qua đã chứng kiến sự đóng góp của những đầu tàu kinh tế tư nhân, đây cũng là khu vực tích cực, năng động trong một quốc gia khởi nghiệp.
"Chính phủ đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, trong sạch, một Chính phủ hành động với những động thái cởi trói về thể chế, kinh tế để kinh tế tư nhân phát triển hành động. Tinh thần đổi mới sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng của nền kinh tế, đóng góp cơ hội và xu hướng tích cực trong giai đoạn biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới", CEO Vietjet nhấn mạnh.
Khu vực kinh tế tư nhân tạo ra hơn 1,2 triệu việc làm. Hiện nền kinh tế có hơn 750.000 doanh nghiệp tư nhân, đóng góp tới 43% GDP. Trong lĩnh vực dịch vụ, cung cấp tới 85% GDP.