12:02 09/12/2015

Cha đẻ Flappy Bird được xem là “không dễ quản lý” về thuế

Lê Trà

Phó trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa - Tổng cục Thuế nói về quản lý thuế với kinh doanh thương mại điện tử

Nguyễn Hà Đông, tác giả trò chơi Flappy Bird, được ông Nguyễn Quang Tiến cho biết đã kê khai nộp thuế với số tiền hơn 1 tỷ đồng.<br>
Nguyễn Hà Đông, tác giả trò chơi Flappy Bird, được ông Nguyễn Quang Tiến cho biết đã kê khai nộp thuế với số tiền hơn 1 tỷ đồng.<br>
Trao đổi với báo chí ngày 8/12, ông Nguyễn Quang Tiến, Phó trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa - Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, quản lý thuế với kinh doanh thương mại điện tử đang vấn đề đầy thách thức, song đây là lĩnh vực không thể ngoài tầm quản lý.

Ông nói:

- Thời gian qua, chúng tôi cũng đã từng gặp một số trường hợp không dễ quản lý. Đó là trường hợp của Nguyễn Hà Đông với trò chơi Flappy Bird, và trường hợp kinh doanh tiền ảo của một cá nhân có doanh số lên đến 170 tỷ đồng.

Vấn đề đặt ra là thu thuế như thế nào trong khi nền tảng pháp lý chưa công nhận tiền kỹ thuật số là một tài sản nhưng phương thức hoạt động lại là ngành nghề pháp luật không cấm. Đây là những trường hợp rất khó khăn, nhưng ngành thuế không thể không quản lý.

Với trường hợp kinh doanh tiền ảo, cơ quan công an từng trao đổi với chúng tôi về khả năng khởi tố trường hợp này. Song theo chúng tôi, đây là hoạt động kinh doanh hợp pháp, vấn đề là họ nhận thức chính sách thuế như thế nào để kê khai đúng loại hình kinh doanh. Điều này cần có sự hướng dẫn từ cơ quan thuế. Do đó, rất cần nhìn nhận khách quan về kinh doanh thương mại điện tử và nên ưu tiên phát triển lĩnh vực này.

Về trường hợp Nguyễn Hà Đông, hiện tại, anh Đông đã kê khai nộp thuế với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Chúng tôi cũng đang trao đổi với các bộ ngành để xác định rõ về loại hình kinh doanh này.

Đây là khó khăn chung

Loại hình kinh doanh thương mại điện tử đã bùng phát mạnh mẽ thời gian qua. Ngành thuế gặp những thách thức gì trong công tác quản lý thuế với lĩnh vực này?

Việt Nam là nước có dân số trẻ, với hơn 40% người sử dụng Internet trong tổng số 92 triệu dân. Điều này có nghĩa là tiềm năng phát triển của thị trường thương mại điện tử là rất lớn với những phương thức giao dịch đa dạng, tất cả các loại hình dịch vụ và sản phẩm trực tuyến đều đã phát triển ở Việt Nam.

Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn nhận thức đây là lĩnh vực khó, không chỉ đòi hỏi sự chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở pháp lý mà còn phải có nguồn nhân lực đủ năng lực. Theo đó, mỗi cán bộ quản lý thuế phải có ngoại ngữ, am hiểu công nghệ thông tin và quyết tâm dành thời gian và công sức cho công tác này.

Bởi khác với các loại hình giao dịch kinh tế khác, nếu cơ quan thuế chậm trễ, các giao dịch thương mại điện tử có thể bị xóa dẫn đến mất dấu vết.

Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, các website giao dịch thuộc các máy chủ đặt ở nước ngoài và các pháp nhân đăng ký ở những nước chưa ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam, hoặc đăng ký ở các vùng thiên đường thuế hoặc tại những nước Việt Nam khó trao đổi thông tin với ngành thuế nước họ.

Đây là khó khăn chung của ngành thuế các nước trên thế giới, không chỉ của Việt Nam.

Khó nhưng vẫn phải quyết tâm

Đến thời điểm này, ngành thuế đã chuẩn bị gì để quản lý hiệu quả với thương mại điện tử?


Từ năm 2012, ngành thuế Việt Nam đã nghiên cứu về các thách thức trong thời đại kinh tế số.

Có điểm thuận lợi là các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) đã có chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận với 15 “pha” hành động. Đây cũng là cơ sở dữ liệu để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm.

Đồng thời, chúng tôi đã được sự hỗ trợ từ một số bộ ngành, chẳng hạn, việc ra đời Thông tư 47/2014/TT-BTC ngày 5/12/2014 về quản lý website thương mại điện tử, Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

Bên cạnh đó, ngành thuế đã thành lập bộ phận nghiên cứu chuyên về lĩnh vực này.

Dù khó nhưng vẫn phải quyết tâm. Bên cạnh việc nâng cao cơ sở pháp lý trong lĩnh vực này, chất lượng nguồn nhân lực ngành thuế, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của các bộ ngành và các cơ quan có liên quan.

Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nhanh chóng xác định rõ các loại hình kinh tế kinh doanh với những phân ngành cụ thể, tạo cơ sở dữ liệu để phân tích đánh giá phục vụ công tác quản lý thuế.

Bộ Thông tin và Truyền thông là nơi đầu tiên cấp giấy phép hoạt động với các website sẽ hỗ trợ chúng tôi trong việc trao đổi, quản lý bởi vì đây là cơ quan đầu tiên cấp phép cho một website hoạt động.

Chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ từ cả Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan cấp phép các dịch vụ về cổng thanh toán, cung cấp dịch vụ hạ tầng thanh toán, hỗ trợ thanh toán.

Chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý trong lĩnh vực này, trong đó, quản lý rủi ro theo định hướng khuyến khích người nộp thuế tự khai tự nộp và phạt nặng khi phát hiện sai phạm là biện pháp được chú trọng.