10:32 13/03/2008

Chấm điểm ngân hàng cổ phần như thế nào?

Minh Đức

Chất lượng các ngân hàng thương mại cổ phần được chấm theo các thang điểm cụ thể, ngay cả nội bộ lục đục cũng bị trừ điểm

Trên cơ sở thang điểm và các tiêu chí cụ thể, hàng năm các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tự đánh giá xếp loại và gửi về Ngân hàng Nhà nước.
Trên cơ sở thang điểm và các tiêu chí cụ thể, hàng năm các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tự đánh giá xếp loại và gửi về Ngân hàng Nhà nước.
Chất lượng các ngân hàng thương mại cổ phần được chấm theo các thang điểm cụ thể, ngay cả nội bộ lục đục cũng bị trừ điểm…

Ngày 12/3, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn đã ký Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN ban hành Quy chế xếp loại ngân hàng thương mại cổ phần.

8 tiêu chí

Quy chế trên đề ra một “ba-rem” các tiêu chí và mức điểm để chấm các ngân hàng thương mại cổ phần. Kết quả chung sẽ là một thước đo về hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính và cả hình ảnh về mỗi thành viên.

Quy chế trên đưa ra 8 tiêu chí chấm điểm, gồm: Vốn tự có, Chất lượng tài sản (gồm cả nợ xấu), Chất lượng các khoản đầu tư, Cơ cấu tài sản có nội bảng, Chất lượng các khoản cam kết ngoại bảng, Năng lực quản trị, Kết quả hoạt động kinh doanh và Khả năng thanh khoản.

Căn theo tiêu chí, những ngân hàng không đảm bảo an toàn vốn (tối thiểu 8%) sẽ bị trừ tới 8 điểm; vốn điều lệ không đủ vốn pháp định cũng bị trừ điểm.

Ngay cả việc tăng vốn không hiệu quả vẫn có thể bị trừ.

Với các ngân hàng có nợ xấu trên 3% đến 5% sẽ bị trừ 10 điểm; nếu để vượt trên 5% đến 10% bị trừ tới 15 điểm. Trường hợp nợ xấu trên 10% có thể bị trừ tới 25 điểm.

Điểm đáng chú ý là Ngân hàng Nhà nước cũng đưa chất lượng của các khoản đầu tư chứng khoán của các thành viên vào bảng chấm điểm. Trường hợp có tỷ lệ dự phòng giảm giá chứng khoán trên tổng số dư các khoản đầu tư trên bảng cân đối kế toán không lớn hơn 1% có thể đạt tối đa 5 điểm, hoặc ngược lại.

Trường hợp ngân hàng nào có bộ máy kiểm tra, kiểm toán nội bộ yếu kém, ngay cả nội bộ quản trị mất đoàn kết… cũng bị trừ từ 3 – 6 điểm. Riêng trường hợp đang bị đặt trong diện bị kiểm soát đặc biệt sẽ lĩnh 0 điểm cho tiêu chí quản trị.

Trong tiêu chí kinh doanh, ngoài mức điểm cao dành cho các tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận cao, Ngân hàng Nhà nước khá ưu ái cho những trường hợp có thu dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn. Ngân hàng nào có tỷ lệ thu dịch vụ ít nhất từ 8% trở lên trong tổng thu nhập mới được điểm cao…

1 đánh giá

Theo các tiêu chí và mức điểm cộng hoặc trừ, tổng điểm sẽ mang lại kết quả chung để Ngân hàng Nhà nước đánh giá và xếp loại các thành viên. Đây cũng là kết quả để bản thân mỗi ngân hàng “ngắm” lại mình và để khách hàng, đối tác nhìn vào.

Quy chế trên xác định có 4 hạng đánh giá các ngân hàng thương mại cổ phần theo các mốc điểm đã chấm, gồm A, B, C và D.

Ngân hàng được xếp loại A phải có tổng điểm số đạt từ 80 điểm trở lên và có điểm số của từng chỉ tiêu quy định không thấp hơn 65% số điểm tối đa của từng chỉ tiêu đó.

Ngân hàng được xếp loại B có tổng số điểm đạt từ 60 đến 79 điểm và có điểm số của từng chỉ tiêu quy định không thấp hơn 50% số điểm tối đa của từng chỉ tiêu đó, hoặc có điểm số cao hơn 79 điểm nhưng có điểm số của ít nhất một chỉ tiêu từ trên 50% đến 65% số điểm tối đa của chỉ tiêu đó.

Các ngân hàng chỉ có điểm số từ 50 đến 59 điểm, có điểm số của từng chỉ tiêu quy định không thấp hơn 45% số điểm tối đa của từng chỉ tiêu, hoặc có tổng số điểm cao hơn 59 điểm nhưng có điểm số của ít nhất một chỉ tiêu từ trên 45% đến dưới 50% số điểm của chỉ tiêu đó sẽ nhận hạng C.

Loại D kém nhất được áp cho những ngân hàng có tổng số điểm dưới 50 điểm, hoặc có tổng số điểm cao hơn 50 điểm nhưng có điểm số của ít nhất một chỉ tiêu thấp hơn 45% số điểm tối đa của chỉ tiêu đó.

Trên cơ sở thang điểm và các tiêu chí cụ thể trên, hàng năm các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tự đánh giá xếp loại và gửi về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố; các đầu mối này sẽ có đánh giá và kiểm tra cụ thể. Và tháng 6 hàng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ phê chuẩn kết quả đánh giá xếp loại này.