17:53 08/08/2019

Chậm hướng dẫn thi hành luật, Chính phủ lại xin Quốc hội ra nghị quyết gỡ "vướng"

Nguyễn Lê

Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ chậm trễ thi hành luật sau đó lại xin ra nghị quyết gỡ "vướng"

Phiên họp ngày 8/8 của Uỷ ban Kinh tế
Phiên họp ngày 8/8 của Uỷ ban Kinh tế

Ngày 8/8 tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Chính phủ đã trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (từ 1/7/2011 đến 31/12/2013) và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (từ 1/1/2013 đến ngày 31/8/2017).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Luật Khoáng sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Trong 2 luật có quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thiên nhiên.

Ông Thanh nhấn mạnh đây là những vấn đề mới quy định lần đầu tiên trong 2 đạo luật này nhằm tăng cường trong việc thực hiện quản lý nhà nước, nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên nhằm hài hòa lợi ích nhà nước và tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên việc ban hành nghị định hướng dẫn chậm đã tạo khoảng trống, dẫn đến việc thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tổ chức thực hiện được.

Tại tờ trình, Chính phủ cũng thừa nhận nghị định của Chính phủ quy định chi tiết điều 77 Luật Khoáng sản năm 2010 chậm 2 năm 5 tháng, kể từ ngày luật có hiệu lực.

Nhưng Chính phủ nêu rất nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến chậm trễ này. "Chính phủ phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách mới này", tờ trình nêu rõ.

Tờ trình của Chính phủ cũng cho biết, tính từ ngày 1/1/2014 đến ngày 30/6/2019, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cả nước phê duyệt (gồm các giấy phép khai thác cấp trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực và cấp phép mới) là 49.516 tỷ đồng. Trong đó, số đã thu về cho ngân sách Nhà nước là 23.095 tỷ đồng.

Như vậy, trung bình mỗi năm thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho ngân sách Nhà nước đạt khoảng hơn 4.000 tỷ đồng (bằng 1/3 số thu từ thuế tài nguyên).

Trong số đó có 2.955,4 tỷ đồng là tiền cấp quyền khai thác đối với phần trữ lượng khoáng sản (giai đoạn từ ngày 1/7/2011 đến ngày 31/12/2013) của 3.951 giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định số 203 có hiệu lực nhưng tạm chưa thu.

Việc triển khai thu đối với "số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 1/7/2011 (là ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực) đến ngày 31/12/2013 (là ngày hết năm tài chính năm 2013) theo Chính phủ là không khả thi.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chưa thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013. Đồng thời, ngày 10/10/2014, Chính phủ đã có Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị việc xem xét, miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giai đoạn này.

Tuy nhiên, hàng năm cơ quan thuế vẫn phải thực hiện việc quản lý, tổng hợp, hạch toán, báo cáo số thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nêu trên và phân bổ vào ngân sách địa phương. Do đó, việc tạm thời chưa thu số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giai đoạn nêu trên dẫn tới các địa phương vẫn phải "treo" khoản thu ngân sách này. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian tạm thời chưa thu số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như đã nêu trên sẽ gây khó khăn cho cơ quan thuế và doanh nghiệp trong việc xử lý nghĩa vụ thuế sau này.

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đối với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013) cho các tổ chức, cá nhân đã cấp phép khai thác khoáng sản trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định số 203 có hiệu lực.

Cũng với những lý do tương tự, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (giai đoạn từ ngày 1/1/2013 đến ngày 31/8/2017).

Tại phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị không ban hành nghị quyết mà yêu cầu Chính phủ thực hiện đúng luật, không thể có chuyện Quốc hội ban hành luật, Chính phủ không làm sau đó lại yêu cầu sửa luật.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Chính phủ chậm trễ thi hành luật sau đó lại xin ra nghị quyết để gỡ "vướng mắc". Điển hình như với Luật Quy hoạch, Chính phủ đề nghị song Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không đồng ý việc ban hành một nghị quyết ảnh hưởng đến 93 luật có liên quan đến quy hoạch.