09:12 16/07/2007

"Chất và lượng lao động không song hành"

Dũng Hiếu

"Chất lượng lao động và số lượng lao động tăng không song hành đang làm gia tăng áp lực việc làm ở nước ta"

"Sàn giao dịch việc làm sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới."
"Sàn giao dịch việc làm sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới."
Nội dung cuộc trò chuyện với ông Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thưa ông, tại sao lao động nông nghiệp nông thôn của ta là chủ yếu thế nhưng có tới 20% lực lượng lao động này thiếu việc làm. Trong khi các khu công nghiệp và khu chế xuất lúc nào cũng ở trong tình trạng “khát” lao động?

Trong 5 năm 2001-2005, thông qua các chương trình phát triển kinh tế xã hội, chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn, đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp dịch vụ, quỹ quốc gia giải quyết việc làm... cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,5 triệu lao động, năm 2006 tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động.

Trong những năm gần đây, thị trường xuất khẩu lao động và tổ chức kinh tế tham gia xuất khẩu lao động phát triển mạnh, đa dạng về hình thức và ngành nghề.

Đến nay, lao động Việt Nam đã có mặt trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại.

Năm 2006, đưa được trên 78.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nâng tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài từ năm 2001 đến nay là 375.000 người, gấp 4 lần số lượng lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 1996-2000 (95.000 người).

Công tác giải quyết việc làm đã được đạt nhiều kết quả tốt, nhưng vẫn còn bất cập. 50% lao động của chúng ta là nông nghiệp nông thôn nhưng có tới 20% lực lượng lao đông trong khu vực này thiếu việc làm.

Lực lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm hơn 70%, trình độ chuyên môn, tay nghề chưa cao, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp kém...; cơ cấu ngành, nghề được đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, thiếu lao động kỹ thuật cao; yếu về thể lực, không phù hợp với việc sử dụng máy móc, thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế.

Do vậy, khả năng cạnh tranh yếu, nhất là ở thị trường yêu cầu lao động có trình độ kỹ thuật cao như các khu công nghiệp, khu chế xuất và xuất khẩu lao động.

Như vậy thật đáng lo ngại bởi số lượng lao động đã tăng không song hành với chất lượng lao động, thưa ông?

Chất lượng lao động và số lượng lao động tăng không song hành đang làm gia tăng áp lực việc làm ở nước ta. Một trong những nguyên nhân tồn tại được xác định là công tác đào tạo nghề của ta chưa gắn với thị trường.

Chúng ta phải gắn giải quyết việc làm với đào tạo nghề, và đào tạo nghề phải gắn với thị trường. Thị trường lao động cần gì, số lượng như thế nào, cơ cấu nghề ra sao, trình độ như thế nào... phải đào tạo nghề theo thị trường và đơn đặt hàng.

Và đào tạo nghề cũng luôn phải gắn với lĩnh vực xuất khẩu lao động. Những nghề thị trường các nước đang cần nhiều như nghề cơ khí, hàn, điện cần tập trung đào tạo.

Theo ông, trong thời gian tới, trường nghề phải phát triển thế nào để cho ra lò những sản phẩm chất lượng?

Một trong những hướng phát triển trong thời gian tới là nâng cao năng lực hệ thống giao dịch việc làm, tăng cường hoạt động các đào tạo nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm.

Theo quy hoạch của Bộ đến năm 2010 sẽ có khoảng 360 trường nghề, trong đó có 40 trường chất lượng cao. Cùng đó, quy hoạch hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm và các cơ sở giới thiệu việc làm; đầu tư nâng cao năng lực các trung tâm giới thiệu việc làm của các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm.

Ngoài ra, xây dựng 3 trung tâm ở 3 vùng kinh tế trọng điểm đạt tiêu chuẩn các nước trong khu vực; hướng dẫn cơ chế đầu tư, chính sách về tài chính tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quản lý, phát triển các trung tâm.

Đa dạng hóa các kênh giao dịch trên thị trường lao động: thông qua phiên chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm, các trang web thị trường lao động... Để giảm những hình thức và mang tính chất phong trào từ hội chợ việc làm, chủ trương của Bộ là chuyển sang tổ chức sàn giao dịch.

Hiện đã có khoảng 10 địa phương đã hoặc đang triển khai hình thức này. Sàn giao dịch có thể tổ chức hàng tháng, tiến tới ở những địa phương nào quan hệ cung cầu lao động chưa phát triển thì mỗi tuần một lần, thậm chí hàng ngày như nhiều nước trên thế giới đã làm.

Có thể khẳng định sức ép việc làm sẽ được giảm dần, đặc biệt đối với lực lượng lao động ở nông thôn trong giai đoạn tới, thưa ông?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai kế hoạch dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động giai đoạn 2007-2010.

Về việc làm, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2007-2010 là giải quyết việc làm cho 6,2 – 6,4 triệu lao động, bình quân mỗi năm khoảng 1,5 – 1,6 triệu lao động, trong đó tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm khoảng 350.000 lao động/năm.

Bên cạnh đó, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 5%; quy hoạch hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm, đầu tư nâng cao năng lực 30-40 trung tâm; tổ chức sàn giao dịch việc làm thường xuyên, định kỳ; tiến hành thu thập thông tin về cung – cầu lao động thông qua các trung tâm.

Về xuất khẩu lao động; giai đoạn 2007-2010: đưa khoảng 32 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài, phấn đấu luôn có khoảng 400.000 – 500.000 lao động thường xuyên làm việc ở nước ngoài.