09:31 15/03/2012

Châu Á đang “khát” dầu ngọt

An Huy

Căng thẳng cung cầu đối với loại dầu ngọt nặng trung bình đang góp phần đẩy giá dầu quốc tế tăng mạnh

Căng thẳng cung cầu đối với loại dầu ngọt nặng trung bình đang góp phần đẩy giá dầu quốc tế tăng mạnh.
Căng thẳng cung cầu đối với loại dầu ngọt nặng trung bình đang góp phần đẩy giá dầu quốc tế tăng mạnh.
Duri, Cabinda và Sư Tử Đen là ba loại dầu thô mang những cái tên “lạ” hơn nhiều so với dầu thô Biển Bắc Brent vốn là loại dầu chuẩn mực trên thị trường năng lượng thế giới. Tuy nhiên, theo báo Financial Times, những loại dầu ít phổ biến này đang trở thành tâm điểm trong sự căng thẳng cung cầu góp phần đẩy giá dầu quốc tế tăng cao.

Ba loại dầu nói trên, được sản xuất lần lượt ở Indonesia, Angola và Việt Nam, có tính nhớt và có hàm lượng lượng lưu huỳnh thấp. Theo cách gọi trong ngành công nghiệp dầu lửa, đây là những loại dầu “nặng trung bình” và “ngọt”. Nhu cầu của thị trường thế giới đối với những loại dầu này là rất cao.

Thời gian gầy đây, sự thiếu hụt nguồn cung dầu thô trên thế giới do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột ở Trung Đông - Bắc Phi hay chương trình hạt nhân ở Iran đã trở thành động lực chính đẩy giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, sự gia tăng trong nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới cũng đóng một vai trò không nhỏ trong sự leo thang của giá dầu.

Ảnh hưởng của yếu tố nhu cầu đặc biệt quan trọng ở một số thị trường ngách của dầu lửa, chẳng hạn dầu ngọt nặng trung bình. Các nhà máy nhiệt điện của Nhật Bản đang sử dụng loại dầu này để đốt trực tiếp mà không cần lọc trước, phục vụ cho việc phát điện bù đắp phần sản lượng điện bị hao hụt sau sự cố hạt nhân.

Trong số 54 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản, hiện chỉ có 2 lò đang hoạt động, khiến sản lượng điện hạt nhân của nước này giảm khoảng 90%.

Ông Lawrence Eagles, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu lửa của JPMorgan Chase cho biết, các nhà máy nhiệt điện của Nhật thường chỉ sử dụng dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh dưới 0,1% do những quy định ngặt nghèo về môi trường. Bởi vậy, số loại dầu thô được phép sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện ở đất nước mặt trời mọc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tháng trước, những nhà máy nhiệt điện lớn nhất của Nhật nhập khẩu khoảng 730.000 thùng dầu mazut và dầu thô mỗi ngày để đốt trực tiếp cho việc phát điện, tăng khoảng 350% so với cùng kỳ năm trước - theo số liệu từ Liên đoàn Các công ty điện lực nước này.

Lượng dầu nhập khẩu này của các nhà máy điện ở Nhật gần tương đương với sản lượng dầu hàng ngày của Qatar, quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Nhu cầu gia tăng mạnh từ Nhật đã đẩy mức chênh lệch giữa giá dầu ngọt nặng trung bình và giá dầu Brent lên mức cao. Chẳng hạn, mức chênh giá của dầu Cabinda và dầu Brent tháng nay đã lên mức 1,5 USD/thùng, cao nhất từ trước đến nay. Trong vòng 10 năm qua, loại dầu này thường có giá rẻ hơn dầu Brent trung bình khoảng 2 USD/thùng.

Dầu thô ngọt nặng trung bình và dầu thô ngọt nặng chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong nguồn cung dầu thô của thế giới.

Theo tờ World Oil and Gas Review của hãng dầu lửa Italy Eni, tổng sản lượng toàn cầu của cả hai loại dầu này năm ngoái đạt mức 10 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 11% tổng nguồn cung dầu của thế giới.

Tuy nhiên, giới giao dịch dầu lửa cho biết, việc Nhật Bản đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô ngọt nặng trung bình đã góp phần đẩy giá dầu thô nói chung tăng mạnh. Hôm 13/3, giá dầu thô Brent tại London đã có lúc lên gần 127 USD/thùng, gần mức đỉnh trên 128 USD/thùng của thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008 thiết lập hồi đầu tháng này.

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất đang có nhu cầu sử dụng dầu gia tăng. Trung Quốc cũng đang tăng cường nhập khẩu dầu thô khi nước này tăng công suất của các nhà máy lọc dầu. Tháng trước, Trung Quốc nhập 5,95 triệu thùng dầu mỗi ngày, mức cao kỷ lục trong 1 tháng và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu dầu còn tăng khi một số quốc gia tăng lượng dầu dự trữ nhằm đề phòng những bất trắc có thể xảy ra ở Trung Đông. Nhà phân tích thị trường dầu lửa Seth Kleiman thuộc ngân hàng Citigroup cho biết, tuần trước, Thái Lan đã yêu cầu các nhà máy lọc dầu tăng lượng dầu tích trong kho từ mức đủ dùng cho 55 ngày lên 64 ngày, tương đương mức tăng khoảng 6 triệu thùng.

Giới giao dịch dầu lửa cũng tin rằng, Ấn Độ và Trung Quốc đang tăng khối lượng dầu lửa trong kho dự trữ chiến lược, mặc dù các kho dầu này có quy mô nhỏ so với lượng dầu nhập khẩu của hai quốc gia.

Nói chung, nhu cầu dầu của thế giới đang gia tăng bất chấp tình trạng èo uột của nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù tiêu thụ dầu đang giảm ở các nước như Tây Ban Nha, Italy và Mỹ, lượng dầu tiêu thụ của các nền kinh tế mới nổi vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay sẽ tăng thêm 800.000 thùng/ngày, sau khi tăng 700.000 thùng/ngày vào năm 2011. Trong khi đó, theo tổ chức này, nhu cầu tiêu thụ dầu của Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm 340.000 thùng/ngày, còn của Mỹ sẽ giảm 110.000 thùng/ngày. Chính sự gia tăng nhu cầu ở các nền kinh tế đang phát triển sẽ bù lại sự suy giảm này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, đợt tăng giá dầu hiện nay có thể sẽ khiến nhu cầu “vàng đen” của thế giới suy giảm, kéo theo sự đảo chiều của giá dầu. “Giá dầu đang bước vào một vùng nguy hiểm tương tự như những gì đã diễn ra vào năm 2008. Khi đó, giá dầu cao đã khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm trên diện rộng”, ông Paul Hornsell, chuyên gia nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản thuộc Barclays Capital, nhận định.