12:32 14/09/2024

Châu Âu thừa nhận tụt hậu về đổi mới, lãnh đạo đưa ra hàng loạt chiến lược vực dậy vị thế

Bảo Ngọc

Châu Âu đang tụt hậu so với Trung Quốc và Hoa Kỳ về công nghệ đổi mới…

Châu Âu đang dần tụt hậu về đổi mới so với một số siêu cường công nghệ như Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Châu Âu đang dần tụt hậu về đổi mới so với một số siêu cường công nghệ như Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Không có gì quá bất ngờ khi châu Âu, mặc dù quy tụ tới 4 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, vẫn không theo kịp Trung Quốc và Hoa Kỳ trong cuộc đua phát triển các doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn. Nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu Mario Draghi đã tuyên bố rằng cần phải có những hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề này, Business Insider đưa tin.

Trong báo cáo về khả năng cạnh tranh kinh tế của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), mới được công bố rộng rãi vào đầu tuần này, ông Mario Draghi, cựu Thủ tướng Italia và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã đưa ra lời kêu gọi đoàn kết toàn diện khi khu vực đang đối mặt với "thách thức hiện hữu" về tương lai công nghệ.

CHÂU ÂU ĐANG TỤT HẬU

Với kinh nghiệm đồng hành cùng ​​châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công sau khủng hoảng tài chính năm 2008, ông Draghi đã nhấn mạnh vào "sự tăng trưởng chậm lại của châu Âu kể từ đầu thế kỷ" và khoảng cách giữa châu Âu với hai cường quốc Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Báo cáo cũng đề cập đến một số lĩnh vực cần chú trọng đầu tư nhiều hơn, đặc biệt lĩnh vực được xếp vào hàng ưu tiên cao nhất là: công nghệ đổi mới.

"Điều đầu tiên và quan trọng nhất là châu Âu phải tập trung sâu sắc vào nỗ lực chung nhằm thu hẹp khoảng cách đổi mới với Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặc biệt trong các công nghệ tiên tiến", cựu Thủ tướng Italia cho biết.

Hoa Kỳ và Trung Quốc nỗ lực cạnh tranh vị trí dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ đổi mới.
Hoa Kỳ và Trung Quốc nỗ lực cạnh tranh vị trí dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ đổi mới.

Có lý do chính đáng khiến ông Draghi nhấn mạnh đến công nghệ đổi mới trong nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh của châu Âu.

Trong khi, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tạo ra hàng loạt gã khổng lồ công nghệ có giá trị hàng trăm tỷ USD, thậm chí Hoa Kỳ đã ghi nhận 6 Big Tech hiện đạt giá trị vốn hóa thị trường vượt quá 1.000 tỷ USD, thì châu Âu lại không thể hưởng lợi từ cuộc cách mạng internet ở quy mô tương tự.

TỤT HẬU LÀ DO ĐÂU? 

Nhà lãnh đạo EU cũng đưa ra một số nguyên nhân để lý giải cho thực tế này.

Lý do lớn nhất là châu Âu "bị kẹt trong cấu trúc công nghiệp tĩnh", tức là ít công ty mới nổi lên với năng lượng mạnh mẽ và đột phá như mô hình tại Thung lũng Silicon.

Doanh nghiệp lớn nhất châu Âu, Novo Nordisk, là hãng dược phẩm Đan Mạch 100 năm tuổi có giá trị 585 tỷ USD. Một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất hiện nay của châu lục, nhà sản xuất bán dẫn Hà Lan ASML, được thành lập cách đây 40 năm.

Việc thiếu nguồn năng lượng đột phá, như báo cáo đã nêu, "thất bại trong việc tận dụng cuộc cách mạng kỹ thuật số đầu tiên" vào giữa những năm 1990 cũng là yếu tố quan trọng khiến "năng suất của EU khác biệt so với Hoa Kỳ".

Ngoài ra còn có một sự thật hiển nhiên là châu Âu đã không nắm bắt cơ hội xây dựng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây cũng như lượng tử khi còn trong giai đoạn đầu.

Báo cáo lưu ý chỉ cần ba "siêu nhà cung cấp dịch vụ đám mây" của Hoa Kỳ đã chiếm tới hơn 65% thị trường EU, trong khi nhà điều hành đám mây lớn nhất châu Âu chỉ chiếm 2%. Báo cáo cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc thống trị danh sách 10 công ty thu hút đầu tư vào điện toán lượng tử hàng đầu.

Dường như, châu Âu đã chấp nhận thực tế, nhường lại vị trí dẫn đầu cho Hoa Kỳ và Trung Quốc trong một số lĩnh vực đổi mới quan trọng. Ví dụ, báo cáo nhận định châu Âu tụt hậu “không thể cứu vãn” trong lĩnh vực điện toán đám mây vì "các khoản đầu tư lớn liên tục, quy mô kinh tế và nhiều dịch vụ do một nhà cung cấp duy nhất đáp ứng".

CHIẾN LƯỢC NHẰM THU HẸP KHOẢNG CÁCH 

Mặc dù giữ vị thế yếu hơn so với Hoa Kỳ và Trung Quốc, ông Draghi cho rằng EU vẫn hoàn toàn có thể cứu vãn tình hình. 

Ông Mario Draghi cho rằng EU nên tập trung dồn toàn lực cho AI.
Ông Mario Draghi cho rằng EU nên tập trung dồn toàn lực cho AI.

Đầu tiên, phải đặt cược lớn vào AI. "AI, đặc biệt là AI tạo sinh, là công nghệ có thể giúp các công ty EU giành lại cơ hội dẫn đầu trong một số phân khúc nhất định", báo cáo cho biết.

Báo cáo nêu bật nhiều sáng kiến ​​quan trọng, trong số đó phải kể tới giảm "chi phí triển khai AI", vốn luôn ở mức cao do chi phí phần cứng quan trọng như GPU. Báo cáo nhận định phương án hoàn toàn khả thi nếu EU sẵn sàng tăng cường khả năng tiếp cận sức mạnh tính toán cần thiết nhằm cung cấp năng lượng cho các công cụ AI tạo sinh.

Một số sáng kiến ​​đã được trình lên Liên minh Máy tính Hiệu suất cao châu Âu (European High-Performance Computing Joint Undertaking — EuroHPC JU). Liên minh thành lập năm 2018 nhằm tạo ra sức mạnh tính toán vượt trội cho lục địa này. Cho đến nay, EuroHPC JU chủ yếu tập trung vào nghiên cứu khoa học, nhưng ngày càng mở rộng phạm vi tới các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như toàn bộ "cộng đồng AI rộng lớn".

Bên cạnh đó, ông Draghi cũng chỉ ra một số biện pháp khác giúp thu hẹp khoảng cách đổi mới, chẳng hạn như cải cách chính sách được nhận định là cản trở đổi mới, hay giải quyết vấn đề đầu tư tài trợ. So với Hoa Kỳ, châu Âu không thu hút nhiều “tài trợ giai đoạn sau”, khiến đa số doanh nghiệp khó mở rộng quy mô.

Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm lớn tại Hoa Kỳ đã tăng hoạt động tài trợ trên nhiều lĩnh vực công nghệ ở châu Âu trong suốt đại dịch. Tuy nhiên, hoạt động không hiệu quả cùng bối cảnh lãi suất tăng đã khiến các nhà đầu tư chùn bước trong việc tin tưởng hoàn toàn vào các công ty non trẻ. 

Thật bất ngờ, báo cáo nhận được sự ủng hộ từ CEO Elon Musk. Viết trên X, vị CEO cảm thán: "Lời phê bình của ông Mario Draghi rất chính xác".

Người đứng đầu Tesla cho biết thêm: "Việc xem xét kỹ lưỡng quy định của EU nhằm loại bỏ các điều khoản không cần thiết và hợp lý hóa hoạt động ở châu Âu sẽ thúc đẩy tăng trưởng và khả năng cạnh tranh".

Liệu EU có thể thành công trong việc thực hiện những thay đổi với sứ mệnh thu hẹp khoảng cách đổi mới hay không vẫn là tương lai bỏ ngỏ. Nhưng rõ ràng, khu vực đã sẵn sàng làm mọi điều có thể để sánh vai với các siêu cường công nghệ hiện nay.