06:10 26/11/2012

“Chạy nước rút” điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh

Hải Bằng

Giá đa số cổ phiếu của doanh nghiệp công bố điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận và cổ tức, bị tụt giảm ngay khi thông tin được công bố

Nhiều cổ đông cho rằng họ bị hội đồng quản trị công ty “qua mặt”, che giấu thông tin - Ảnh minh họa.<br>
Nhiều cổ đông cho rằng họ bị hội đồng quản trị công ty “qua mặt”, che giấu thông tin - Ảnh minh họa.<br>
Tính đến ngày 23/11, trên hai sàn đã có 39 công ty niêm yết công bố điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2012 với lý do chung chung là tình hình kinh tế khó khăn hơn so với dự báo. Đặc biệt, từ đầu tháng 11 đến nay, dồn dập nhiều hội đồng quản trị các công ty tổ chức xin ý kiến cổ đông bằng văn bản xin điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh để nhanh chóng “hiện thực hóa” mục đích của mình, nếu không để sang tháng 12 điều chỉnh sẽ rất “kỳ cục”.

Đứng đầu trong danh sách doanh nghiệp điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch là nhóm ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản do thị trường bất động sản suy giảm và đóng băng thời gian dài, nhiều chủ đầu tư đã ngưng dự án nửa chừng. Và thị trường cũng chứng kiến việc lần đầu tiên cổ đông của một công ty bác bỏ đề nghị của hội đồng quản trị giảm chỉ tiêu kinh doanh, khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ.

Càng “đại gia”, càng phải điều chỉnh

Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex-PVC (PVV) vừa quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2012, sau 3 quý lỗ đầu năm, trong đó lợi nhuận trước thuế hợp nhất được điều chỉnh giảm đến 95%, từ 40 tỷ đồng xuống 2 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần đầu tư PV2 (mã PV2-HNX) có các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2012 giảm chỉ còn 5,8% đến 10,3% so với kế hoạch trước điều chỉnh.

Đáng chú ý là Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Bưu điện (mã PTC-HOSE) công bố nghị quyết đại hội đồng cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch từ lãi thành lỗ năm 2012.

Cụ thể: cổ đông không nhất trí với đề xuất của hội đồng quản trị điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu năm 2012 (chỉ tiêu đầu năm là 342 tỷ đồng) còn 147,03 tỷ đồng và lợi nhuận trước và sau thuế đều âm 22,971 tỷ đồng (đầu năm đại hội đồng cổ đông thông qua với mức lãi sau thuế 12,49 tỷ đồng). Cổ đông đồng thời cũng bác bỏ việc điều chỉnh doanh thu còn 213,15 tỷ đồng và lỗ còn 17,482 tỷ đồng nếu chuyển nhượng được toàn bộ tài sản gắn liền với đất thuê tại Hà Nội.

“Chạy nước rút” điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh 1Cùng với doanh nghiệp ngành xây dựng, các doanh nghiệp ngành tài chính, ngân hàng và các ngành khác cũng phải xin ý kiến cổ đông để điều chỉnh kế hoạch.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2012, PTC có mức lỗ 9 tháng tăng từ 24,84 tỷ đồng lên 28,22 tỷ đồng, trong khi theo kế hoạch sản xuất kinh doanh đặt ra đầu năm, doanh thu 2012 của PTC dự kiến đạt 342 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12,49 tỷ đồng.

Điều đáng nói là cổ đông PTC đã chán nản, thất vọng không chỉ do PTC thua lỗ trong 9 tháng qua mà còn do lãnh đạo tiếp tục vi phạm về công bố thông tin sau khi đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo toàn thị trường vào ngày 7/9 và nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị đưa vào diện chứng khoán bị kiểm soát. Minh chứng rõ nhất là trong số 1.664 phiếu gửi đi xin ý kiến cổ đông thì chỉ có 63 ý kiến gửi trả lời công ty.

Cùng với doanh nghiệp ngành xây dựng, các doanh nghiệp ngành tài chính, ngân hàng và các ngành khác cũng phải xin ý kiến cổ đông để điều chỉnh kế hoạch.

Ngày 20/11, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã VCB-HOSE) thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 30/11 để lấy ý kiến chấp thuận điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2012 nhưng chưa thông báo cụ thể nội dung sẽ điều chỉnh.

Theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2012 thông qua, VCB dự kiến lãi trước thuế cả năm 6.550 tỷ đồng, lãi sau thuế 4.929 tỷ đồng, cổ tức 12%.  

“Đại gia” thứ hai là Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa (mã VCF-HOSE). Ngày 12/11, đại hội đồng cổ đông Vinacafé Biên Hòa lấy ý kiến bằng văn bản đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012 với doanh thu từ 3.000 tỷ giảm còn 2.300 tỷ đồng (-23,33%), lợi nhuận sau thuế từ 360 tỷ giảm còn 300 tỷ đồng (-16,67%).

Một doanh nghiệp có mức điều chỉnh “khủng” nhất là Công ty Cổ phần Ôtô TMT (mã TMT-HOSE) với mức giảm chỉ tiêu doanh thu bán hàng từ 1.000 tỷ đồng xuống còn 300 tỷ đồng, lợi nhuận từ mức 15 tỷ đồng xuống còn “cố gắng không lỗ” trong năm 2012.

Điều chỉnh kế hoạch vì... tiền thưởng?


Hiện nay, đứng trước khó khăn, thay vì tìm ra giải pháp khắc phục tình hình ở những tháng còn lại của năm, không ít hội đồng quản trị doanh nghiệp niêm yết bị áp lực rất nặng nề về việc phải hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, nhất là tổng giám đốc rất lo bị hội đồng quản trị cách chức, mất luôn cả tiền thưởng cuối năm.

Do đó, cách làm đơn giản nhất là cắt bớt chỉ tiêu kế hoạch, đặc biệt là lợi nhuận và cổ tức. Không ít công ty quyết định cắt giảm cổ tức từ 7-10% xuống còn 0%. Con số 0 tròn trĩnh làm cho các cổ đông thất vọng lớn, thiệt đơn thiệt kép, nhất là những người bị thâm hụt lớn tài khoản đầu tư khi mua vào những cổ phiếu có giá suy giảm mạnh trong năm 2011 và 2012.

“Chạy nước rút” điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh 2Giá đa số cổ phiếu của doanh nghiệp công bố điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận và cổ tức, bị tụt giảm ngay khi thông tin được công bố và nhà đầu tư là người nắm phần thua thiệt nhất. 

Hơn nữa, không trả cổ tức sẽ làm mất lòng tin của cổ đông về ban lãnh đạo chẳng quan tâm đến việc tăng mức sinh lời đồng tiền của họ, khiến họ “bỏ rơi” công ty, đua nhau bán ra cổ phiếu khiến giá càng lao dốc nhanh.

Giá đa số cổ phiếu của doanh nghiệp công bố điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận và cổ tức, bị tụt giảm ngay khi thông tin được công bố và nhà đầu tư là người nắm phần thua thiệt nhất.

Nhiều cổ đông cho rằng họ bị hội đồng quản trị công ty “qua mặt”, che giấu thông tin bởi vì chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm, hội đồng quản trị hoàn toàn có thể dự tính trước kết quả kinh doanh cả năm, vậy thì điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch để làm gì, thay vì công bố ước tính thực hiện kế hoạch cả năm và giải thích rõ ràng chi tiết cho cổ đông biết cùng với phương án khắc phục trong năm tới.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)