14:31 19/08/2008

“Chênh lệch giá vàng đã được nhìn nhận từ trước!”

Anh Quân

Đại diện Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam giải thích việc chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới

“Khi thị trường vàng trong nước “bế quan, tỏa cảng”, sự chênh lệch về giá là đương nhiên.” - Ảnh: Anh Quân
“Khi thị trường vàng trong nước “bế quan, tỏa cảng”, sự chênh lệch về giá là đương nhiên.” - Ảnh: Anh Quân
Trong tuần qua, giá vàng thế giới liên tiếp phá đáy 850 rồi 800 USD/oz. Giá vàng trong nước dường như không còn “bám đuổi” giá thế giới khi sự chênh lệch giá đã có lúc thiết lập ở mức 1 triệu đồng/lượng.

Giải thích về hiện tượng này, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng việc ngừng nhập khẩu vàng đã “đóng cửa” thị trường vàng trong nước, khiến giá kim loại quý này không còn liên thông với giá thế giới.

Trao đổi với VnEconomy, ông Bảng nói:

- Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới như vừa qua đã được nhìn nhận từ trước. Khi thị trường vàng trong nước “bế quan, tỏa cảng”, sự chênh lệch về giá là đương nhiên.

Ở thời điểm doanh nghiệp được phép nhập khẩu, thị trường được thỏa mãn nhu cầu về vàng, mức chênh lệch giá bán trong nước với quốc tế thông thường chỉ còn vài ba chục ngàn đồng một chỉ.

Nhưng khi nguồn cung chính ngạch không còn, giá vàng trên thị trường trong nước sẽ chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nữa.

Đó là những yếu tố nào, thưa ông?

Có thể khái quát thế này, giá vàng trong nước chịu tác động từ giá vàng thế giới, tỷ giá giữa VND và USD, cung cầu trên thị trường, chính sách xuất nhập khẩu và nguồn hàng của doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Ví dụ khi thị trường vàng thông thương với thế giới trong những tháng đầu năm nay, vàng trong nước luôn đi theo những tín hiệu tăng hay giảm của giá vàng quốc tế.

Hay vừa rồi có chuyện giá vàng trong nước xuống thấp, người dân đổ xô đi mua và giá vàng lại điều chỉnh tăng lên mặc dù giá vàng thế giới lúc đó vấn đang tiếp tục giảm.

Tùy từng thời điểm mà các yếu tố có thể tác động đến giá vàng với mức độ khác nhau.

Mạnh anh nào anh ấy bán

Nói đến giá vàng trong nước, ông có cho rằng diễn biến giá như vừa qua là bất hợp lý?

Khó có thể nói là bất hợp lý, mặc dù giá vàng trong nước có thời điểm chênh lệch với giá thế giới đến 1 triệu đồng/lượng.

Thứ nhất, giá vàng trong nước hiện nay Nhà nước không quản lý. Việc niêm yết và bán với mức giá nào là hoàn toàn do doanh nghiệp tự quyết định, nhất là khi chưa có sàn giao dịch vàng quốc gia.

Thứ hai, doanh nghiệp đã mua vàng với giá cao từ trước, nay mặc dù giá vàng quốc tế đã giảm xuống, nhưng họ vẫn phải bán giá cao hơn giá quốc tế để đảm bảo trang trải chi phí hoạt động. Nếu không thì ai bù lỗ cho họ? Hơn nữa, trong cùng thời điểm đó họ vẫn phải mua vào với giá cao hơn giá quốc tế.

Nếu so với giá vàng quốc tế để bảo họ bán đắt thì không hợp lý, bởi vì khi họ bán ra thì có được nhập khẩu với giá quốc tế đâu mà bảo là mua rẻ, bán đắt.

Chỗ này tôi cũng trả lời thêm cho câu hỏi trước của anh (về tác động đến giá vàng trong nước - PV) là trong trường hợp này, yếu tố cung - cầu cũng không tác động nhiều lắm đến giá vàng trong nước, vì ngay cả khi lượng mua đã giảm nhưng giá trong nước vẫn không giảm, vì doanh nghiệp mua vào với giá cao hơn giá quốc tế tương đương tại cùng thời điểm.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng họ bắt tay nhau “làm giá”…

Không có căn cứ nào để khẳng định điều này, nhất là đối với những doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, vì đây là vấn đề được lãnh đạo Hiệp hội quan tâm giám sát để chống mọi biểu hiện, mọi hoạt động thương mại trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong điều kiện hiện nay.

Trước kia, doanh nghiệp căn cứ vào giá quốc tế để định giá bán trong nước. Nay thì mạnh anh nào anh ấy bán. Giá cả cũng không thống nhất, dù hai điểm bán trên cùng một con phố, vì hiện nay chưa có sàn giao dịch vàng trung tâm, tức là chưa có “cái chợ có tổ chức”.

Mà họ bán giá cao thì cũng mua giá cao. Mức chênh lệch giữa mua và bán cũng chỉ giãn thêm ra chút ít để phòng rủi ro, chứ họ không thể mua quá thấp, bán quá cao để ăn chênh lệch nên không thể nói là liên kết “làm giá”.

Trong trường hợp thiếu nguồn cung như thế này, các kho ngoại quan vàng tại Hà Nội và Tp.HCM có phát huy tác dụng không?

Khi không được nhập khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài đã rút vàng ra kinh doanh. Hiện nay, các kho ngoại quan vàng đều không hoạt động gì.

Vậy doanh nghiệp kinh doanh vàng đẩy giá lên, phải chăng tiềm lực họ không mạnh để chịu được khoản lỗ trong kinh doanh?

Có thể nói thế này. Doanh nghiệp kinh doanh vàng thường chỉ sử dụng vốn tự có. Ngay cả khi lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại chỉ ở mức 8% đến 9% thì họ cũng không vay, chứ đừng nói 20% đến 21% như gần đây.

Thế nhưng, họ cũng kinh doanh lắm mặt hàng, như vàng miếng, vàng trang sức, đại lý thu đổi ngoại tệ, đá quý, kim cương…

Tôi cho rằng dự trữ vàng của các doanh nghiệp không nhiều và chỉ nằm trong nguồn vốn của họ. Lượng vàng nhiều nhất là dự trữ trong dân. Có số liệu nói rằng khoảng 400 tấn, nhưng thực tế chưa có căn cứ nào để khẳng định con số này.

Doanh nghiệp kinh doanh được là do họ quay vòng rất nhanh, thời kỳ cao điểm có nơi bán vài tạ mỗi ngày. Những đợt “sốt” vàng như vừa qua, có doanh nghiệp phải bán theo hóa đơn, theo ticket và nhận vàng sau.

Đồng tình với chủ trương ngừng nhập vàng

Nói như vậy thì khó có thể ổn định giá thị trường vàng trong nước?

Đúng là việc ngừng nhập khẩu vàng để kiềm chế nhập siêu có tác động đến giá vàng trên thị trường, nhưng chúng tôi rất đồng tình với chủ trương này của Chính phủ, vì không có cách lựa chọn nào tốt hơn.

Tuy nhiên, chính sách luôn có hai mặt của nó. Việc ngừng nhập khẩu vàng làm mất cân đối cung - cầu và làm cho giá vàng trên thị trường tăng lên. Hơn nữa, nó cũng làm nảy sinh tình trạng nhập lậu. Vì vậy, việc thực thi các giải pháp kìm chế lạm phát của Chính phủ cần phải quyết liệt, đồng bộ thì mới khắc phục được mặt trái của cơ chế thị trường.

Với mức giá chênh lệch lớn như vừa qua, nhập lậu vàng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn và nạn buôn lậu dễ tái bùng phát, vì vậy việc kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn lậu qua biên giới có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời điểm hiện nay.

Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã nhập khẩu trên 60 tấn vàng. Ông có cho rằng như vậy là quá nhiều…

Có ba lý do để giải thích vì sao chúng ta lại tiêu thụ lượng vàng lớn như vậy.

Thứ nhất là lạm phát vẫn còn cao, ở mức hai con số. Và vàng vừa là “kênh” đầu tư hiệu quả, vừa là nơi “trú ẩn” phòng ngừa lạm phát tốt nhất.

Thứ hai là các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản chưa hấp dẫn.

Thứ ba, thị trường vàng Việt Nam chủ yếu giao dịch vàng vật chất, không có kinh doanh vàng trên tài khoản, nên phải nhập khẩu số lượng vàng lớn.

Không nên điều hành thị trường bằng mệnh lệnh hành chính

Ông có thể giải thích về kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước?

Trước hết, Ngân hàng Nhà nước phải ban hành quy chế để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sẽ mở tài khoản USD hoặc VND có đảm bảo bằng vàng tại các Ngân hàng thương mại có hoạt động kinh doanh, hoặc các sàn giao dịch vàng.

Các ngân hàng thương mại và các sàn giao dịch vàng sẽ đóng vai trò trung gian để tổ chức giao dịch cho khách hàng, đồng thời sẽ người mua bán cuối cùng và sau đó tái bảo hiểm số vàng giao dịch đó tại các ngân hàng nước ngoài.

Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước sẽ góp phần khai thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng quốc tế; giúp các tổ chức, cá nhân có thể sử dụng các công cụ phái sinh (giao dịch kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn) để phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kinh doanh; hạn chế giao dịch vàng vật chất và tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, đồng thời góp phần làm cho giá vàng trên thị trường trong nước thống nhất hơn và theo sát giá vàng quốc tế hơn.

Thưa ông, chúng ta đã có một vài sàn vàng đang hoạt động…

Một số doanh nghiệp đã lập sàn vàng và hoạt động. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có quy chế, quy định gì cho sàn vàng. Doanh nghiệp mỗi nơi làm một kiểu và giao dịch vàng trên tài khoản rất ít.

Hiệp hội chúng tôi cũng có ý định thành lập sàn vàng, nhưng vì chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng nên chưa làm.

Vừa rồi, chúng tôi cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có đi khảo sát Sàn giao dịch vàng Thượng Hải thì thấy họ làm ăn rất bài bản. Chúng tôi đang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu ban hành quy chế thành lập và hoạt động của sàn vàng để triển khai trong thời gian tới.

Đó là giải pháp lâu dài. Còn trước mắt, có ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nên đứng ra điều hành giá vàng trên thị trường để tránh áp đặt mức giá không có lợi cho người dân?

Tôi cho là không nên điều hành thị trường bằng mệnh lệnh hành chính. Thị trường vàng rất “nhạy cảm” với các chính sách, hễ cấm là người ta lại càng quan tâm và càng đổ xô vào.

Để giá cả minh bạch hơn thì cách tốt nhất là nên hình thành các sàn giao dịch vàng và phát triển kinh doanh vàng trên tài khoản, có vậy mới giải quyết được cơ bản lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư.