20:55 14/11/2018

Chỉ còn một "cứ điểm bảo toàn" vốn ngoại tại ngân hàng Việt mới niêm yết

Hoàng Vũ

Vốn ngoại tại các ngân hàng mới niêm yết còn lại "cứ điểm bảo toàn" cuối cùng sau đà lao dốc giá cổ phiếu

Trong năm 2017 và đầu 2018, một loạt ngân hàng thương mại Việt Nam đã cháo bán cổ phần thành công cho nhà đầu tư nước ngoài với giá trị lớn và giá cao so với hiện nay - Ảnh: Quang Phúc.
Trong năm 2017 và đầu 2018, một loạt ngân hàng thương mại Việt Nam đã cháo bán cổ phần thành công cho nhà đầu tư nước ngoài với giá trị lớn và giá cao so với hiện nay - Ảnh: Quang Phúc.

Kết thúc phiên giao dịch 14/11, trên sàn chứng khoán Việt Nam chỉ còn lại duy nhất một cổ phiếu ngân hàng mới tham gia niêm yết bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu của khối ngoại, xét theo giá bán thành công vừa qua.

Đây là cổ phiếu TPB của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), hiện đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE).

Chốt phiên 14/11, giá cổ phiếu TPB ở mức 25.500 đồng/cổ phiếu, tăng 500 đồng so với phiên liền trước. Đây cũng là mã ngược dòng tăng giá trong một phiên giá các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm mạnh.

Kết quả trên đưa TPB trở thành "cứ điểm bảo toàn" cuối cùng còn lại của nhà đầu tư nước ngoài, xét theo giá trị ban đầu các thương vụ lớn và nổi bật trong hơn một năm trở lại đây, ở nhóm các ngân hàng thương mại Việt Nam mới niêm yết.

Cụ thể, TPBank đã bán lô lớn cho quỹ PYN Elite Fund và quỹ SBI Ven Holdings Pte trong đợt phát hành riêng lẻ 87 triệu cổ phiếu vừa qua, với giá 25.000 đồng/cổ phiếu.

Với diễn biến ngược dòng thị trường chung và giá nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn niêm yết, mức đóng cửa 25.500 đồng/cổ phiếu phiên 14/11 đồng nghĩa giá trị đầu tư của các quỹ ngoại tại TPBank đang được bảo toàn.

Trong năm 2017 và đến đầu 2018, thị trường chứng kiến loạt chào bán thành công với giá trị lớn, giá bán cao cho nhà đầu tư nước ngoài từ Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB), Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank, mã HDB), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank, mã TCB) và trường hợp nói trên của TPBank.

Tính đến phiên 14/11, giá VPB còn 19.850 đồng, HDB còn 28.800 đồng và TCB còn 25.250 đồng/cổ phiếu. Dù đã thực hiện chia tách sau các đợt phát hành thêm trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng… (riêng HDB chưa chia tách kể từ khi niêm yết đầu năm nay), giá trị của cả ba cổ phiếu này đều đã giảm sâu dưới mức bán cho các nhà đầu tư nước ngoài ở các đợt chào bán lô lớn trước khi niêm yết.

Trong đó, gần nhất, giá cổ phiếu HDB của HDBank liên tục lao dốc những phiên đầu tuần này và chính thức nằm sâu dưới mốc 32.000 đồng - mốc giá được ghi nhận bán cho loạt quỹ đầu tư nước ngoài cuối 2017, trong khi hoạt động bán ròng mạnh từ khối đầu tư nước ngoài thể hiện suốt gần một tháng qua.

Với thị giá hiện nay, ngoại trừ tại TPBank, giá trị đầu tư của khối đầu tư nước ngoài tham gia các đợt chào bán nói trên hiện đã suy giảm đáng kể so với ban đầu. Đây cũng là diễn biến chung trong xu hướng điều chỉnh kéo dài hơn một tháng qua của thị trường chứng khoán Việt Nam, sau đợt điều chỉnh mạnh cuối tháng 4/2018.

Đáng chú ý, những trường hợp trên tại thời điểm chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như hiện nay đều là những ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở nhóm cao nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, cũng như đang hướng đến hoàn thành kế hoạch năm 2018 - với các thông tin cập nhật gần đây.

Giá trị đầu tư của vốn ngoại tại những trường hợp này suy giảm như trên cũng là một thực tế đặt ra trong bối cảnh một số ngân hàng thương mại Việt Nam đang xúc tiến các kế hoạch chào bán cổ phần lô lớn cho nhà đầu tư nước ngoài, hoặc huy động qua kênh trái phiếu, dự kiến cuối 2018 đầu 2019.

Trong các đợt chào bán trên, cũng như dự kiến sắp tới, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài tham gia là hoạt động đầu tư đơn thuần (ngoại trừ KEB Hana Bank với kế hoạch dự kiến trở thành cổ đông chiến lược tại BIDV nếu chào bán thành công), và hầu hết họ phải chịu ràng buộc hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.