11:38 09/07/2007

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuẩn bị lấn sân?

Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới ở thị trường Việt Nam

Thời gian tới một số ngân hàng nước ngoài sẽ giới thiệu các sản phẩm khác như cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng, cho vay thế chấp hướng tới khách hàng cá nhân.
Thời gian tới một số ngân hàng nước ngoài sẽ giới thiệu các sản phẩm khác như cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng, cho vay thế chấp hướng tới khách hàng cá nhân.
Mặc dù đã qua 10 năm hoạt động tại Việt Nam, đến nay các chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thực sự là nhân tố cạnh tranh mạnh trên thị trường tiền tệ, nhưng họ đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới.

"Bó" sản phẩm và dịch vụ

Trong khi các ngân hàng nội địa phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô vốn điều lệ và các chỉ tiêu hoạt động... thì khối các chi nhánh ngân hàng nước ngoài lại khá trầm lắng.

Theo số liệu thống kê của Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), trong vòng 10 năm (1997-2006) mức tăng vốn điều lệ chung của các tổ chức tín dụng gấp 4,96, nhưng các chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ đạt 2,35 lần.

Bên cạnh đó thị phần của khối này cũng giảm sút: Tổng tài sản giảm từ 16,6% còn 9,7%; vốn hoạt động giảm từ 15,9% còn 9,7% và dư nợ giảm từ 19,8% còn 8,9%.

Do nhiều nguyên nhân về hệ thống pháp lý, mức độ phát triển kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, mức thu nhập và dân trí của Việt Nam... nên sản phẩm và dịch vụ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp còn khá hạn chế.

Hầu hết các ngân hàng này chỉ tập trung vào một số dịch vụ như: Huy động vốn và cho vay (phần lớn bán buôn); tài trợ thương mại (bao gồm mở tài khoản nội và ngoại tệ, chuyển tiền bằng điện, thư tín dụng, ngoại hối, hạn mức tín dụng, hiệp định khung tài trợ thương mại); tài trợ tài chính cho xuất nhập khẩu, tài trợ dự án...

Đối tượng khách hàng của chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến có vốn đầu tư nước ngoài, công ty lớn của Việt Nam có kết quả hoạt động tốt và phù hợp với kế hoạch kinh doanh của ngân hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, việc mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp trong nước của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài không dễ dàng. Hiện ít doanh nghiệp (cả Nhà nước và tư nhân) có năng lực tài chính mạnh, thông tin về doanh nghiệp không đủ tin cậy, hệ thống pháp lý liên quan đến các quan hệ tín dụng chưa thống nhất, đồng bộ... Vì vậy, một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ tiếp cận doanh nghiệp trong nước thông qua thực hiện các khoản cho vay đồng tài trợ cùng các ngân hàng nội địa.

Về các hoạt động khác, dù rất mạnh về các dịch vụ ngân hàng hiện đại trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, phần lớn các chi nhánh nước ngoài vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu để triển khai, hoặc mới đưa ra một vài sản phẩm như hoán đổi lãi suất...

Cam go cạnh tranh thị phần

Do khó khăn trong hoạt động tín dụng và chưa cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ, nên thu nhập của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ yếu từ tiền lãi cho vay và kinh doanh vốn trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng.

Hiện nay tiền gửi và tiền cho vay tổ chức tín dụng khác của khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Hà Nội chiến 44,5% tài sản có của khối trong khi tỉ trọng tương ứng của khối ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ là 1,2%. Vốn cho vay của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ yếu là ngoại tệ và họ đi vay chủ yếu là VND.

Trong bối cảnh các ngân hàng nội địa đang có kế hoạch giảm tỉ trọng nguồn vay từ các tổ chức tín dụng khác, nhiều khả năng thu nhập năm 2007 của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng. Tình hình này sẽ buộc các chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có biện pháp điều chỉnh cơ cấu thu nhập của mình.

Từ nay đến 2010, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có kế hoạch phát triển mạnh trên các lĩnh vực: Dịch vụ thị trường tài chính, dịch vụ thẻ và tài trợ thương mại, đặc biệt là hoạt động ngân hàng bán lẻ vì họ đánh giá rất cao tiềm năng thị trường gần 85 triệu dân của Việt Nam.

Hiện HSBC và Standard Charterd là 2 ngân hàng đã đi đầu triển khai các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, bước đầu là các sản phẩm quản lý tài sản, giao dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cá nhân.

Thời gian tới các ngân hàng này sẽ giới thiệu các sản phẩm khác như cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng, cho vay thế chấp hướng tới khách hàng cá nhân (người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có thu nhập cao), tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Đồng thời sẽ triển khai cung cấp các sản phẩm hiện đại như: Giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường vốn quốc tế; thực hiện các giao dịch hoán đổi (lãi suất, hoán đổi các đồng tiền) và các công cụ phái sinh khác để giúp khách hàng giảm rủi ro trong hoạt động tài chính; tín dụng hàng hoá...

Với những danh mục sản phẩm, dịch vụ tuy không nhiều nhưng rõ ràng là vượt trội so với khả năng của các ngân hàng nội địa. Như vậy, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang cạnh tranh bằng phương châm không cung cấp nhiều dịch vụ mà cung cấp các dịch vụ tốt hơn. Đây cũng là một nhân tố thúc đẩy các ngân hàng trong nước phải nhanh chóng triển khai các dịch vụ ngân hàng hiện đại để rút ngắn khoảng cách trong cuộc cạnh tranh.

* Sau khi Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua ngày 31/12/1997, lần lượt các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thành lập. Đến nay tại Việt Nam có 29 chi nhánh ngân hàng nước ngoài (chủ yếu của Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Pháp, Đức, Malaysia) hoạt động tập trung tại địa bàn Tp.HCM và Hà Nội.