09:18 22/01/2007

Chi phí pháp lý: Nhận thức sẽ khác

Khi Việt Nam đã vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì doanh nghiệp cần có nhận thức mới về loại chi phí này

Mặc dù kênh cung cấp thông tin về sự liên quan đến chính sách thì nhiều, nhưng thông tin phải được “sàng lọc” mới có giá - Ảnh: Việt Tuấn.
Mặc dù kênh cung cấp thông tin về sự liên quan đến chính sách thì nhiều, nhưng thông tin phải được “sàng lọc” mới có giá - Ảnh: Việt Tuấn.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, dường như chi phí pháp lý vẫn là cái gì đó không thực tế.

Thế nhưng, khi Việt Nam đã vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì doanh nghiệp cần có nhận thức mới về loại chi phí này.

Vì sao doanh nghiệp không quen với “chi phí pháp lý”?

Có thể lý giải điều này ở một số khía cạnh cơ bản sau:

Thứ nhất, do thói quen từ thời kỳ bao cấp, vì đều cùng là cơ quan nhà nước, nên các doanh nghiệp không đặt ra nhu cầu về tư vấn luật. Và tất nhiên sẽ không có chỗ cho loại chi phí pháp lý tồn tại.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam ít có thói quen hành xử theo kiểu “thượng tôn pháp luật” mà theo “lệ”, “giao ước” của phường, hội và uy tín của chủ doanh nghiệp đôi khi còn quan trọng hơn cả luật (điều này phổ biến trong các doanh nghiệp được tổ chức theo kiểu gia đình). Như vậy, khi xảy ra rủi ro, tranh chấp... việc giải quyết bằng luật chỉ là phương án cuối cùng.

Thứ ba, trong một thời gian dài kinh tế bao cấp, đội ngũ luật sư của Việt Nam rất yếu về chuyên môn, kinh nghiệm, nhất là khi tư vấn những vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Hơn nữa, hệ thống pháp luật kinh doanh của chúng ta chỉ được cải thiện trong những năm gần đây, do đó môi trường pháp lý để giới luật sư hành nghề rất hạn chế và hầu như chỉ giới hạn trong các vụ việc hình sự. Chính vì đội ngũ luật sư Việt Nam chưa gầy dựng được lòng tin nơi doanh nghiệp nên cũng dễ hiểu khi mà doanh nghiệp không muốn bỏ ra chi phí pháp lý. 

Vào WTO: vấn đề có khác


Trong các năm vừa qua, để đáp ứng các đòi hỏi của WTO về mặt luật pháp, chúng ta đã ban hành, sửa đổi và bổ sung nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến  hội nhập như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Do sự thông thoáng của luật pháp, đến nay chúng ta có khoảng trên 200.000 doanh nghiệp, hơn hai triệu hộ kinh doanh cá thể và dự báo đến năm 2010 Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp. Sự thay đổi lớn của nền kinh tế đã dẫn đến sự thay đổi trong tư duy kinh doanh nói chung, nhu cầu về tư vấn pháp lý nói riêng của doanh nghiệp. Đây chính là môi trường tốt cho loại hình dịch vụ pháp lý phát triển, điều này làm cho nhận thức của doanh nghiệp về chi phí pháp lý có khác trước. 

Trên thực tế, trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam gặp vô số rủi ro pháp lý, thiệt hại tài chính và uy tín khi thiết lập các mối quan hệ kinh doanh mà không có sự tham vấn từ luật sư, chuyên gia pháp lý. Các thiệt hại này có thể gặp ở các khâu, các giai đoạn của quá trình kinh doanh như khởi nghiệp, tổ chức kinh doanh; gia nhập thị trường; đầu tư mở rộng; liên kết kinh tế... và thậm chí đôi khi rủi ro còn đến từ việc các quan hệ kinh doanh của doanh nghiệp bị cơ quan tố tụng hình sự hóa.

Hơn nữa, việc mở rộng quan hệ quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, dù doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng cũng phải chịu tổn thất to lớn do những rủi ro pháp lý. 

Xét về mặt bản chất, luật pháp là sự phản ảnh hoạt động của nền kinh tế, do đó các chính sách kinh tế liên quan mật thiết với pháp luật. Và doanh nghiệp là đối tượng “nhạy cảm” với các chính sách này nhất, do đó họ luôn có nhu cầu nắm bắt kịp thời, tất nhiên là họ sẽ không ngại bỏ ra chi phí.

Mặc dù kênh cung cấp thông tin về sự liên quan đến chính sách thì nhiều, nhưng thông tin phải được “sàng lọc” mới có giá. Muốn vậy, trước khi đến được doanh nghiệp, các thông tin đó phải được các chuyên gia lành nghề là các nhà kinh tế, luật sư phân tích, đánh giá và lựa chọn.

Hơn nữa, hệ thống pháp luật kinh doanh rất đa dạng, chủ doanh nghiệp không thể  đọc và hiểu hết. Do đó, luật sư, nhà tư vấn luật sẽ đóng vai trò là người cung cấp thông tin về chính sách và “đọc luật” cho doanh nghiệp.
 
Gia nhập WTO, để trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận cơ hội, vượt qua thách thức thì hoạt động tư vấn pháp luật và giới luật sư, luật gia có vai trò không nhỏ.