09:02 09/05/2008

Chi phí quảng cáo, khuyến mại cần quy định hợp lý

Nguyễn Hoài

Quốc hội vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc khống chế tỷ lệ chi phí quảng cáo và khuyến mại (A&P)

Quảng cáo và khuyến mại là hoạt động rất quan trọng đối với doanh nghiệp.
Quảng cáo và khuyến mại là hoạt động rất quan trọng đối với doanh nghiệp.
Tại buổi thảo luận dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi ngày 7/5/2008, Quốc hội vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc khống chế tỷ lệ chi phí quảng cáo và khuyến mại (A&P). Trong khi đó, cộng đồng Eurocham tiếp tục kiến nghị nên bỏ hoặc nâng tỷ lệ này lên 20%.

Trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, các nhà soạn thảo đã đề nghị mức giới hạn hạch toán chi phí quảng cáo, khuyến mại trên tổng chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% nhưng tỷ lệ này không nhận được sự đồng tình từ không ít các doanh nghiệp.

Vì sao phải khống chế chi phí A&P?

Theo ban soạn thảo, sở dĩ phải duy trì tỷ lệ A&P là nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cụ thể, nếu bỏ hoặc nâng cao mức khống chế sẽ dẫn đến thất thu hoặc giảm đáng kể nguồn thu Ngân sách Nhà nước từ khu vực này.

Trên thực tế, các thương hiệu Việt Nam có tên tuổi chỉ sử dụng tối đa khoảng 0,7% - 2,5% cho chi phí A&P, các thương hiệu nhỏ hơn sử dụng khoảng 3,5% - 6%. Nhìn chung, có tới 90% doanh nghiệp đang sử dụng ít hơn mức khống chế 10%.

Do đó, mức khống chế nói trên không ảnh hưởng đến phần lớn các doanh nghiệp. Việc hủy bỏ mức khống chế sẽ dẫn đến độc quyền, các công ty có tiềm lực tài chính mạnh sẽ “nuốt chửng” các công ty yếu hơn. Bảo vệ quan điểm này, một số ý kiến cho rằng, đã có trường hợp đại diện nước ngoài (giữ phần vốn chi phối) tại một số doanh nghiệp liên doanh sẵn sàng để công ty lỗ nặng trong nhiều năm bằng cách chi thật nhiều cho A&P.

Sau khi đại diện phần vốn trong nước không thể tiếp tục góp vốn thì công ty mẹ ở nước ngoài sẵn sàng bơm vốn và loại bỏ dần đối tác Việt Nam ra khỏi cuộc chơi. Với cách làm tương tự, các doanh nghiệp FDI với tiềm lực vốn mạnh mẽ, sẵn sàng chấp nhận lỗ nhiều năm để chiếm lĩnh thị trường và đe dọa đến các thương hiệu trong nước. Ngoài ra, duy trì mức khống chế trên còn giúp Nhà nước trong việc nỗ lực chống tham nhũng mà cụ thể là kiểm soát được chi phí lãng phí như hội họp, tiếp khách.

Tại cuộc họp thảo luận Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 7/5/2008, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận khá sôi nổi. Một số ý kiến cho rằng, việc khống chế tỷ lệ 10% chi phí A&P có thể cản trở một số doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, tăng cường tiếp thị.

Hơn nữa, nếu quy định mức khống chế 15% đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 5 năm đầu thì mức đó cũng không có tác dụng bảo hộ nhiều đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì chi phí của các doanh nghiệp này không lớn nên mức 15% chưa đủ cho yêu cầu quảng cáo.

Ngoài ra, ấn định một mức cụ thể đã thể hiện sự can thiệp sâu của Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tiếng nói từ phía doanh nghiệp

Tại cuộc hội thảo “Lấy ý kiến sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế Giá trị gia tăng” do Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội chủ trì vào ngày 20-21/3/2008 tại Đà Lạt, nhiều ý kiến đã ủng hộ việc xóa bỏ khống chế được xây dựng trên ba nguyên tắc: quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên mô hình kinh doanh của doanh nghiệp đó; sự phù hợp với các thông lệ quốc tế cũng như tính bình đẳng không phân biệt đối xử với mọi thành phần kinh tế, ngành công nghiệp.

Theo đó, hệ thống thuế sẽ hòa nhập chung với thông lệ quốc tế, làm minh bạch hơn quan hệ giữa thuế suất thực tế và thuế suất danh nghĩa, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, giảm lạm phát, nâng cao lợi nhuận doanh nghiệp. Hiện nay các nước châu Á, Trung Quốc và hầu hết các quốc gia khác đều công nhận rằng chi phí xây dựng thương hiệu là một khoản chi phí không thể thiếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đều chấp nhận toàn bộ chi phí này là chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế.

Hai là, xoá bỏ khống chế chi phí A&P không gây ảnh hưởng đáng kể tới nguồn thu thuế của Nhà nước mà còn tạo thêm nguồn thu khác cho Nhà nước. Các doanh nghiệp có tỉ lệ chi phí A&P cao chỉ tập trung ở ngành hàng tiêu dùng luân chuyển nhanh mà tỷ lệ đóng góp của ngành trong toàn bộ nền kinh tế hiện nay còn hạn chế. Mặt khác sự hao hụt nguồn thu do xoá bỏ khống chế A&P sẽ được bù đắp bởi sự gia tăng nguồn thu thuế từ các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo và khuyến mại...

Ba là, việc bỏ khống chế A&P sẽ làm cho giá cả hàng hóa tiêu dùng giảm nhờ chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cao và người tiêu dùng sẽ được lợi. Điều này còn gián tiếp tác động tích cực tới việc chống lạm phát. Cùng với đó, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều thông tin về hàng hóa dịch vụ và có quyết định đúng đắn khi lựa chọn sản phẩm.

Bốn là, việc bãi bỏ khống chế A&P sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các công ty lựa chọn loại hình hoạt động thích hợp với chiến lược phát triển của mình và cạnh tranh lành mạnh theo các quy luật của nền kinh tế thị trường và một khung pháp lý bình đẳng. Sự lo ngại của Ban soạn thảo về vấn đề độc quyền phải được điều chỉnh bởi các luật cạnh tranh và chống độc quyền.

Theo ông Ashok Sud, Phó chủ tịch Ban điều hành Eurocham tại Việt Nam, chi phí A&P đã và đang được công nhận là chi phí hợp lệ, tạo giá trị cho doanh nghiệp ngay cả hiện tại và tương lai.

Vì vậy, không có lý do gì để hạn chế mức chi cho A&P. Trước những quan điểm nêu trên, ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết: “Sau khi cân nhắc, nghiên cứu khảo sát thực tế, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quy định tỷ lệ giới hạn cao hơn (15%) được áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian 5 năm đầu mới thành lập, các doanh nghiệp còn lại vẫn áp dụng mức giới hạn 10% như hiện hành”.