19:36 02/08/2008

Chi phí tài chính đang “gọt” lợi nhuận!

Minh Đức

Biến động của thị trường tiền tệ đã thể hiện rõ trong báo cáo tài chính quý 2/2008 của nhiều doanh nghiệp niêm yết

Doanh nghiệp khó ứng phó trước biến động quá nhanh và bất thường trên thị trường tài chính.
Doanh nghiệp khó ứng phó trước biến động quá nhanh và bất thường trên thị trường tài chính.
Biến động của thị trường tiền tệ đã thể hiện rõ trong báo cáo tài chính quý 2/2008 của nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Quý 2/2008, Công ty Cổ phần Bao bì Dầu thực vật (VPK, HOSE) có kết quả kinh doanh tăng 30,95% so với quý 1/2008. Một yếu tố góp phần tạo kết quả trên là VPK có thêm nguồn thu phát sinh từ lãi tiền gửi tăng lên. Nhưng đây là một trong số ít doanh nghiệp hưởng lợi từ biến động mạnh của thị trường tiền tệ.

Báo cáo của nhiều doanh nghiệp niêm yết cho thấy, bên cạnh khó khăn của hoạt động đầu tư tài chính, biến động của lãi suất, tỷ giá cũng là nguyên nhân làm lợi nhuận giảm.

Lãi suất - tỷ giá tăng, lợi nhuận giảm

Sau đợt báo cáo tài chính quý 2/2008, những giải trình của doanh nghiệp liên quan đến biến động lợi nhuận thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Những dự báo trước đó đã dần hiện thực: lợi nhuận nhiều doanh nghiệp giảm mạnh do lãi suất và tỷ giá tăng cao.

Hiện nhiều doanh nghiệp trên sàn đang có hoạt động chính là nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu để sản xuất hoặc phân phối. Đây cũng là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng từ biến động bất thường và mạnh của tỷ giá USD/VND trong quý 2/2008.

Thông tin từ Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG, HOSE) cho thấy một khoản chi phí tài chính lớn đã bị đội lên do tỷ giá leo thang; khoản chênh lệch tỷ giá mà DHG phải gánh thêm lên tới trên 8,6 tỷ đồng, tăng tới 1.864% so với quý 1/2008.

Tương tự, tại Công ty Cổ phần Công nghiệp gốm sứ Taicera (TCR, HOSE), chi phí tài chính quý 2 đã tăng 148,55% so với quý 1/2008 là do tỷ giá USD/VND biến động lớn. Theo nguyên tắc thận trọng của kế toán, do số dư ngoại tệ của các khoản vay ngắn hạn, vay dài hạn của đơn vị khá cao (khoảng 26 triệu USD), việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ cuối tháng 6/2008 đơn vị lấy theo tỷ giá gần sát với thị trường, trong đó phần trích lập từ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện chiếm khoảng 82% của chi phí này là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến động giảm lợi nhuận trong quý 2/2008.

Đỉnh điểm của ảnh hưởng, theo Taicera, tập trung trong tháng 6. Đây cũng là tháng giá USD trên thị trường tự do có thời điểm xoay quanh mốc 20.000 VND/USD; nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận tỷ giá 18.000 VND/USD để phục vụ hoạt động nhập khẩu…

Ở một tác động khác, phổ biến hơn là chi phí tài chính tăng cao theo lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại.

Theo giải trình của Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Kinh Đô miền Bắc (NKD, HOSE), một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty trong quý 2 vừa qua là chi phí tài chính tăng, do thanh toán lãi vay đến hạn trong kỳ tăng.

Đó cũng là nguyên nhân có ở nhiều doanh nghiệp khác, như tại Công ty Cổ phần Dầu Khí An Pha S.G (ASP, HOSE), Công ty Cổ phần Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (SAV, HOSE), Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Taya (TYA, HOSE)…

Khó dự phòng…

Quý 2/2008, thị trường tiền tệ có những biến động mạnh và bất thường, dẫn tới sự thụ động, khó dự phòng của nhiều doanh nghiệp.

Đỉnh của tỷ giá xác lập trong tháng 6 là một diễn biến khó lường tính, bởi chỉ một thời gian ngắn trước đó, trong tháng 3, thị trường có hiện tượng ứ đọng ngoại tệ kéo dài, ngân hàng “ngại” mua vào, doanh nghiệp khó quy đổi; tỷ giá có lúc giảm xuống còn 15.300 VND/USD. Mặt khác, biến động của tỷ giá thường chỉ xoay quanh khoảng +/-1% trong những năm gần đây khiến nhiều doanh nghiệp chủ quan.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp cho biết đã có biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng việc sử dụng các công cụ phái sinh mà một số ngân hàng thương mại cung cấp. Tuy nhiên, một hạn chế được phản ánh là các ngân hàng thận trọng nên các giao dịch phòng ngừa liên quan thường khép với kỳ hạn ngắn, chỉ từ khoảng 2 tuần đến 1 tháng.

Trong giải trình của một số doanh nghiệp, việc sụt giảm lợi nhuận quý 2/2008 được giải thích từ biến động của tỷ giá, và đó là biến động bất thường và gây bất ngờ. Theo đó, ảnh hưởng này sẽ là một kinh nghiệm mà doanh nghiệp phải trả bằng lợi nhuận để có sự chủ động hơn trong tương lai, nhất là khi biên độ tỷ giá đang có xu hướng nới rộng dần.

Về lãi suất, cơn sốt chưa từng có trong lịch sử cũng đã diễn ra quá nhanh, gây bất ngờ với nhiều người dân và doanh nghiệp. Cuối tháng 3/2008, các ngân hàng thương mại vẫn đặt lãi suất huy động VND trong trần thỏa thuận 11%/năm. Nhưng, đến cuối tháng 6/2008, chỉ tròn một quý kinh doanh, mức lãi suất huy động đã vọt lên tới trên 19%/năm.

Đi cùng với cơn sốt lãi suất huy động, lãi suất cho vay đầu ra cũng tăng vọt, cũng nhanh, mạnh và bất ngờ trước dự tính chi phí tài chính mà doanh nghiệp đặt ra trước đó. Lãi suất cho vay bình quân từ 18%/năm cuối quý 1 vọt lên trên 25%/năm trong quý 2 – một biến động quá nhanh so với tính ổn định cần có của các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay chỉ nhượng bộ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành cơ chế lãi suất mới với “trần” theo lãi suất cơ bản là không quá 21%/năm.

Nhưng ngay cả khi thực hiện cơ chế lãi suất mới (bắt đầu thực hiện từ ngày 19/5), doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với mức lãi lên tới 24% – 25%/năm, do các ngân hàng áp các loại phí liên quan hoặc thực hiện ký quỹ vốn vay… Và khi Ngân hàng Nhà nước lên tiếng, loại bỏ các khoản phí đội thêm đó, doanh nghiệp vẫn phải chịu mức lãi 21%/năm, một gánh nặng đối với mục tiêu lợi nhuận.

Đặt hy vọng…

Bước sang quý 3/2008, thị trường tiền tệ bắt đầu có những chuyển biến nhất định, giảm bớt ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước hết là tỷ giá. Đến thời điểm này có thể khẳng định những biến động trong quý 2 đã thực sự được bình ổn. Tỷ giá trên thị trường tự do tạo hiện tượng khi thấp hơn mức của các ngân hàng niêm yết, chỉ từ 16.750 – 16.770 VND. Các ngân hàng thương mại cũng lần lượt thực hiện bán ra, thực hiện cơ chế một giá theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Với thuận lợi trên, trước mắt những bất lợi từ biến động tỷ giá đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã được hạn chế. Triển vọng đến cuối năm, với việc siết lại giao dịch trên thị trường tự do, thông điệp đủ năng lực can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước, có thể đặt hy vọng vào những diễn biến ổn định hơn.

Với lãi suất cho vay, dù mức giảm chưa mạnh nhưng sự chia sẻ của những ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank, MHB, Eximbank, và mới đây là quyết định giảm mạnh của Sacombank, là một tín hiệu mới. Đây là những ngân hàng chiếm thị phần cho vay chi phối nên giá trị đến được với diện rộng, dù vẫn có những chọn lọc nhất định về đối tượng vay vốn.

Từ đầu tháng 7 đến nay, lãi suất huy động VND của hầu hết các ngân hàng thương mại cũng đã giảm mạnh so với những kỷ lục cuối tháng 6. Đây là cơ sở để doanh nghiệp đặt hy vọng những ngân hàng khác xem xét giảm lãi suất cho vay theo, giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính và giảm sự chia sẻ của lợi nhuận.

Tuy nhiên, hiện lãi suất cơ bản vẫn được giữ nguyên 14%/năm. Lạm phát trong ngắn hạn đang chịu ảnh hưởng từ giá xăng dầu mới. Khả năng lãi suất cho vay tiếp tục giảm vẫn khó xẩy ra.

Từ đây, một tiêu chí mà nhà đầu tư đặt ra khi "ngắm nghía" các doanh nghiệp niêm yết là sự chủ động về nguồn vốn trong hoạt động.